Các ngân hàng được dự báo sẽ còn tăng lãi suất để chuẩn bị dòng tiền cho vay trong bối cảnh cả nước đã quay trở lại trạng thái bình thường mới, hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi. Nhiều doanh nghiệp và người kinh doanh lo lắng sẽ khó trụ nổi.
Các chuyên gia kinh tế tại Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo, thời gian tới, do áp lực lạm phát sẽ cao hơn khiến một số ngân hàng buộc phải tăng lãi suất huy động sau một thời gian liên tục điều chỉnh giảm. Do đó, lãi suất cho vay dự báo sẽ duy trì ở mức cao tương đối.
Trong trường hợp lạm phát năm nay vẫn duy trì dưới 4% thì dự báo đến hết quý II/2022, khả năng lãi suất cho vay trong ngắn hạn sẽ tăng thêm khoảng 0,5%/năm. Nhưng nếu lạm phát có nguy cơ tăng cao hơn so với dự báo thì lãi suất cho vay ngắn hạn có thể tiếp tục tăng thêm 0,5% vào cuối năm và lãi suất cho vay trung dài hạn sẽ tăng thêm khoảng 1,5% nữa.
Trước xu hướng tăng lãi suất, các nhà sản xuất, kinh doanh hết sức lo lắng vì khi lãi suất cho vay tăng sẽ đẩy chi phí vốn tăng theo.
Lo khó trụ nổi nếu lãi suất cho vay tăng
Hiện nay nhu cầu vay vốn của các DN đã bắt đầu ấm dần hơn sau hơn hai năm chống chọi với dịch bệnh. Tuy vậy, đa số các nhà sản xuất, kinh doanh đều vay vốn từ ngân hàng. Vậy nên khi lãi suất đầu vào tăng thì lãi suất đầu ra cũng khó có thể đứng im. Hiện tại đã có một số ngân hàng tăng lãi suất cho vay khoảng 0,5%/năm so với mức lãi suất năm ngoái.
Trong điều kiện kinh tế bình thường, mức tăng lãi suất như vậy không đáng lo ngại nhưng trong bối cảnh hiện nay sẽ gây thêm áp lực cho nhà sản xuất, kinh doanh. Bởi gần đây giá nguyên vật liệu, cước vận chuyển, xăng dầu… tăng mạnh. Ví dụ, giá nguyên vật liệu, cước phí vận chuyển đều đã tăng 30%-50% so với năm ngoái.
Nhiều công ty đều lo lắng khó khăn sẽ chồng lên khó khăn, khó có thể trụ nổi.
Như với ngành may mặc, nhiều đơn vị quy mô nhỏ phải vay vốn với lãi suất cao, trên 7%/năm. Ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean nhận định với báo chí: "Mức lãi suất này vẫn cao với các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu. Từ đầu năm đến nay, nhiều nguyên vật liệu như bông, sợi tăng giá từ 30 - 40%. Tính trung bình thì chi phí đầu vào đã tăng hơn 15% trong khi hàng xuất khẩu không thể tăng giá. Đáng lo hơn là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn chưa chấm dứt khiến hàng hóa đều tăng giá, nguy cơ lạm phát lên cao. Vì thế, hàng may mặc xuất khẩu có thể bị ảnh hưởng từ nửa cuối năm, nhất là ở thị trường EU"
Khi kinh tế khu vực này khó khăn, người dân sẽ tiết kiệm chi tiêu khiến nhu cầu xuống thấp. Các đơn hàng dệt may sẽ bị sụt giảm, từ đó doanh nghiệp ngành dệt may càng gặp khó hơn.
Hay HTX thanh long Tầm Vu (Long An) vẫn phải vay ngân hàng với lãi suất 8,5 - 9%/năm. Điều này khiến đơn vị khó càng thêm khó khi ngành nông nghiệp vẫn đối diện với nhiều rủi ro trong đứt gãy chuỗi cung ứng, hàng bị ùn ứ khi xuất khẩu.
Công ty TNHH Giấy Minh Cường Phát (Khu công nghiệp Amata, TP. Biên Hòa) đang phục hồi sản xuất mạnh. Nhu cầu về bao bì giấy trên thị trường đang gia tăng trở lại nên DN đang tăng tốc nhập hàng để cung ứng cho các đối tác. Tuy nhiên, sau nhiều tháng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, việc phục hồi vẫn chưa được như trạng thái ban đầu, do đó nguồn tài chính vẫn khó khăn. Việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động cũng khiến cho ông cũng như các DN khác lo lắng sẽ ảnh hưởng đến lãi suất cho vay, như vậy cũng tác động đến nguồn tiền của DN, trong đó có cả những khoản vay cũ.
