Độc tố kiến ba khoang mạnh gấp 15 lần nọc rắn hổ mang

Chí Tâm| 13/10/2019 14:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Độc tố trong kiến ba khoang mạnh gấp 12-15 lần nọc rắn hổ, khi tiếp xúc với chất gây độc của kiến ba khoang nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nặng.

Thời gian gần đây, kiến ba khoang bắt đầu “tái xuất” ở khu vực Hà Nội, đặc biệt là các khu chung cư nằm ở ngoại thành. Theo chia sẻ của người dân, năm nào cũng vậy sau mua gặt, kiến ba khoang không còn chỗ trú ngụ tại các cánh đồng, nên chúng thường tìm đến các khu chung cư.

TS.BS Lê Ngọc Duy - Trung tâm cấp cứu và chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, những ngày qua đã tiếp nhận nhiều ca bệnh đến khám do bị viêm da, nhiễm độc bởi kiến ba khoang. Các vết nhiễm đều có dấu hiệu ngứa rát, đỏ ửng khó chịu, vết nặng còn có mủ nước xuất hiện

Theo TS Duy, kiến ba khoang là côn trùng có thân mình thon, dài như hạt thóc (dài 1-1,2 cm, ngang 2-3 mm), có hai màu đỏ và đen, nhìn giống con kiến; do đó, người ta hay gọi với nhiều tên gọi khác nhau như kiến hoang, kiến kim, kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong... Kiến ba khoang là loài ưa thích ánh sáng đèn đêm, nên thường có xu hướng bay vào nhà theo ánh đèn để đậu trên chăn màn, quần áo, giường chiếu hay khăn mặt.

Độc tố kiến ba khoang mạnh gấp 15 lần nọc rắn hổ mang

 Kiến ba khoang là loài đặc biệt nguy hiểm vào thời điểm giao mùa, mưa nhiều, độ ẩm cao.

Trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin (C24H43O9N), độc tính mạnh gấp 12 - 15 lần nọc của rắn hổ nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn. Chất này chủ yếu gây bỏng da có thể nhầm với tổn thương trong bệnh Zona thần kinh.

Khi bị dính chất độc của loài côn trùng này, da sẽ bị rát, đỏ thành đám, vệt, theo chiều tay quệt nền hơi cộm, trên có mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ li ti ở giữa, có vùng hơi lõm màu vàng nâu, hình tròn hoặc bầu dục. Viêm da thường xuất hiện ở vùng hở trên cơ thể như: mặt, cổ, ngực, gáy, vai, tay.

Thương tổn tiếp tục xuất hiện dù không còn sự hiện diện của kiến ba khoang nếu ngứa gãi quệt ra vùng da lành, đặc biệt là các vùng nếp gấp. Bệnh nhân có cảm giác rát bỏng tại chỗ, thương tổn trên diện rộng có thể gây sốt nhẹ, nổi hạch lân cận.

Xử lý như thế nào khi tiếp xúc chất độc kiến ba khoang?

Khi tiếp xúc với độc tố hoặc nghi tiếp xúc với độc tố của kiến ba khoang, người dân trước tiên cần bĩnh tĩnh, không lau, quệt để tránh chất độc lan ra và thực hiện tiếp các bước như sau:

- Không dùng tay trần để bắt, giết, miết kiến ba khoang. Bắt kiến ba khoang ra khỏi da bằng cách thổi hoặc đặt một tờ giấy cho kiến bò lên và lấy ra khỏi người. Khi tiếp xúc với kiến ba khoang, đeo găng tay hoặc dùng giấy mềm lót.

- Nếu lỡ tay đập hoặc chà xát kiến ba khoang trên da thì phải nhanh chóng rửa sạch nơi tiếp xúc bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý. Tránh đưa tay đã tiếp xúc với kiến chạm vào các vùng da khác.

- Khi bắt đầu thấy rát ở một vùng da có thể rửa vùng đó bằng nước muối loãng, xà phòng... chú ý các biểu hiện để khám bác sĩ da liễu khi cần thiết.

- Khi phát hiện kiến ba khoang ở khu vực làm việc, sinh sống, nên liên hệ với đơn vị y tế chuyên trách (các Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng, các Trung tâm Y tế dự phòng địa phương) để được hướng dẫn và phối hợp xử lý.

Để phòng kiến ba khoang, TS Lê Ngọc Duy khuyến cáo người dân trước khi đi ngủ, nên kiểm tra kĩ giường gối, chăn chiếu; kiểm tra quần áo trước khi mặc; kiểm tra khăn trước khi rửa mặt...

Buổi tối nên hạn chế thắp đèn trong nhà, nếu thắp đèn cần đóng kín cửa để tránh thu hút kiến ba khoang vào nhà.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Độc tố kiến ba khoang mạnh gấp 15 lần nọc rắn hổ mang