Tính đến ngày 14/3, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 17 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, tỉnh Nghệ An là địa phương mới nhất xuất hiện dịch.
Hôm nay (14/3), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức họp bàn với 17 địa phương để tìm giải pháp khống chế và ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi lây lan.
Tính tới thời điểm hiện tại, dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 221 xã, 52 huyện của 17 tỉnh, thành, bao gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn và Nghệ An.
Tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 23.442 con. Tính tới nay vẫn chưa có ổ dịch nào qua được 30 ngày.
Theo ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, kể từ khi xuất hiện ổ dịch đầu tiên, sau 1,5 tháng cả hệ thống chính trị đã vào cuộc. "Dù đã tập trung các giải pháp nhưng vẫn cần các địa phương làm quyết liệt hơn, thậm chí phải chỉnh sửa giải pháp đối phó nếu không dịch sẽ còn tiếp tục lây lan rộng hơn. Hơn nữa, diễn biến thời tiết với mưa phùn gió bấc, cũng đang tạo điều kiện virus phát tán, lây lan rộng", ông Cường lưu ý.
Lực lượng chức năng lấy mẫu phẩm lợn xét nghiệm virus dịch tả lợn châu Phi
Tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông cho biết, bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện chủ yếu tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh và an toàn sinh học không tốt; chưa xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi tại các trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn. Đàn lớn nhất phải tiêu hủy là 587 con tại Hải Phòng.
Theo ông Đông, nguy cơ xuất hiện bệnh tại các địa phương trong thời gian tới là rất cao. Nguyên nhân dịch xuất hiện ở các địa phương do một số người chăn nuôi, thương lái chưa nhận thức đầy đủ được tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, vì lợi ích kinh tế trước mắt nên khi có lợn bệnh, lợn chết đã mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh, ở phạm vi rộng.
Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lây lan, Bộ NN&PTNT đã có công văn gửi các tỉnh từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình về việc tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm lợn từ các tỉnh phía Bắc vào Nam. Tạm dừng vận chuyển lợn từ các huyện có dịch ra khỏi huyện trong khoảng thời gian 30 ngày kể từ khi con lợn cuối cùng mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi được tiêu hủy trên địa bàn cấp huyện.
Đối với việc lấy mẫu xét nghiệm và xử lý lợn mắc bệnh, Cục Thú y đề nghị: Tại các hộ/trại khác trong cùng địa phương cấp thôn có dịch bệnh, tiêu hủy hoàn toàn đàn lợn có biểu hiện triệu chứng lâm sàng của bệnh dịch tả lợn châu Phi hoặc lợn chết không rõ nguyên nhân và xử lý ổ dịch theo quy định; không cần thiết phải lấy mẫu xét nghiệm.
Bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây qua người
Bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus chỉ gây bệnh ở lợn nuôi và lợn rừng, không gây bệnh cho các loài động vật khác; lợn bệnh có khả năng chết lên đến 100%; bệnh lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn; không lây nhiễm và gây bệnh ở người; virus có sức đề kháng cao, tồn tại lâu ở ngoài môi trường và trong các sản phẩm của lợn.
Bệnh lây lan trực tiếp từ lợn bệnh sang lợn chưa mắc bệnh, sản phẩm lợn mang mầm bệnh, hoặc gián tiếp qua các loài vật chủ trung gian mang mầm bệnh (ve mòng, côn trùng, gặm nhấm, chim di cư,...), các phương tiện vận chuyển, thức ăn chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi. Hiện nay trên thế giới chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị bệnh.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), bệnh tả lợn châu Phi không gây bệnh trên người. Do đó, người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.
PGS Phu giải thích thêm, dịch tả lợn có tác nhân gây bệnh là virus, khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn. Kể cả khi người phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh không được nấu chín cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh tả lợn sang người.
Điều đáng nói là, trong khi cả hệ thống chính trị, cơ quan thú y, ngành NN&PTNT đang gồng mình nỗ lực chống dịch tả lợn châu Phi đang lây lan tại Việt Nam, gây tổn thất cho kinh tế đất nước và trực tiếp ảnh hưởng đến người nông dân, thì một số cá nhân, vì kém hiểu biết đã truyền đi những thông điệp sai lệch.
Bộ NN&PTNT cảnh báo, những thông tin sai lệch về dịch tả lợn châu Phi sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi và nguy hiểm hơn, có thể dồn người nông dân vào bế tắc, phá sản.