Ngày 6/12, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Viện Nghiên cứu Kiến trúc & Đô thị Hàn Quốc và Công ty TNHH SMC Huế tổ chức Diễn đàn quốc tế lần thứ ba với chủ đề “Một số định hướng phát triển kinh tế di sản, kinh tế xanh và kinh tế số tại tỉnh Thừa Thiên Huế”.
Tham dự có Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố Đô Huế Hoàng Việt Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kiến trúc & Đô thị Hàn Quốc (AURI) Ông Reigh Young Bum, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Diễn đàn giới thiệu và thảo luận về một số định hướng phát triển kinh tế địa phương như kinh tế di sản, kinh tế số và kinh tế xanh tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển dữ liệu số và công nghiệp văn hóa trên cơ sở bảo tồn, tôn tạo, phát triển bền vững giá trị văn hóa của di sản Cố đô Huế, góp phần đưa Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước và khu vực, từng bước thực hiện thành công Nghị quyết 54 - NQ/TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Nghị quyết 175/2024/QH15 về việc thành lập Thành phố Huế trực thuộc trung ương, là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam.
Đây là sự kiện quan trọng trong khuôn khổ hợp tác quốc tế, nhằm thúc đẩy các ngành kinh tế tiềm năng, khai thác phát huy giá trị di sản văn hóa, bảo vệ môi trường và đẩy mạnh chuyển đổi số trong phát triển kinh tế địa phương.
Diễn đàn quy tụ các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện các tổ chức quốc tế, cùng nhiều đại biểu đến từ các Sở ngành, tổ chức trong và ngoài nước. Mục tiêu của diễn đàn là thảo luận về các giải pháp và định hướng phát triển kinh tế bền vững, đồng thời chia sẻ các mô hình thành công và kinh nghiệm từ các địa phương khác và quốc tế trong việc phát huy giá trị di sản, thúc đẩy kinh tế xanh và ứng dụng công nghệ số vào các ngành kinh tế.
Với 3 phiên tham luận về: Huế và văn hóa, Huế và CNTT, Huế và phát triển xanh – bền vững. Tại chương trình, các diễn giả trình bày các tham luận và cùng chia sẻ về các nội dung như, “Đẩy mạnh giá trị di sản từ góc nhìn kinh tế”, “Giá trị của bảo tàng đối với năng lực cạnh tranh văn hóa của thành phố”; “Ứng dụng metaverse, một xu hướng cho phát triển kinh tế số và quảng bá di sản Huế”, “Quản lý tài nguyên thông tin để bảo tồn, quản lý và sử dụng di sản văn hóa”, “Hue-S đẩy mạnh du lịch số”, “Một số định hướng và triển khai kinh tế xanh vì sự phát triển bền vững ở Huế”…
Dịp này, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố Đô Huế và Viện Nghiên cứu Kiến trúc & Đô thị Hàn Quốc đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác thực hiện chương trình nghiên cứu, tư vấn thiết kế tái thiết có chuyên môn cao nhằm phát triển đa dạng mô hình kiến trúc sinh thái lịch sử, công nghiệp văn hóa, dịch vụ du lịch… tại di tích Huế.