Là những công dân sinh sống ngay giữa lòng của thị xã công nghiệp nhưng 80 hộ dân ở đây vẫn phải chịu cảnh sống như một bản vùng sâu của tỉnh.
Đi nhờ đường, học nhờ trường tỉnh bạn
Tìm đường qua điện thoại bởi một người quen, chúng tôi được ông Lê Hoàng Mậu, Trưởng khu phố 12 hướng dẫn đường đi và cứ đi. Những tưởng Dốc Xây là địa danh cuối cùng của Bỉm Sơn, nhưng trên thực tế, phải ra gần trung tâm thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình mới có một con đường rẽ về Khu phố 12 này. Khu phố mà chỉ cách trung tâm thị xã Bỉm Sơn chừng hơn 3km nếu tính theo đường chim bay, nhưng người dân hiện phải đi vòng qua đất Ninh Bình tới hơn 10 km mới vào được trung tâm thị xã. Nơi đây được ngăn cách bởi nhiều dãy núi, ngọn đồi nên chỉ có duy nhất con đường mòn gập ghềnh men theo chân núi là có thể đi vào được. Sẽ rất khó khăn nếu đi bằng xe máy nên người dân ít đi "đường chính", mà họ thường chọn tuyến đường dễ đi để về nhà. Chỉ có một con đường dễ đi nhất đó là chấp nhận đi qua tỉnh bạn nhưng cũng phải mất thời gian khá lâu mới có thể về đến nhà mình được.
Qua trao đổi, ông Mậu cho biết, từ năm 1961, Uỷ ban Hành chính tỉnh Thanh Hoá đã ký quyết định cho HTX Trung Tiến xã Nga Trường (Nga Sơn) lên đây khai hoang, các hộ gia đình như: ông Vinh, ông Bút, bà Mậu... đều ở đây đến tận ngày nay. Giai đoạn 1983 - 1984, nhiều gia đình khác ở Nga Sơn, Hoằng Hoá cũng đến đây khai hoang, mở rộng vùng đồi này rồi lập nghiệp tại đây. Ban đầu, số hộ này thuộc phường Bắc Sơn, sau lại được ghép và thuộc phường Ba Đình. Tháng 12 năm 1994, vùng đất này được trả về phường Bắc Sơn, thuộc thị xã Bỉm Sơn với tên gọi Khu 12. Từ thời điểm này, cư dân sinh sống ở đây đã có chi bộ riêng và thuộc sự quản lý hành chính của phường Bắc Sơn. Năm 1995, khu phố được đầu tư 1 trường mầm non, năm 2011 được đầu tư xây dựng một cống và đường tràn.
Các hộ dân đang trao đổi với PV báo chí.
Theo phản ánh của các hộ dân, đường vào khu phố này chính là con đường mòn, do dân tự mở dần trong nhiều năm đi lại mà thành. Đã nhiều năm trôi qua, năm nào mỗi hộ phải đóng 1 triệu đồng, tự thuê máy xúc mở rộng dần con đường, tuy nhiên do địa hình là đồi núi nên nhiều đoạn vẫn là đường mòn nên rất khó khăn trong việc đi lại của nhân dân tại đây.
Từ chỗ khó khăn trong việc đi vào trung tâm thị xã Bỉm Sơn nên gần như 100% học sinh cấp 1, cấp 2 ở đây đều phải học nhờ các trường của tỉnh Ninh Bình. Hiện tại, khu phố này đang có hơn 30 cháu đang phải học nhờ trường tỉnh bạn do điều kiện đi lại quá khó khăn và vất vả. Gia đình các anh Phạm Thế Thắng, Phạm Khắc Diệu và Vũ Văn Việt đều có con học tiểu học ở Ninh Bình, cách nhà 6 km nên phải chia mỗi gia đình đưa đón cả 3 cháu trong một tuần để đỡ mất việc nhà. Hết cấp 2, cháu nào muốn học cấp 3 tại Ninh Bình thì phải chuyển khẩu, nhiều gia đình phải nhờ người quen cho con cháu mình nhập khẩu. Nhiều em không chuyển được khẩu, phải về học tại Bỉm Sơn, hàng ngày đạp xe hơn 20 km theo Quốc lộ 1A mới có thể đến trường được.
