Hầu hết doanh nghiệp ngành bất động sản (BĐS) đều không đạt kế hoạch quý 1/2014, nhất là đối với nhóm doanh nghiệp đặt kế hoạch “tham vọng”.
Điểm nổi bật chung của nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) niêm yết năm 2014 là chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh cao “ngất ngưởng” so với kết quả đạt được năm liền trước. Có thể kể đến một số doanh nghiệp tên tuổi như PPI, PDR, VPH, PTL, TDH hay DXG… khi đưa ra những con số tăng trưởng mạnh, gấp đôi, gấp ba hay thậm chí cả hàng chục lần.
Doanh nghiệp BĐS đặt kế hoạch 2014 “ngất ngưởng”
Mặc dù tại ĐHĐCĐ thường niên, đại diện của các doanh nghiệp này khá tự tin với kế hoạch đề ra nhưng có vẻ như kết quả trong quý 1/2014 lại không như những gì mong đợi.
CTCP Phát Triển Hạ Tầng & BĐS Thái Bình Dương (HOSE: PPI) là một minh chứng. Công ty đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế ở mức 49.9 tỷ đồng, gấp 357 lần so với kết quả đạt được năm 2013 (136 triệu đồng). Tại ĐHĐCĐ thường niên 2014, ông Phạm Đức Tấn - Chủ tịch HĐQT PPI rất tin tưởng vào khả năng thực hiện nhờ kinh nghiệm 20 năm trong lĩnh vực công trình giao thông, mối quan hệ lâu năm với các bộ ngành địa phương và thị phần ổn định.
Song kết quả kinh doanh những năm gần đây của PPI có sự sụt giảm mạnh. Kết thúc quý 1/2014, lợi nhuận trước thuế của PPI đạt 6.4 tỷ đồng, chỉ bằng 13% chỉ tiêu kế hoạch năm. Kết quả này thực tế đã được ông Tấn tiết lộ tại Đại hội đồng cổ đông 2014 trước khi có báo cáo chính thức. Và ông Tấn cũng giải trình rằng do khó khăn trong quý 1 đối với lĩnh vực công trình giao thông (lĩnh vực chính mà công ty đang dựa vào để xây dựng kế hoạch 2014).
Hay như trường hợp của Bất động sản Phát Đạt (HOSE: PDR), kế hoạch lãi trước thuế năm 2014 tại 50.4 tỷ đồng nhưng 3 tháng đầu năm công ty chỉ thực hiện được vài trăm triệu đồng, còn chưa bằng con số lẻ trong chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra.
Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc tài chính của một Tập đoàn bất động sản lớn tại TP.HCM cho rằng việc các doanh nghiệp bất động sản có kết quả khiêm tốn trong quý 1 là do lực cầu yếu. Tâm lý người dân là không muốn chi tiền ở thời điểm đầu năm. Bên cạnh đó, do thời gian nghỉ Tết kéo dài cũng làm cho năng suất bán hàng của nhân viên kinh doanh sụt giảm.
Tuy nhiên, vị Giám đốc này nói rằng vẫn có một số trường hợp ngoại lệ ở một số doanh nghiệp có sản phẩm tốt hay đối với các doanh nghiệp thực hiện chuyển nhượng dự án thì cũng mang lại hiệu quả cao.
Cùng quan điểm với ý kiến trên, TS Lê Đức Khánh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Công ty chứng khoán Maritime Bank (MSBS) cho rằng phải ít nhất kể từ quý 2, thậm chí hết tháng 6 thì nhu cầu mua nhà mới được nhìn thấy quay lại thị trường. Do đó, trong 3 tháng đầu năm thường là thời điểm khó khăn của các doanh nghiệp. Thêm vào đó, chính sách ghi nhận doanh thu sau khi bàn giao dự án (trước đây ghi nhận theo tiến độ) cũng ảnh hưởng đến kết quả của các doanh nghiệp này.
Ngoài ra, ông Khánh cũng cho biết thêm là tình hình kinh tế vĩ mô trong 3 tháng đầu năm 2014 vẫn chưa thực sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp bất động sản. Mặc dù lãi suất đã cho dấu hiệu giảm nhưng việc tiếp cận vốn vẫn còn khó khăn, điều này làm cho nhiều doanh nghiệp bị thiếu vốn trong triển khai dự án.
Trên thực tế, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp BĐS trên sàn đã biến động như vậy. Nhìn lại Nam Long (NLG) trong năm 2013, hai quý đầu năm thua lỗ cũng là do việc chưa thể ghi nhận doanh thu và lợi nhuận do chưa hoàn thành bàn giao dự án. Và điều này cũng lại đang diễn ra đối với NLG trong quý 1/2014 khi mà công ty tiếp tục lỗ gần 22 tỷ đồng.
Còn quá sớm để bàn về khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh 2014 của những doanh nghiệp trên nhưng kết quả kinh doanh quý 1/2014 vừa qua cho thấy những áp lực lên thời gian còn lại trong năm là rất lớn. Các doanh nghiệp BĐS sẽ phải nổ lực rất nhiều nếu không muốn bị loại khỏi “cuộc đua”.
Sanh Tín