Hàng loạt con cháu, người thân các quan chức nhà nước Trung Quốc được biệt đãi dần dần đã trở thành vấn nạn của đất nước này. Trước tình hình này, chính phủ Trung Quốc đã quyết định cần quyết liệt hơn nữa nạn "con ông cháu cha".
Chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” và chiến dịch “săn cáo” do Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ đạo đã gặt hái nhiều thành công khi hàng chục quan tham Trung Quốc bị thẩm vấn, điều tra, bắt giữ với những cáo buộc tham nhũng. Và kéo theo đó là hàng loạt họ hàng thân thích của các quan tham này cũng lộ diện.
Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương cho rằng tình trạng ưu tiên "con ông cháu cha" có nguồn gốc từ thời Cách mạng Văn hóa cách đây 40 năm. Tình trạng con cháu, người thân của các “quan lớn” được biệt đãi không phải xa lạ trong quan trường Trung Quốc. Ngay từ thời phong kiến, con cái các quan lại đã được biệt đãi và người ta thường gọi những vị “vua con” này là “nha nội”. “Nha nội” thường ăn vận hào nhoáng, đi lại nghênh ngang, nói năng bỗ bã và hay đánh đập dân thường, thậm chí là bắt ép con gái nhà lành về làm thê thiếp. Nhưng những “nha nội” này vẫn có thể nhởn nhơ mà không bị trừng phạt nhờ “bóng” thân phụ hoặc anh em họ hàng.
Con cái và người thân các "quan lớn" được biệt đãi trong quan trường Trung Quốc
Cho tới nay, chuyện các “nha nội”, thời nay gọi là "quan nhị đại", bức ép dân thường, lợi dụng quyền thế “người nhà” để làm giàu cho bản thân và gia đình không những thuyên giảm mà có vẻ như còn gia tăng.
Điển hình là câu chuyện về “gia đình quyền lực” của Cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Chu Vĩnh Khang. Nếu như không bị “ngã ngựa” trong chiến dịch “Đả hổ diệt ruồi” có lẽ, ít ai biết sau lưng ông Khang lại có “đội ngũ” người nhà hùng hậu như thế. Sau khi ông Khang bị điều tra, bắt giữ và kết án tù chung thân về hành vi tham nhũng, người ta mới biết đến chuyện con trai ông, Chu Bân đang nắm trong tay một “đế chế kinh doanh” khổng lồ. “Đế chế” này hoạt động mạnh tại Tứ Xuyên, nơi Chu Bân nắm gần như trọn các dự án về thủy điện, năng lượng, thao túng nhiều công ty trong nhiều lĩnh vực quan trọng của khu vực này.
Đương nhiên, Chu Bân không thể hoạt động một mình, bên cạnh ông ta còn có mẹ vợ Chiêm Mẫn Lợi và Chu Phong, cháu trai của Chu Vĩnh Khang, những người này cùng chung tay điều hành “đế chế” trên. Không những thế, bà Giả Hiểu Diệp – vợ ông Khang cũng là một trong những thành viên trong gia đình tích cực khai thác thế mạnh của ông quan này.
Bên cạnh gia đình quyền lực Chu Vĩnh Khang, một gia đình điển hình cho việc bổ nhiệm người thân để “kéo bè, kết phái” nữa đó là gia đình Lệnh Kế Hoạch - Cựu chánh văn phòng trung ương Đảng. Sau khi ông này lên làm quan và thăng tiến đều đều thì kéo theo đó là một loạt người thân của ông cũng được lên giữ các chức vụ quan trọng trong chính quyền hoặc các công ty, tập đoàn lớn. Như anh trai ông Hoạch, ông Lệnh Chính Sách được bổ nhiệm làm phó chủ tịch Chính hiệp tỉnh Sơn Tây, còn em trai ông là Lệnh Hoàn Thành lại được lên chức Chủ tịch công ty tư vấn đầu tư Hối Kim Lập Phương.
Bên cạnh đó, vợ ông Hoạch là Cốc Lệ Bình cũng được bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Young Business China. Em trai bà Bình, Cốc Nguyên Húc cũng được bổ nhiệm làm Phó giám đốc công an Hắc Long Giang.
Tuy nhiên, tất cả những người này sau đó đều bị buộc thôi việc hoặc bị bắt và điều tra về tội tham nhũng.
Theo ông Zhu Lijia, giáo sư quản lý nhà nước tại Học viện Quản trị Trung Quốc, tình trạng “con ông cháu cha” là một hình thức tham nhũng phổ biến ở Trung Quốc và chính phủ cần phải ngăn chặn điều này trước khi hậu quả trở nên nghiêm trọng.
Theo bình luận của Evan Osnos, thuộc tờ New Yorker, biệt đãi “con ông cháu cha” là mối đe dọa đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc và cần quyết liệt hơn với tình trạng này.
Vào cuối tháng 4 vừa qua, nhằm chấm dứt tình trạng trên, Tổ chỉ đạo Cải cách Sâu rộng Toàn diện Trung ương do Chủ tịch Tập chỉ đạo đã ra quyết định, cấm toàn bộ vợ chồng, con cái của các quan chức nước này mở công ty riêng hoặc tham gia vào bất cứ hoạt động kinh doanh nào. Đây được coi là một bước đi mới trong chiến dịch “truy quét” quan tham của chính phủ Trung Quốc.