Mua điện giá cao, luôn lo bị cắt
Theo phản ánh của các hộ dân, đã nhiều năm nay họ mong có 1 trạm biến áp nhỏ hoặc một đường dây kiên cố kéo về để có nguồn điện ổn định. Tuy đã nhiều lần kiến nghị HĐND các cấp nhưng vẫn chưa được giải quyết và dường như những kiến nghị đó chỉ là vô vọng bởi không có ban ngành chức năng nào ngó ngàng gì đến nơi này cả. Hiện tại, 80 hộ dân ở đây đều phải mua điện từ 4 nơi khác nhau, gồm: hơn 20 hộ mua qua Công ty Hoá chất Đồng Giao; một nhóm hộ mua lại từ chi nhánh điện phường Nam Sơn, thị xã Tam Điệp và 2 nhóm hộ còn lại mua lại từ phường Ba Đình, Bỉm Sơn. Khảo sát tại nhóm hộ mắc nhờ điện từ Công ty Hoá chất Đồng Giao, thì được biết các hộ dân phải mua điện tại công tơ của công ty này với giá từ 3.000 đến 3.500 đồng/kwh (phụ thuộc vào đầu hay cuối đường dây mà giá khác nhau).
Ông Lê Hoàng Mậu đang chỉ đường dây điện bị xuống cấp nghiêm trọng.
"Bên nhà máy hoá chất họ liên tục dọa cắt điện suốt, vì họ nói mua điện về để phục vụ sản xuất chứ không phải để kinh doanh, họ cũng không có nhu cầu buôn điện làm gì cho tốn công mệt óc", ông Trương Ngọc Linh, 64 tuổi cho hay. Hiện tại, công ty này chỉ giới hạn cho hơn 20 hộ dân ở đây dùng dưới 500 kwh mỗi tháng, nếu quá "quy định" sẽ cắt điện không cho dùng nữa. Để duy trì nguồn điện sinh hoạt, các hộ dân phải tự động viên nhau tiết kiệm điện một cách đến tối đa, mùa nóng thì chịu nóng, ông phân trần "Ở đây, chúng tôi không dám mua tủ lạnh, vì để hạn chế tối đa dùng các thiết bị điện. Hay gia đình anh Phạm Thế Thắng thường chỉ dám thắp một bóng sáng cho các cháu học bài, chứ không xem ti vi nhiều tốn điện chúng tôi phải trả tiền nhưng rồi họ lại nói cho không ra gì, và có khi họ cắt điện thật thì chỉ có mà “toi”. Nhiều gia đình không dám bơm nước từ giếng khoan để tưới cho vườn thanh long và cây trồng. Đã vậy, vào giờ cao điểm, điện ở đây rất yếu do đường dây quá bé và lại xa", ông trưởng khu phố chia sẻ.
Công tác an toàn lưới điện ở đây hoàn toàn không được cơ quan quản lý điện nào phụ trách hết. Việc chôn cột, kéo dây và điều hành lưới điện là tự phát bởi người dân hư hỏng thế nào cùng do người dân tự sửa chữa lấy. Quan sát thực tế, cột điện ở đây phần lớn là cây gỗ, cây bạch đàn do người dân tự đóng góp, dựng nên. Nhiều đoạn dây nối chằng chịt, hở lõi nằm ngay trên đầu người. Nhiều "cột điện" đổ siêu đổ vẹo, rất nguy hiểm nếu mưa bão xảy ra. Tại nhiều cột, các cầu dao không có vỏ bọc, lộ trơ ra phần kim loại nằm ngay tầm tay với của người. Với những thiếu thốn đó các hộ dân ở đây mong muốn thị xã, ngành điện hỗ trợ, mắc một đường dây kiên cố khoảng 1.500 m là có thể nối với Khu phố 10, phường Ba Đình, hoặc xây dựng một trạm biên áp nhỏ cho khu dân cư này. Nhưng dường như mong muốn đó chỉ là mong muốn xa vời khó có thể trở thành hiện thực được.
Ông Tống Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND thị xã Bỉm Sơn cho biết: chúng tôi cũng được nghe các hộ dân kiến nghị, nhưng ngân sách hiện không cho phép đầu tư điện và đường vào khu dân cư nói trên. Trước đó, thị xã đã trao đổi với Điện lực Bỉm Sơn nhưng họ chưa có kế hoạch đầu tư vì các hộ dân sống rải rác, đầu tư sẽ không có lãi. Về phần đường, nếu làm phải bạt núi, san đồi kinh phí rất lớn, nhưng trong quy hoạch sẽ mở một số con đường vì trùng với đường quốc phòng từ Bỉm Sơn đi Tam Điệp.