Theo Cục Hàng Hải Việt Nam, khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng tàu biển trong quý I đạt 44,8 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021, hàng hóa vận chuyển bằng phương tiện thủy nội địa đạt 20 triệu tấn, tăng 2%.
Thị trường vận tải biển quốc tế diễn biến thuận lợi trong ngắn hạn với giá cước tăng ở hầu hết các phân khúc tàu do xung đột giữa Nga - Ukraine khiến nhu cầu vận tải biển ở các khu vực khác tăng lên. Bên cạnh đó, sự thay đổi nguồn cung làm cho nhu cầu tàu, lượng hàng luân chuyển bằng đường biển thay đổi, tạo ra các tuyến giao thương đường biển thay thế, gia tăng cơ hội tham gia vận chuyển của các đội tàu quốc gia khác.
Theo số liệu của Cục Hàng Hải Việt Nam, khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng tàu biển trong quý I đạt 44,8 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021, hàng hóa vận chuyển bằng phương tiện thủy nội địa đạt 20 triệu tấn, tăng 2%.
Cụ thể Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC, UPCoM: MVN) ghi nhận doanh thu thuần quý I là 3.264 tỷ đồng, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong cơ cấu doanh thu (bao gồm cả cảng), hoạt động vận tải tăng nhiều nhất 78,4% lên 1.229 tỷ đồng. Kết quả, VIMC mang về 689 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ 2021 và hoàn thành 21,6% kế hoạch năm. Lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ tăng 89,3% lên 554,3 tỷ đồng
Vận tải & Xếp dỡ Hải An (HoSE: HAH) cũng có kết quả tích cực trong quý này với doanh thu thuần 652,4 tỷ đồng, tăng 81,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu từ hoạt động khai thác tàu quý này gấp 2 lần cùng kỳ 2021 đạt 635,5 tỷ đồng. Lãi sau thuế của Hải An đạt 262,7 tỷ đồng, tăng 207,2% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 47,8% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 199,9 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm trước.
PVTrans ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.022 tỷ đồng, tăng 18%; lợi nhuận gộp tăng 13% đạt 291 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 15% xuống 14,4%. Doanh thu tài chính và các chi phí biến đổi không đáng kể, doanh nghiệp vận tải biển ghi nhận lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 153 tỷ đồng, tăng 12%.
Vận tải biển Vinaship (UPCoM: VNA) cũng ghi nhận lợi nhuận gấp 12 lần cùng kỳ lên 40 tỷ đồng.
Công ty Vận tải biển Việt Nam (Vosco, HoSE: VOS) và Đại lý vận tải biển (Safi, HoSE:SFI) cũng ghi nhận lợi nhuận tăng mạnh. Vosco ghi nhận lãi sau thuế đạt 55,7 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ 19 tỷ năm trước còn lãi của Safi quý này gấp 3,2 lần năm trước.
SSI Research nhận định gián đoạn chuỗi cung ứng có thể kéo dài đến năm 2023 lâu hơn kỳ vọng ban đầu, do các yếu tố như các ca nhiễm Omicron tăng nhanh và khả năng xuất hiện các biến thể mới; chính sách zero COVID của Trung Quốc và căng thẳng leo thang giữa Nga - Ukraine gây thêm áp lực lên thương mại toàn cầu. Ngoài ra, lượng tàu mới bàn giao trong năm 2022 chỉ giới hạn ở mức 3,1% trọng tải đội tàu hiện tại. Do đó, ngành vận tải container quốc tế và nội địa sẽ hưởng lợi cho đến năm 2023.