Đoan Hùng: Khi đất ven “Đê” lên “Phố”

Kim Truyền| 16/04/2022 20:41
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Xã Hợp Nhất (huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ) có vị trí khá đặc thù là được bao quanh bởi dòng sông Lô uốn lượn. Từ nhiều đời nay, dòng sông được người dân nơi đây ví như người mẹ ôm con vào lòng và đã nuôi dưỡng cho bao thế hệ “con thơ” trưởng thành. Xưa là con tép, con tôm gắn liền với hình ảnh con thuyền bến nước, giờ là cát là sỏi với tàu bè ngược xuôi dưới cây cầu Mới vững chắc. Và hiện tại, nơi đây đang đổi mới, dần hình thành lên khu Dịch vụ - Thương mại ven bờ đê để hóa “Phố”.

Xã Hợp Nhất nằm ở phía đông huyện Đoan Hùng và là xã duy nhất của huyện nằm ở tả ngạn sông Hồng. Từ bao đời nay, dòng Lô Giang hiền hòa, trong xanh ấy là nguồn cung cấp nước tưới cho hệ thống nông nghiệp của xã Hợp Nhất. Bên cạnh đó, dòng sông cũng là tuyến giao thông vận chuyển hàng hóa quan trọng. Do đó việc phòng chống lũ, trị thủy để bảo vệ khu dân cư, xuyên suốt quá trình lịch sử, hệ thống đê điều hai bên sông dần dần được hình thành và gia cố.

“ Cách đây 20 năm đến 30 năm trước, về mùa này thì nước lên cao, gần như mấp mí hết nên nhà nào cũng phải chuẩn bị bao tải, cọc tre năm nào cũng phải đắp đê chống lũ. Bây giờ, có nhiều đập ở trên nhiều con sông nên người dân cũng yên tâm, nhưng không vì thế mà chủ quan” – Ông Nguyễn Văn Chung (chủ tịch xã Hợp Nhất) cho biết. Vì vậy việc xây dựng, quy hoạch hệ thống đê điều nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối trong phòng chống lũ luôn được các cấp và chính quyền huyện Đoan Hùng nói riêng, tỉnh Phú Thọ nói chung quan tâm, chú trọng.

6(1).jpg
2(2).jpg

Khu vực gần cầu Mới, thuộc Khu Vân Cương 1 và Vân Cương 2, xã Hợp Nhất đang diễn ra tình trạng san đất ngay ven đê để hình thành lên khu Dịch vụ - Thương mại

Xã Hợp Nhất trước đây vốn là ba xã: Đại Nghĩa, Hữu Đô, Phú Thứ. Trước khi sáp nhập, xã Phú Thứ có diện tích 5,31 km², dân số là 2.016 người, mật độ dân số đạt 380 người/km². Xã Đại Nghĩa có diện tích 8,43 km², dân số là 3.115 người, mật độ dân số đạt 370 người/km², có 12 thôn từ thôn 1 đến thôn 12. Xã Hữu Đô có diện tích 5,16 km², dân số là 3.001 người, mật độ dân số đạt 582 người/km².

Ngày 17 tháng 12 năm 2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 828/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Phú Thọ (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2020). Theo đó, sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của ba xã Đại Nghĩa, Hữu Đô và Phú Thứ thành xã Hợp Nhất.

3(1).jpg
4(1).jpg

Sự xuất hiện của quán Coffee Sông Lô và những của hàng kiên cố ven bờ đê

Xã Hợp Nhất có vị trí khá đặc thù là được bao quanh bởi dòng sông Lô uốn lượn, nên việc phòng chống lũ, trị thủy để bảo vệ khu dân cư là vô cùng quan trọng. Hiện tại, nơi đây đang đổi mới: dần hình thành lên khu Dịch vụ - Thương mại ven bờ đê để hóa “Phố”.

Về Hợp Nhất bây giờ, chúng ta không chỉ thấy những bãi ngô, vườn bưởi mà ven bờ đê mọc lên nhiều cửa hàng, hàng quán kiên cố để thay dần những lũy tre. Sự thay đổi đó được diễn ra từ nhiều năm trước: “Tại khu vực bến Phà là khu vực thuộc HTX Bến thủy Nội địa quản lý. Việc đổ đất ven sông đã có từ lâu rồi, các cửa hàng ở đây thì các hộ đều phải cam kết, bảo đảm để sau này không ảnh hưởng” - Ông Nguyễn Văn Chung chia sẻ.

Tại khu vực gần cầu Mới, thuộc Khu Vân Cương 1 và Vân Cương 2, xã Hợp Nhất (trước là thôn 8 và thôn 9, xã Hữu Đô): “ Trước đây là của hội nông dân tập thể chia cho từng hộ trong thôn. Mục đích ban đầu là để trồng mía, nhưng không hiệu quả. Sau đó, UBND xã thu lại và giao cho một số hộ đấu thầu 50 năm để chuyển sang trồng bưởi. Thời gian gần đây, có việc đổ đất và mua bán đất tại khu đất trên, còn làm gì thì tôi không rõ” – Ông Tuyến, trưởng thôn Vân Cương 1 cho biết.

5(1).jpg

Trụ sở UBND xã Hợp Nhất

Sự thay đổi tại xã Hợp Nhất những năm gần đây và đặc biệt là khu vực gần cầu Mới, nơi đang diễn ra tình trạng san đất ngay ven đê. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của quán Coffee Sông Lô (kết nối cảm xúc) dễ dàng đập vào mắt mọi người. Chia sẻ về điều này, ông Chung cho biết: “Đây là đất 50 năm, ban đầu là để trồng bưởi nhưng chất lượng không tốt, vừa rồi đã được quy hoạch với mục đích là Thương mại – Dịch Vụ. Việc đổ đất, mua bán đất là do cá nhân người ta mua lại, dồn lại để phục vụ việc giao thương hàng hóa”.

Việc “Phố” hóa đất ven “Đê” tại xã Hợp Nhất, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân nhưng cũng cần chú trọng trong công tác phòng chống lũ, trị thủy và không làm ảnh hưởng đến cuộc sống yên bình của người dân nơi đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đoan Hùng: Khi đất ven “Đê” lên “Phố”