Hoàn thành các công trình ĐTXD giữa đại dịch Covid: EVNNPC vượt khó với 3 tại chỗ và ứng dụng CNTT

Phương Anh.EVNNPC| 25/08/2021 10:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Xác định dịch Covid-19 sẽ còn diễn biến phức tạp và kéo dài, EVNNPC đang tìm cách thích nghi với điều kiện bình thường mới để vừa sống chung an toàn với dịch bệnh, vừa đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ cấp điện an toàn, ổn định cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng.

Nguy cơ chậm tiến độ luôn hiện hữu

anh-1.jpg
BA1 hoàn thành giai đoạn 1 dự án Đường dây 110kV Mường Lay - Điện Biên trong điều kiện thi công khó khăn do địa hình phức tạp, xa xôi hẻo lánh.

Năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn phức tạp với số ca nhiễm liên tục tăng cao và bùng phát mạnh trong cộng đồng khiến nhiều địa phương trên địa bàn EVNNPC quản lý phải thực hiện lệnh phong tỏa, giãn cách như Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh… Đặc biệt việc UBND thành phố Hà Nội thực hiện Chỉ thị 17/CT-UBND về giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố để phòng chống dịch Covid-19 từ giữa tháng 7 đến nay đã khiến công tác chỉ đạo điều hành sản xuất kinh doanh tại trụ sở Tổng công ty càng gặp nhiều thách thức, ảnh hưởng lớn đến mọi mặt hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có công tác đầu tư xây dựng các công trình điện 110kV, vẫn được coi là xương sống của lưới điện miền Bắc.

Tính đến thời điểm đầu tháng 8/2021, toàn EVNNPC có 171 dự án lưới điện 110kV đang triển khai chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, trong đó giai đoạn chuẩn bị đầu tư có 93 dự án, giai đoạn thực hiện đầu tư có 78 dự án. Dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng lớn tới mọi hoạt động của lĩnh vực đầu tư xây dựng, từ công tác tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi… đến đo vẽ, trích lục bản đồ, đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) và thi công, đóng điện.

Ông Nguyễn Sông Thao – Giám đốc Ban Quản lý Dự án Lưới điện (BA1) cho biết, tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài từ đầu năm đến nay cùng với giá nguyên vật liệu leo thang đã ảnh hưởng lớn tới khả năng thực hiện các chỉ tiêu của Ban trong năm 2021, đặc biệt là các chỉ tiêu về khởi công, đóng điện.

Hiện nay, BA1 đang thực hiện quản lý thi công 34 dự án tại 18 địa phương, trong đó tập trung ở địa bàn các tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An, Điện Biên… với nhiều dự án trọng điểm như: ĐZ và TBA 110kV Sơn Động, Đường dây và TBA 110kV Cẩm Khê 2; Đường dây 110kV Mường Chà - Long Tạo; Đường dây 110kV Điện Biên - Mường Lay… Tuy nhiên hiện nay, các địa phương này đều tăng cường áp dụng biện pháp phòng chống dịch và kiểm soát chặt chẽ hoạt động xây dựng, do đó việc điều chuyển vật tư thiết bị và nhân lực của nhà thầu xây lắp gặp nhiều khó khăn, phát sinh chi phí lớn như chi phí xét nghiệm, trong khi vận tải bị hạn chế tới mức tối đa nên việc thi công tại công trường hầu như phải dừng lại.

Không riêng gì BA1, các công trình do Ban Quản lý Phát triển Điện lực (BA2) và Ban Quản lý Xây dựng điện miền Bắc (BA3) quản lý cũng gặp tình cảnh tương tự. Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng các công trình điện, ông Đoàn Văn Sâm – Phó Giám đốc BA2 cho biết, BA2 đang thực hiện quản lý thi công 33 dự án trên địa bàn 16 tỉnh, trong đó tập trung chủ yếu ở địa bàn các tỉnh Quảng Ninh (06 dự án), Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng (04 dự án), Phú Thọ, Vĩnh Phúc (03 dự án)… với nhiều dự án trọng điểm như Đường dây 110kV 4 mạch sau TBA 500kV Phố Nối, Xuất tuyến 110kV Sau TBA 220kV Yên Mỹ, Xuất tuyến 110kV sau TBA220kV Bá Thiện; Nâng cao khả năng truyền tải ĐZ 175 NĐ Uông Bí đến TBA 110kV Chợ Rộc …

Tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp nên từ đầu năm đến nay công tác thực hiện GPMB ở hầu hết các địa phương đều triển khai rất chậm do người dân có tâm lý ngại tiếp xúc, chính quyền xã, huyện và đơn vị quản lý công tác GPMB của các địa phương cũng hạn chế làm việc do ưu tiên công tác phòng chống dịch. Đặc biệt, kể từ khi UBND thành phố Hà Nội cũng như UBND các tỉnh như Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng… đồng loạt có các văn bản, chỉ thị yêu cầu giãn cách xã hội thì công tác GPMB lại càng thách thức hơn nữa. Ban đang gặp rất nhiều khó khăn và lo ngại đối với các dự án trọng điểm của EVN như dự án Đường dây 110kV 4 mạch sau TBA500kV Phố Nối; Xuất tuyến 110kV sau TBA 220kV Bá Thiện … Nếu các tỉnh tiếp tục áp dụng những biện pháp mạnh như hiện nay sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ hoàn thành của tất cả các dự án mà Ban đang triển khai.

