Diễn đàn nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số. Từ đó, kêu gọi cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội cùng chung tay tham gia vào công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, nhất là tại cộng đồng.
Sáng 16/12, Hội Giáo dục Chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam phối hợp với Hội Người cao tuổi Việt Nam tổ chức Diễn đàn Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng.
Tham dự Diễn đàn có cụ Vũ Oanh, lão thành cách mạnh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch danh dự Hội Giáo dục Chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam; ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cùng nhiều nhà khoa học, tướng lĩnh quân đội, cán bộ hưu trí, người cao tuổi và hội viên Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng ở một số tỉnh phía Bắc.
Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh đầy thách thức khi Liên Hợp Quốc chỉ ra rằng, thế kỷ XXI dân số bị già hóa vượt mức thế kỷ trước. Hiện trung bình cứ 9 người trên trái đất có 1 người từ 60 tuổi trở lên. Trong 30 năm nữa, tỷ lệ dân số trên 60 tuổi sẽ gấp đôi, từ 11%-22%. Trong khi đó, tại Việt Nam, các nhà nhân khẩu học nhận định, nước ta là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa thuộc hàng nhanh nhất thế giới.
Tại Diễn đàn, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Tuổi thọ tăng là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và chăm sóc sức khỏe nói riêng. Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức rất lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, giao thông, vui chơi giải trí… đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở nước ta.
Cùng với đó, người cao tuổi Việt Nam sống chủ yếu ở nông thôn, sống cùng con cháu; đời sống vật chất còn gặp nhiều khó khăn. Người cao tuổi đối diện với gánh nặng "bệnh tật kép" và thường mắc các bệnh mạn tính, bình quân mỗi người cao tuổi có 3 bệnh, đối diện với nguy cơ tàn phế do quá trình lão hóa, chi phí điều trị lớn.
Tuy nhiên, hệ thống chăm sóc sức khỏe nói chung, chăm sóc sức khỏe ban đầu nói riêng chưa thích ứng già hóa dân số nhanh; việc xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi và triển khai các loại hình chăm sóc sức khỏe dài hạn tại cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, ngày 13/10/2020, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 với mục tiêu chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi (người từ đủ 60 tuổi trở lên) bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. Đây là dấu mốc quan trọng trong việc triển khai công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trong thời gian tới.
Nhấn mạnh vai trò của người cao tuổi, ông Nguyễn Hồng Quân - Chủ tịch Trung ương Hội Giáo dục Chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam cho biết: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có sự quan tâm đặc biệt và đánh giá rất cao vai trò của người cao tuổi nước nhà.
Trong thư Bác Hồ viết gửi phụ lão cả nước tháng 6 năm 1941, Người nhấn mạnh: "Trách nhiệm của các vị phụ lão chúng ta đối với đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng, đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước bị mất, phụ lão cứu; nước suy sụp, phụ lão phù trì. Nước nhà hưng - suy, tồn – vong, phụ lão gánh trách nhiệm rất nặng nề. Nước nhà lo, các cụ cùng phải lo; nước nhà vui, các cụ cùng được vui".
Trên cơ sở đó, Đảng và Nhà nước ta luôn thể hiện sự kính trọng, tôn vinh và quan tâm chăm sóc cũng như phát huy vai trò của người cao tuổi thông qua việc ban hành các pháp lệnh, luật, chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam.
Khẳng định việc chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng như hiện nay là vô cùng quan trọng và cấp thiết, tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên mong muốn thời gian tới các thế hệ người cao tuổi, tùy theo từng điều kiện sức khỏe, lĩnh vực và khả năng chuyên môn của mình sẽ tiếp tục tham gia đóng góp vào các hoạt động kinh tế, giáo dục, xã hội để dìu dắt thế hệ trẻ cũng như góp phần xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh hơn.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận về một số nội dung chính như: Tình hình dân số và người cao tuổi Việt Nam; Thách thức và yêu cầu của việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở Việt Nam trong thời gian tới; Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về người cao tuổi; Kết quả hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở địa phương trong thời gian qua; Nội dung chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng; Một số mô hình chăm sóc người cao tuổi ở các địa phương đã được triển khai trên thực tiễn có hiệu quả…