Tương tự, một DN vận tải khách trên địa bàn TP. Biên Hòa cho hay, ngành Vận tải đã và đang lấy lại tốc độ phục hồi. Kế hoạch của DN này trong năm nay là sẽ đầu tư thêm một số đầu xe mới để mở rộng hướng tuyến vận tải khách từ TP.Biên Hòa đi các địa phương khác và vận chuyển khách du lịch cao cấp. So với dự kiến ban đầu, nếu như ngân hàng tăng lãi suất cho vay, DN này sẽ phải chịu thêm một khoản chi phí bởi số vốn hiện tại là không đủ. Hiện công ty vẫn đang nghe ngóng tình hình để có những quyết định tiếp theo một cách hiệu quả nhất.
Với một loạt khó khăn như vậy, các DN đang rất cần sự chung tay hỗ trợ từ phía ngân hàng để gồng mình vượt khó.
Dư địa giảm lãi suất không còn?
Từ đầu năm 2022, Chính phủ đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí quản lý, phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5-1%/năm trong 2 năm để hỗ trợ các DN phục hồi sản xuất.
Năm 2020, mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 1% và năm 2021 khoảng 0,7%, nếu được giảm tiếp trong năm 2022, chắc chắn sẽ hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, không biết điều này có thành hiện thực?
Một số ngân hàng cho rằng, dư địa giảm lãi suất không còn. Hiện chỉ có hai giải pháp để các ngân hàng có thể giảm thêm lãi suất, đó là tiết giảm chi phí hoạt động và nâng chất lượng danh mục tài sản để giảm chi phí trích lập dự phòng rủi ro. Tuy nhiên, chi phí hoạt động của các ngân hàng đã ở mức tối thiểu sau nhiều lần cắt giảm trong hai năm qua, trong khi đang phải đối mặt với rủi ro nợ xấu gia tăng. Dự địa càng hẹp hơn khi lạm phát cũng có xu hướng tăng.
Trong khi đó, các DN gặp khó khăn nhưng vẫn phải vay vốn với lãi suất cao. Trên thực tế, nhiều ngân hàng thương mại vừa qua chỉ giảm lãi suất cho nhóm đối tượng hẹp và kèm theo rất nhiều điều kiện xét duyệt. Đặc biệt, khối ngân hàng TMCP tư nhân giảm lãi suất theo kiểu “nhỏ giọt”.
Thực tế, lãi suất cho vay với khách hàng DN của một số ngân hàng thương mại quý 1/2022 khá cao. Lãi suất vay từ 7-8%/năm với các kỳ hạn ít DN tiếp cận được, phần lớn đều vay với lãi suất cao hơn.
Cụ thể, các DN đang phải vay với kỳ hạn 6 tháng khoảng 8,5- 9%/năm, kỳ hạn 9 tháng là 9- 9,5%/năm và kỳ hạn 12 tháng là 9,25-9,75%/năm. Tuy nhiên, các mức lãi suất này không cố định. Cứ sau 3 tháng lại điều chỉnh một lần, cộng thêm biên độ. Mức cộng từ 1-3% cho kỳ hạn 6 tháng, từ 1,25-2,25% cho kỳ hạn 9 tháng và từ 1,5-2,5% cho kỳ hạn 12 tháng, tùy đối tượng khách hàng. Tính ra, lãi suất bình quân thấp nhất DN vay kỳ hạn 6 tháng là 9%/năm.
Do đó, để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, NHNN phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5%-1% trong hai năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên. Trong thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng cố gắng tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất cho vay.
Liên quan vấn đề nới lỏng điều kiện cho vay, NHNN khẳng định mục tiêu xuyên suốt và nhất quán của chính sách tiền tệ là phải đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng. Bởi vậy, việc quy định các điều kiện cấp tín dụng là cần thiết để đảm bảo chất lượng tín dụng, kiểm soát nợ xấu phát sinh và cần cân nhắc hết sức kỹ lưỡng việc nới lỏng các điều kiện cho vay.