Pù Luông được ví như thiếu nữ đôi mươi đang mơ mộng hái hoa, bắt bướm giữa núi rừng hoang sơ, mờ ảo. Mỗi ai đặt chân đến đây đều muốn lưu lại thật lâu và khi phải trở về, mảnh đất này "bỗng hóa tâm hồn".
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông được thành lập năm 1999, với tổng diện tích hơn 17.000 ha. Pù Luông được các nhà khoa học đánh giá là một trong những khu bảo tồn có giá trị lớn về khoa học, kinh tế xã hội và du lịch sinh thái - nơi có hệ sinh thái núi đá vôi thấp duy nhất ở miền Bắc Việt Nam với những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn hàng nghìn năm. Bên cạnh đó, Pù Luông đang còn lưu giữ nhiều hệ động thực vật quý hiếm có trong sách đỏ như Thông Pà Cò, nghiến, lan hài, voọc, báo gấm, gấu đen, rất nhiều loại chim, bướm…
Một Pù Luông hoang sơ, thanh bình
Cách thành phố Thanh Hoá khoảng 130 km về phía Tây Bắc, Pù Luông thuộc địa phận hai huyện Quan Hoá và Bá Thước. Các tuyến đường lên đây đã được thảm nhựa, rất thuận lợi cho việc đi lại, từ Hà Nội đi vào cũng chỉ mất vài giờ đồng hồ. Thời điểm tuyệt nhất để đến thăm Pù Luông là khoảng tháng 6 và tháng 10, khi lúa rộ lên chín vàng trên các thửa ruộng bậc thang bên sườn đồi.
Khám phá mảnh đất này, du khách sẽ phải băng qua những cánh rừng già âm u, huyền bí và vượt qua những cung đường hiểm trở, uốn lượn. Từ những cung đường này có thể phóng tầm mắt nhìn những dãy núi cao trùng điệp, thả hồn ngắm những bản làng, những nếp nhà sàn độc đáo ẩn mình giữa bạt ngàn rừng xanh, chìm nổi trong sương núi, mây trời.
Nếp nhà sàn truyền thống đầy cuốn hút
Pù Luông chào đón bạn trải nghiệm những thiên đường du lịch, hoang sơ giữa đại ngàn mà ai đến 1 lần đều nhớ mãi như bản Đôn (xã Thanh Lâm), bản Hiêu (xã Cổ Lũng), Cao Sơn (xã Lũng Cao) và bản Đông Điểng, Kho Mường (xã Thành Sơn), huyện Bá Thước… Tại đây khách có thể ở lại bản trên các nhà sàn và hòa nhập vào cuộc sống của đồng bào Thái mộc mạc, chất phác. Nếu muốn một không gian yên tĩnh, mộng mơ du khách có thể ngủ tại khu nghĩ dưỡng sinh thái ở bản Đôn với các dịch vụ hiện đại tầm cỡ 3 – 4 sao với không gian thiết kế nhẹ nhàng, phong cách. Hoặc một lựa chọn thú vị khác là cắm trại ở ngay trong rừng để hòa mình với thiên nhiên.
Những con người chất phát, thật thà, dễ gần, sống hòa nhịp với thiên nhiên
Đã đến đây, bạn đừng bở lỡ việc thượng sơn lên với Cao Sơn (tên chung của 3 bản Son, Bá, Mười, thuộc xã Lũng Cao) nơi được xem là thâm sơn cùng cốc của dãy Pù Luông hùng vĩ cao gần 2.000 m. Ở đây mây mù bao phủ quanh năm, nhiệt độ thường ở mức 18 – 22 độ C.
Đây là vùng đất mà nhiều đứa trẻ và người già chỉ biết họ như đang sống ở một thế giới khác, là vùng đất mà nhiều du khách đặt chân đến đã ví như một “Sa Pa giữa lòng xứ Thanh”.
Nhiều loại trang phục truyền thống của người dân tộc rất bắt mắt
Với nhiều du khách, Kho Mường là điểm xuất phát lý tưởng cho những chuyến trekking xuyên Pù Luông. Đến với bản Kho Mường, ngoài cảnh quan, địa thế hùng vĩ, du khách được khám phá hang động với những nhũ đá huyền kỳ. Từ bản Kho Mường có thể đi theo tuyến 4 bản Mường là Bản Pốn – Thành Công – Cao Hoong – Bản Kịt để khám phá nét đặc trưng văn hóa, hoặc men theo đường mòn nối Kho Mường tới Bản Ươi – Phố Đoàn để đến bản Quắn, nơi có những nếp nhà bình yên, giản dị.
