Doanh nghiệp công nghệ thông tin “cưỡi sóng” vượt đại dịch

Trang Nhi| 21/01/2022 12:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dù vẫn còn những thách thức trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, song, các doanh nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông đã tận dụng và nắm bắt cơ hội để đạt mức tăng trưởng ấn tượng, trở thành “mảng sáng” trong bức tranh lợi nhuận chung, giữa bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Tận dụng nền tảng công nghệ, nắm bắt cơ hội vượt dịch

Dịch bệnh COVID-19 đã khiến hầu hết các lĩnh vực kinh doanh bị ảnh hưởng tiêu cực, sản xuất đình trệ, đứt gãy chuỗi cung ứng, giá cước vận tải tăng cao… Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, ngành công nghệ thông tin vẫn nổi lên như một điểm sáng của nền kinh tế trong mùa dịch. Nhiều doanh nghiệp trong ngành đã nhanh nhạy nắm bắt để vươn lên và phát triển bền vững.

anh-1.-cntt.jpg
Ngành công nghệ thông tin là “điểm sáng” của nền kinh tế giữa đại dịch.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, xu hướng chuyển đổi số đã giúp ngành công nghệ thông tin đứng trước cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ dài hạn. Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, tổng doanh thu toàn ngành công nghệ thông tin Việt Nam năm 2020 đạt 120 tỷ USD, trong đó công nghiệp phần cứng đạt trên 107 tỷ USD; công nghiệp phần mềm đạt trên 5 tỷ USD; công nghiệp nội dung số đạt trên 900 triệu USD…

Điển hình, trong giai đoạn giãn cách, Công ty cổ phần Công nghệ ATALINK đã tận dụng nền tảng công nghệ của mình hợp tác với các sở, ban, ngành của gần 20 tỉnh, thành phố là điểm nóng dịch bệnh để hỗ trợ DN trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp theo dõi dữ liệu, đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19, thực hiện các báo cáo nhanh về tình hình phòng, chống dịch cho BCĐ các cấp.

Ngoài ra, với giải pháp quản trị chuỗi cung ứng và sàn giao dịch thương mại điện tử B2B, ATALINK có bước phát triển tích cực trong đại dịch, do các nhãn hàng cần kênh quảng bá, tiếp thị và bán hàng trực tuyến đến cộng đồng DN, nhất là đến những DN trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp.

Trong khi đó, Sunbytes, một DN nhỏ và vừa trong QTSC, với dịch vụ cung ứng đội nhóm lập trình chuyên nghiệp cho các DN tại châu Âu và châu Mỹ, đã cho toàn bộ nhân viên làm việc online và thực hiện rất nhiều biện pháp, như tạo ra nhiều kênh giao tiếp để tăng cường kết nối giữa các nhân viên, tất cả các hoạt động gắn kết đều được duy trì, như tổ chức sinh nhật, sinh hoạt câu lạc bộ ăn sáng hàng tuần, tổng kết toàn công ty... Do vậy, mặc dù xáo trộn về tổ chức hoạt động, nhưng Sunbytes vẫn duy trì cung cấp dịch vụ tới hơn 125 khách hàng trên toàn thế giới và bảo bảo đảm tiến độ của 180 dự án.

Cần đầu tư mạnh cho con người

Trước nhu cầu đầu tư vào công nghệ, chuyển đổi số tăng mạnh giữa đại dịch, nhu cầu tuyển dụng của ngành công nghệ thông tin cũng tăng lên. Các doanh nghiệp cần chủ động “săn đầu người” bằng các chính sách, hoạt động riêng.

Ngoài chiến lược phát triển CNTT đã được thông qua, cần nghiên cứu để nếu cần, cập nhật theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, xâm nhập thị trường ngoài nước. Đặc biệt, cần quan tâm việc hỗ trợ bằng đào tạo, cung ứng nhân lực chất lượng cao. Việc doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam chiếm thị phần cao trong nước và dần chiếm lĩnh thị trường nước ngoài là hoàn toàn có thể, nếu đầu tư bài bản, đúng cách.

anh-2.-cntt.jpg
Doanh nghiệp CNTT cần thể hiện vai trò dẫn dắt cộng đồng DN Việt Nam trong tiến trình chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu, thử nghiệm tạo ra các sản phẩm công nghệ chiếm một phần không nhỏ trong cơ cấu tài chính doanh nghiệp CNTT. Dù là “điểm sáng” của nền kinh tế giữa đại dịch nhưng các doanh nghiệp công nghệ vẫn mong muốn nhận được các gói trợ cấp, hỗ trợ từ phía Chính phủ và Ngân hàng bằng cách triển khai giải ngân nguồn vốn đầu tư công, ưu tiên lĩnh vực.

Bên cạnh đó, việc tìm kiếm nhân sự có trình độ chuyên sâu liên quan đến lĩnh vực CNTT khiến các doanh nghiệp công nghệ gặp rất nhiều khó khăn không chỉ về nguồn vốn, mà Chính phủ nên khuyến khích hệ sinh thái khởi nghiệp start-up công nghệ số đổi mới, tạo cơ hội cho các hướng đi mới, linh hoạt thích ứng với thị trường. Không những vậy, việc Nâng cấp hạ tầng số quốc gia tạo nền tảng nghiên cứu để phát triển các sản phẩm công nghệ trọng điểm, dẫn dắt công nghệ cũng là vấn đề hết sức cấp thiết.

Thời gian tới, doanh nghiệp CNTT cần cân nhắc để đưa ra chiến lược hài hòa giữa việc tăng trưởng doanh thu và cải thiện uy tín hình ảnh trên truyền thông của doanh nghiệp. Hướng tới tương lai, ngành CNTT Việt Nam sẽ ngày càng tiến xa hơn, song hành cùng sự phát triển của công nghệ trên thế giới.

CNTT là lĩnh vực rất lớn và có tầm quan trọng lớn đối với phát triển đất nước. Đặc biệt, chúng ta đang trong giai đoạn đối phó với những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, song “trong nguy có cơ”, thực hiện việc chuyển đổi số đã trở thành “mệnh lệnh” cho sự tồn tại, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nói riêng, toàn quốc nói chung. Chính vì vậy, định hướng cho các DN xác định và quyết tâm thực hiện chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ hàng đầu để tập trung quyết liệt thực hiện ở thời điểm này.

Doanh nghiệp CNTT sẽ phải dẫn dắt cộng đồng DN Việt Nam chuyển đổi số, chủ động nghiên cứu, phát triển, tạo ra các sản phẩm “Make in Vietnam” để cung cấp giải pháp công nghệ phục vụ phát triển đồng đều các khu vực kinh tế thành thị và nông thôn, phục vụ chương trình chuyển đổi số, đưa ứng dụng công nghệ vào mọi ngõ ngách của đời sống kinh tế - xã hội, thực hiện sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển. Càng có thêm nhiều nhóm sản phẩm số “Make in Vietnam”, sẽ càng có nhiều DN tiếp cận chuyển đổi số. Khi ấy, chỉ số công nghiệp CNTT sẽ càng cao hơn và đa dạng hơn.

Với tinh thần phát huy nội lực, sức sáng tạo, các DN công nghệ thông tin Việt Nam cần chớp lấy thời cơ, gánh vác trách nhiệm tiên phong, xung kích trong tiến trình chuyển đổi số, xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp công nghệ thông tin “cưỡi sóng” vượt đại dịch