Ngày 16/3, Học viện Ngoại giao và Liên minh châu Âu (EU) tại Hà Nội đồng tổ chức Diễn đàn Hợp tác EU– Mekong theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại Học viện Ngoại giao.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Đại sứ Giorgio Aliberti, Trưởng Phái EU tại Việt Nam và Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao Phạm Lan Dung đã phát biểu tại Phiên khai mạc Diễn đàn. Ông Gunnar Wiegand, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã có bài phát biểu quan trọng từ trụ sở EU tại Brussels.
Các diễn giả có Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Campuchia, Lào và Thái Lan, Việt Nam; Đại sứ một số nước thành viên EU tại Việt Nam, các chuyên gia của các nước châu Âu, khu vực Đông Nam Á và Việt Nam.
Tham dự Diễn đàn có khoảng 50 đại biểu tham dự trực tiếp và hơn 100 đại biểu dự trực tuyến, gồm Học viện Ngoại giao, các đơn vị của Bộ Ngoại giao, các Bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu của Việt Nam và các Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên một diễn đàn về hợp tác giữa EU và các nước Mekong được tổ chức tại Việt Nam với nội dung thảo luận về sự hỗ trợ của EU tại tiểu vùng Mekong tới nay và các cơ hội, thách thức đối với hợp tác EU – Mekong trong tương lai.
Diễn đàn gồm 4 phiên thảo luận chính gồm: Đánh giá sự tham gia của EU tại tiểu vùng Mekong; Các xu hướng lớn ở tiểu vùng sông Mekong; Cơ hội và thách thức đối với phát triển bền vững khu vực sông Mekong; Triển vọng quan hệ Đối tác EU-Mekong vì phát triển bền vững.
Phát biểu khai mạc, TS. Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao nhấn mạnh tiểu vùng Mekong đã trở thành điểm kết nối quan trọng trong mạng lưới hội nhập và kết nối ở khu vực. Sông Mekong là nguồn sinh kế của người dân ở lưu vực. Những thách thức đối với tiểu vùng Mekong ngày càng gia tăng, bao gồm thiên tai, lũ lụt, hạn hán, nhu cầu phát triển hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, xử lý các thách thức xuyên biên giới như quản trị nguồn nước sông Mekong. TS Phạm Lan Dung đánh giá EU từ lâu đã là một đối tác mang tính xây dựng đối với tiểu vùng Mekong thông qua các chương trình hợp tác song phương và hợp tác đa phương trong khuôn khổ Những người bạn của hạ nguồn Mekong.
Đại sứ Giorgio Aliberti, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho rằng có nhiều thách thức toàn cầu cùng xuất hiện ở sông Mekong, khiến đây trở thành một khu vực thú vị để phát triển các giải pháp trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, năng lượng sạch, nông nghiệp, giao thông và cơ sở hạ tầng, trong số những lĩnh vực khác, và đối với tất cả những lĩnh vực này EU đều mong muốn đươc hợp tác với các đối tác trong khu vực phù hợp với Chiến lược Hợp tác tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và sáng kiến Cửa ngõ toàn cầu mới ra mắt gần đây của mình, để phát triển cơ sở hạ tầng bền vững và kết nối.
Phát biểu dẫn đề tại Phiên khai mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh tiểu vùng Mekong đã thu hút sự quan tâm và trở thành ưu tiên trong chính sách của đối tác phát triển. Năm 2020, chương trình nghị sự của ASEAN đã ghi nhận tiểu vùng Mekong và các cơ chế hợp tác tiểu vùng khác tại khu vực Đông Nam Á. Một tiểu vùng Mekong bền vững, kết nối sẽ góp phần tích cực xây dựng cộng đồng ASEAN và củng cố vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực.
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu đánh giá cao sáng kiến tổ chức Diễn đàn của Phái đoàn EU tại Việt Nam và Học viện Ngoại giao và nhấn mạnh Việt Nam hoan nghênh sự tham gia của các đối tác phát triển, trong đó EU là một đối tác năng lực và có tính xây dựng, đồng thời mong muốn có sự phối hợp, điều phối hiệu quả hơn giữa các cơ chế hợp tác.
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu cũng điểm lại sự phát triển ngày càng sâu rộng của quan hệ Việt Nam – EU. Việt Nam hiện là một trong những nước ở Châu Á có quan hệ toàn diện nhất với EU. Trong lĩnh vực phát triển bền vững, Việt Nam ưu tiên hợp tác chống biến đổi khí hậu, gia tăng tính tự cường và thích ứng của xã hội, người dân, doanh nghiệp, góp phần đạt mục tiêu giảm khí thải ròng bằng không vào năm 2050. Các lĩnh vực hợp tác bao gồm kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng công bằng và bền vững, chia sẻ công nghệ xử lý chất thải.
Trong bài phát biểu quan trọng từ trụ sở EU tại Brussels, ông Gunnar Wiegand, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu, cho biết: “EU muốn tăng cường sự tham gia của mình tại tiểu vùng sông Mekong, và Hội thảo này có thể đưa ra những nội dung quan trọng mà chúng tôi sẽ xem xét cho chương trình hợp tác sau này. Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy các khoản đầu tư xanh của nhà nước và tư nhân vào khu vực tiểu vùng sông Mekong, đồng thời hỗ trợ sự phát triển bền vững và công bằng cũng như phục hồi sau COVID-19 của khu vực”.
Các ý kiến thảo luận tại Diễn đàn đã nhấn mạnh về các đóng góp tích cực của EU và các nước thành viên đối với sự phát triển bền vững tại tiểu vùng Mekong thời gian qua. Trên cơ sở đánh giá về các xu hướng lớn tại tiểu vùng Mekong, các đại biểu cho rằng sự phát triển bền vững tại tiểu vùng đứng trước các thách thức chung như tác động của biến đối khí hậu với lưu vực sông, nhất là lũ lụt và hạn hán, an ninh nguồn nước chưa được bảo đảm do chưa có một cơ chế quản trị nguồn nước hiệu quả, và các tác động của cạnh tranh địa chính trị giữa các cường quốc tới sự phát triển của tiểu vùng.
Các đại biểu cho rằn,g các nước Mekong cần điều chỉnh mô hình phát triển hướng tới sự phát triển bao trùm, bền vững hơn và tăng trưởng xanh. Đồng thời, các đối tác trong và ngoài khu vực cần hỗ trợ thực chất, hiệu quả nỗ lực của các nước tiểu vùng trong việc củng cố cơ chế quản trị nguồn nước hiệu quả hơn tại tiểu vùng, bao gồm Ủy hội sông Mekong. Các ý kiến nhận định EU cần có cách tiếp cận tổng thể và đồng bộ để nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác giữa EU, các nước thành viên đối với các tiểu vùng Mekong nói chung và từng nước Mekong nói riêng.