Vào thứ 5 và chủ nhật, tham dự phiên chợ phố Đòn thuộc xã Lũng Niêm (huyện Bá Thước) có từ Pháp thuộc cũng là điểm đến hấp dẫn. Ngôi chợ quê mang đậm nét hoang sơ ở vùng cao phía tây xứ Thanh này là nơi giao thương hàng hóa và gặp gỡ của đồng bào các dân tộc ở các xã quanh vùng và người dân huyện Tân Lạc, Lạc Sơn (Hòa Bình). Người dân đến chợ không chỉ để mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là dịp để họ giao lưu, gặp gỡ và cả nét văn hóa độc đáo riêng của từng dân tộc. Họ mang đến chợ với đủ thứ hàng, từ con nhím, con sóc mới bẫy được trong rừng, hay con gà, bó rau, con cá…
Món ngon được nấu theo truyền thống của người bản địa
Khi đôi chân đã mỏi, chiếc bụng rỗng réo gào, những món ngon dân dã của người dân bản địa chào mời như: đặc sản vịt Cổ Lũng, gà đồi, lợn mán nướng, măng đắng, ốc núi, cơm lam, nộm hoa chuối rừng… Đến đây du khách sẽ được thưởng thức món canh đắng, được nấu với lòng gà, heo… Loại canh này ăn rất đắng nấu từ một loại lá rừng, ai chưa từng ăn sẽ thấy rùng mình, nhưng khi đã thưởng thức, hương vị thấm đậm theo vào tận giấc mơ.
Để đánh thức Pù Luông, năm 2008 Tổ chức động thực vật Quốc tế FFI phối hợp với cơ quan chức năng triển khai thực hiện dự án xúc tiến du lịch sinh thái, phát triển du lịch cộng đồng, trong đó có việc chọn một số gia đình tiêu biểu để trang bị cơ sở vật chất đạt chuẩn homestay (du lịch xanh) để có thể đón khách du lịch trong và ngoài nước, nhằm phát triển du lịch cộng đồng ở nơi đây.
Chương trình này FFI sẽ hỗ trợ đào tạo cư dân trong cộng đồng biết cách chế biến, nấu ăn đạt chuẩn phục vụ du khách và tiến tới dạy Tiếng Anh cho một số người để có thể làm hướng dẫn viên phục vụ du khách... Đến nay, đã có 20 hộ được hỗ trợ xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng và các trang thiết bị cho các hộ làm du lịch ở 5 xã thuộc 2 huyện Quan Hóa và Bá Thước.
Nơi lưu trú mờ sương có cả bể bơi giữa đại ngàn
Vào ngày 19/10/2018, tại thôn Đôn (xã Thành Lâm, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa), tỉnh Thanh Hóa tổ chức công bố tour du lịch cộng đồng Pù Luông. Ban tổ chức đã công bố các tour du lịch tại Pù Luông gồm các tour 1 ngày tại nội vùng Pù Luông với các địa danh như bản Hiêu, chợ phố Đoàn, làng nghề dệt thổ cẩm Lũng Niêm, bản Đôn, bản Kho Mường, hang cá thần Mường Ký, các bản Son, Bá, Mười… (huyện Bá Thước) và hang Ma, bản En, bản Hang, bản Suối Tôn (huyện Quan Hóa); các tour trong tỉnh (2 ngày 1 đêm) với điểm xuất phát từ thành phố Thanh Hóa, Sầm Sơn đi các bản du lịch cộng đồng của 3 huyện Bá Thước, Quan Hóa và Lang Chánh; các tour du lịch liên tỉnh (3 ngày 2 đêm) từ Hà Nội-Mai Châu (Hòa Bình) tới các bản của các huyện Bá Thước, Quan Hóa, Cẩm Thủy và các tour theo yêu cầu của du khách.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước Lò Văn Thắng cho biết: Hiện nay loại hình du lịch sinh thái gắn với phát triển cộng đồng đang rất phát triển. Huyện Bá Thước xác định du lịch là ngành mũi nhọn, nên tập trung các nguồn lực đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực, khôi phục nhiều hoạt động văn hóa truyền thống, bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa phi vật thể. Đặt mục tiêu đến năm 2020 đón 30.000 du khách trong nước và quốc tế, trong đó có khoảng 1/3 là khách quốc tế.