anh-2.jpg
BA2 thi công dự án Nâng cao khả năng truyền tải đường dây 110kV từ TBA 220kV Bắc Ninh - VT76 và các nhánh rẽ trong những ngày tỉnh Bắc Ninh đang thực hiện giãn cách vì Covid-19 và đã hoàn thành giai đoạn 2 trong tháng 7/2021.

Cũng theo lãnh đạo BA2, công tác nghiệm thu, bàn giao vật tư thiết bị (VTTB) cũng gặp vướng mắc vì Covid-19. Hiện nay VTTB của một số dự án có kế hoạch đóng điện trong quý 3, 4/2021 đã được tập kết tại kho của các nhà thầu, tuy nhiên Công ty TNHH MTV Thí nghiệm điện miền Bắc không thể thực hiện việc lấy mẫu thí nghiệm do phải di chuyển ra ngoài thành phố Hà Nội, vì vậy không đủ điều kiện để tổ chức nghiệm thu, bàn giao cho nhà thầu thi công lắp đặt, như dự án Lắp MBA T2 Quảng Hà, ĐZ và TBA 110kV Vân Đồn; Cải tạo ĐZ 110kV từ TBA 220kV Phú Thọ - Bãi Bằng - Việt Trì; Cấp điện cho huyện đảo Bạch Long Vỹ … Hơn nữa, các đơn vị vận tải hiện nay không nhận vận chuyển hàng hóa đi các tỉnh, bởi thực tế khi đến các tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng … vẫn phải thực hiện cách ly do vật tư, thiết bị điện không thuộc danh mục hàng hóa thiết yếu.

Điển hình như Dự án Cấp điện cho huyện đảo Bạch Long Vỹ. Đây là dự án trọng điểm thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước đang được các Bộ, Ban ngành quan tâm, cần phải đóng điện sớm. Từ tháng 3/2021, các VTTB của dự án đã được giao đến công trình, riêng hạng mục tua bin gió đã được đơn vị sản xuất hoàn tất từ đầu tháng 4/2021 nhưng đến tháng 7/2021 mới cập cảng Hải Phòng do việc vận chuyển hàng từ các nước về Việt Nam phải kéo dài hơn 2 tháng vì Covid-19. Tuy vậy đến nay nhà thầu vẫn không thể đưa hàng ra đảo vì thành phố Hải Phòng thắt chặt các quy định phòng chống dịch.

Ông Phạm Bình Minh – Trưởng Ban Quản lý Đầu tư cho biết, theo kế hoạch của EVN tại quyết định số 137/QĐ-EVN ngày 26/01/2021, trong năm 2021 giao thực hiện khởi công 78 dự án, đóng điện 81 dự án 110kV. Tuy nhiên, dịch bệnh đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác đầu tư xây dựng của Tổng công ty trong năm 2021, dẫn đến nhiều dự án có nguy cơ không thể hoàn thành đúng tiến độ được giao.

3 tại chỗ và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin

Xác định dịch bệnh Covid-19 sẽ còn diễn biến phức tạp và tiếp tục kéo dài với sự xuất hiện nhiều biến chủng nguy hiểm mới của virus Corona, lãnh đạo EVNNPC đã tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh để bảo an toàn cho cán bộ công nhân viên, đồng thời đề ra nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ những dự án tại khu vực giãn cách.

Cụ thể, đối với dự án đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, Tổng công ty yêu cầu các đơn vị cần tận dụng tối đa các yếu tố thuận lợi để thực hiện công tác tư vấn lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi... các dự án đúng tiến độ.

Đối với công trình đủ điều kiện đưa máy vào thi công, yêu cầu các BQLDA đôn đốc nhà thầu đúc móng nổi tại các bãi tập trung cách xa khu dân cư, khi đúc móng yêu cầu tư vấn giám sát thực hiện cập nhật và chụp ảnh theo yêu cầu để cập nhật lên phần mềm quản lý đầu tư xây dựng. Sau khi hết thời hạn giãn cách, đề nghị đơn vị thi công lập tức sử dụng máy thi công đào và thả móng, dựng cột, lắp xà, kéo dây. Những địa bàn không thể sử dụng máy thi công, Tổng công ty đề nghị nhà thầu thuê nhân công thủ công tại địa phương tập kết vật tư như cát, đá, xi măng … và hệ thống cột, xà, thiết bị vào chân công trình, sẵn sàng cho việc thi công ngay sau khi chính quyền cho phép.

anh-3.jpg
BA3 đóng điện thành công MBA T2 TBA 110kV Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

Bên cạnh đó, Tổng công ty yêu cầu các ban quản lý dự án (BQLD) tiếp tục làm việc với chính quyền địa phương, đến từng nhà có đất, tài sản trên đất bị ảnh hưởng bởi dự án để vận động, do không được tổ chức họp dân, nhằm sớm có mặt bằng sạch giao cho đơn vị thi công để có thể triển khai thi công ngay sau khi dừng việc giãn cách. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các Điện lực, Trung tâm điều khiển xa, bộ phận kỹ thuật, an toàn để hoàn thiện các phương án cắt điện đấu nối, giảm thiểu thời gian cắt điện, đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện.

