Điều hành giá điện theo cơ chế thị trường

Đức Dũng| 11/07/2015 20:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhằm giúp người dân và các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về cách tính giá điện theo biểu giá điện mới, góp phần công khai, minh bạch, Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương đã tổ chức chương trình tọa đàm “Điều hành giá điện theo cơ chế thị trường”.

Lý giải việc giá điện tăng lũy tiến 

Từ ngày 16/3 vừa qua, Bộ Công Thương đã có Quyết định số 2256/QĐ-BCT điều chỉnh giá điện, bình quân đợt điều chỉnh này tăng 7,5% so với biểu giá cũ. Trong khi nhiều mặt hàng tiêu dùng càng nhiều thì giá càng rẻ, thì mặt hàng điện ngược lại, được tính theo bậc thang lũy tiến. Điều này khiến người tiêu dùng không khỏi băn khoăn. 

Điều hành giá điện theo cơ chế thị trường

Ảnh minh họa.

Giải thích về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho hay, điện năng là một hàng hóa đặc biệt, quá trình sản xuất và tiêu dùng diễn ra đồng thời ngay lập tức và về nguyên tắc của Việt Nam, cũng như các nước trên thế giới khi điều độ sẽ điều độ theo giá trị kinh tế. Có nghĩa là sẽ huy động các nhà máy điện rẻ trước, nhà máy điện giá đắt sẽ huy động sau. Chẳng hạn, trong hệ thống điện Việt Nam ở mức độ nhất định sẽ huy động những nguồn truyền thống như thủy điện, nhiệt điện than, tuabin khí. Nhưng khi nhu cầu điện cao thì sẽ huy động các nhà máy điện chạy dầu có giá thành cao. 

Ông Tuấn cũng cho biết, theo thông lệ thì các nước phát triển như Mỹ, Nhật, các nước ở trong khối ASEAN đều áp dụng biểu giá điện lũy tiến cho khách hàng thuộc hộ sử dụng sinh hoạt. Hiện nay, có 10 nước trong ASEAN đều áp dụng biểu giá tính lũy tiến cho khách hàng sử dụng điện sinh hoạt. Các nước láng giềng của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc thì cũng áp dụng biểu giá lũy tiến này. 

Như vậy, việc áp dụng biểu giá lũy kế cho khách hàng sử dụng điện sinh hoạt là phổ biến trên thế giới, với mục đích là khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Qua thực tế kiểm tra cho thấy, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện như hiện nay đơn giản, thuận tiện cho khách hàng theo dõi và phù hợp với nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt trên toàn quốc. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu và xem xét lại cơ cấu biểu giá bán lẻ và có những điều chỉnh cho phù hợp hơn với thực tế khách hàng sử dụng sinh hoạt ở Việt Nam. 

Nói thêm về việc hóa đơn tiền điện tăng cao trong tháng 5 và 6 vừa qua, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, trong tháng 5 và tháng 6, cả nước đã trải qua thời điểm nắng nóng cao điểm, có ngày trên 40 độ C. Trong những ngày đó, nhu cầu của cả hệ thống điện tăng trên 520 triệu kWh/ngày. Thông thường, thì lượng tiêu thụ dưới 500 triệu kWh. Thực tế thống kê cho thấy, tiêu thụ điện chung của cả hệ thống trong tháng 5 và 6 tăng hơn khoảng 30-40% so với tháng 3/2015. 

Khi EVN huy động hết công suất phát điện vào những ngày nắng nóng thì phải huy động các nhà máy có giá thành rất cao, để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện. Trong các ngày nóng vừa qua, Tập đoàn hầu như không cắt điện ở bất kỳ khu vực nào, trừ trường hợp các khu vực bị sự cố do bị quá tải lưới hoặc máy biến áp. Tại một số khu vực này bị gián đoạn trong cung cấp điện , Tập đoàn cũng chỉ đạo các đơn vị tiến hành sửa chữa, thậm chí thay máy biến áp ngay để đáp ứng nhu cầu của người dân, ông Tri cho biết thêm. 

Giảm tổn thất điện năng còn 6,5% 

Thủ tướng Chính phủ đã giao chỉ tiêu cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ năm 2015 phải đạt chỉ tiêu tổn thất điện năng chỉ còn 8%. Theo ông Đinh Quang Tri, thời gian tới, Tập đoàn sẽ báo cáo Thủ tướng về kế hoạch giảm tổn thất điện năng đến năm 2020, dự kiến xuống còn khoảng 6,5%. Để đạt được chỉ tiêu đó, Tập đoàn phải đầu tư một hệ thống lưới điện tăng cường hơn nữa, đảm bảo cung cấp điện đến tận các vùng nông thôn với chất lượng tốt và ít tổn thất điện năng nhất. Ngoài ra, Tập đoàn còn đầu tư các trạm mới để giảm bớt quá tải ở vùng khu công nghiệp, ở các thành phố, đồng thời phải tăng cường lưới điện nông thôn để làm sao nâng cao chất lượng điện. Nếu điện áp thấp quá thì tổn thất của lưới điện nông thôn cũng sẽ tăng cao theo. 

Tất cả chương trình đó Tập đoàn đang chỉ đạo 5 Tổng công ty Điện lực lập kế hoạch hiện đại hóa, vừa kết hợp hiện đại hóa đồng thời đầu tư nâng cấp lưới điện để đảm bảo cung cấp điện ổn định cho nhân dân. Đặc biệt, khu vực các thành phố lớn, các khu công nghiệp phải đáp ứng tiêu chí bảo đảm đối với những khách hàng lớn có ít nhất 2 nguồn điện, cấp điện 24/24h cho khách hàng. 

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-BCT về tăng cường công khai, minh bạch đối với hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu. Với sản xuất kinh doanh điện, Bộ đã triển khai công bố về giá điện, về hoạt động sản xuất kinh doanh điện theo định kỳ hàng tháng, hàng quý, hàng năm, đảm bảo các thông tin được cập nhật. Tất cả thông tin này được đăng tải công khai, minh bạch trên chuyên trang Công khai, minh bạch hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu của Bộ Công Thương tại địa chỉ: http://minhbach.moit.gov.vn ; đăng tải các thông số đầu vào, thực tế huy động cơ cấu nguồn như thế nào, các yếu tố liên quan như giá điện trên thị trường điện… 

Bộ cũng quán triệt các Tổng công ty Điện lực giải quyết triệt để các thắc mắc, khiếu nại của các khách hàng sử dụng điện. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tổ chức thực hiện tốt công tác liên quan đến việc ghi chỉ số công tơ nói riêng và các hoạt động khác liên quan đến dịch vụ khách hàng. Mặt khác, tăng cường tuyên truyền, giải thích qua các kênh thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở trực tiếp đến các tổ dân phố bằng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền liên quan đến sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt trong những tháng nắng nóng; chỉ đạo các đơn vị chú trọng công tác kiểm tra, phúc tra chỉ số công tơ tăng, giảm đột biến.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điều hành giá điện theo cơ chế thị trường