Ngoài việc thực hiện các giải pháp trên, EVNNPC còn linh hoạt áp dụng “3 tại chỗ” và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Ông Trần Huy Hoàng – Giám đốc BA3 cho biết, năm 2021, BA3 được giao khởi công 20 dự án, hoàn thành nghiệm thu, đóng điện đưa vào sử dụng12 dự án. Đến nay, Ban đã thực hiện khởi công 13 dự án và đóng điện 7 dự án. Trong tháng 5 và tháng 6 khi dịch Covid - 19 bùng phát mạnh tại tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, BA3 đã áp dụng rất nhiều giải pháp thi công trong khi triển khai các dự án tại những nơi bị giãn cách. Ban đã yêu cầu cán bộ giám sát thực hiện “3 tại chỗ” gồm ăn tại chỗ, ngủ tại chỗ và làm việc tại chỗ, không tiếp xúc với bất kỳ ai ngoài phạm vi công trường đang thi công; đồng thời yêu cầu đơn vị thi công báo cáo chi tiết các hạng mục thi công trong từng ngày, trên cơ sở đó lên kế hoạch thi công trong các giai đoạn tiếp theo.

Trước đó vào cuối năm 2019, Tổng công ty đã khởi động lại và hoàn thành dự án thủy điện Nậm Pay đúng thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Tại Nậm Pay, EVNNPC đã triệt để áp dụng hình thức họp trực tuyến với các chuyên gia Trung Quốc, đồng thời bố trí cho người lao động ăn, nghỉ tại công trường để đảm bảo phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, EVNNPC tiếp tục ứng dụng công nghệ, sử dụng các phần mềm thông dụng (Zoom, Zalo...) để họp giao ban trực tuyến công tác điều hành của Tổng công ty, điều hành dự án tại công trường; Thống nhất với đối tác, nhà thầu, các địa phương hình thức trao đổi trực tuyến để chia sẻ thông tin, giải quyết các vướng mắc trong khâu thi công, lắp đặt thiết bị, đền bù giải phóng mặt bằng... nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Hiện tại, cả ba BQLDA của EVNNPC đều triển khai ứng dụng họp qua hội nghị truyền hình; kiểm tra VTTB và giám sát online qua video call tại các khu vực áp dụng giãn cách, triển khai ký số nội bộ cho hầu hết các công tác và triển khai quét mã QR code để khai báo y tế khi đến làm việc tại cơ quan.

Nhờ kịp thời triển khai các giải pháp phù hợp cùng với việc linh hoạt áp dụng “3 tại chỗ” cho từng nhóm công tác và hạng mục công việc, đồng thời tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin nên bảy tháng đầu năm, hoạt động đầu tư xây dựng của EVNNPC đã đạt được một số kết quả nhất định. Tính riêng tháng 7/2021, EVNNPC đã khởi công 7 dự án, đóng điện 9 dự án gồm Nâng công suất Thủy Nguyên 1 và Thủy Nguyên 2; Lắp đặt T2 Tây Thành phố - Thanh Hóa; TBA 110kV Mường Chà; ĐZ  Mường Lay - Điện Biên; Lắp T2 Yên Dũng; Lắp đặt T2 KCN Cái Lân; Lắp T2 Cẩm Điền; qua đó nâng cao năng lực lưới điện thêm 330MVA và 50,621km ĐZ 110kV; lũy kế 7 tháng đầu năm đã khởi công được 50 dự án, đóng điện được 40 dự án; các dự án đóng điện đưa vào khai thác sử dụng góp phần đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định cho sự phát triển kinh tế của các địa phương, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và giảm tổn thất điện năng.

Bàn về khả năng thực nhiệm vụ những tháng còn lại trong năm, ông Phạm Bình Minh nhận định, trước những thách thức do dịch bệnh gây ra, Tổng công ty vẫn liên tục tìm tòi các phương án nhằm tháo gỡ khó khăn và thích nghi với điều kiện tình hình mới song song với việc sẵn sàng tăng tốc sau khi dịch bệnh phần nào được kiểm soát. Tin rằng, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tổng công ty cùng với sự sáng tạo, nỗ lực quyết tâm của toàn thể cán bộ công nhân viên, EVNNPC sẽ vượt qua khó khăn để hoàn thành các chỉ tiêu mà Tập đoàn giao trong năm 2021.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thành các công trình ĐTXD giữa đại dịch Covid: EVNNPC vượt khó với 3 tại chỗ và ứng dụng CNTT