Hiện cả nước đã ghi nhận 43 tỉnh, thành phố có bệnh nhân mắc sởi, đặc biệt tập trung nhiều tại một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Dịch sởi lan rộng
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch sởi đang gia tăng trên toàn cầu và đang được cân nhắc như là một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng. Ở Việt Nam, từ cuối năm 2018 tới nay, do thời tiết diễn biến bất thường, dịch sởi có điều kiện thuận lợi để bùng phát và diễn biến phức tạp.
Hiện đã ghi nhận 43 tỉnh, thành phố có bệnh nhân mắc sởi, đặc biệt tập trung nhiều tại một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Điều đáng nói là 90% số ca mắc sởi đều chưa được tiêm phòng hoặc không rõ về tình trạng tiêm phòng. Nguy cơ dịch bệnh lây lan và bùng phát là rất cao nếu các biện pháp phòng chống dịch bệnh không được triển khai quyết liệt hơn.
Tại Hà Nội, ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, bệnh sởi đang có chiều hướng tăng. Theo báo cáo về tình hình dịch bệnh của Sở, trong tuần (từ ngày 11 đến 17/2) đã ghi nhận 78 trường hợp mắc sởi, nâng tổng số ca mắc sởi từ đầu năm đến nay lên 192 trường hợp. Trong khi đó, 2 tháng đầu năm 2018 thành phố mới ghi nhận 22 trường hợp mắc sởi.
Bệnh nhân điều trị sởi tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN
Các ca mắc sởi không chỉ là trẻ em mà có cả người lớn và trẻ chưa đến tuổi tiêm phòng, tức dưới 9 tháng tuổi. Một trong những nguyên nhân được xác định là do miễn dịch cộng đồng thấp. Cũng vì thế, từ cuối năm 2018, chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi - rubella cho khoảng 4,2 triệu trẻ từ 1 - 5 tuổi đã được triển khai tại các vùng nguy cơ cao tại hơn 400 huyện của 57 tỉnh, thành phố.
Tại TP.HCM, hiện bệnh sởi đã có mặt tại tất cả 24 quận huyện, trong đó số ca mắc sởi tập trung nhiều nhất là ở các quận Bình Thạnh, Thủ Đức, quận 7, huyện Bình Chánh... Thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM cho biết, từ ngày 1/1 đến ngày 10/2/2019, trên địa bàn thành phố có 987 trẻ mắc sởi phải nhập viện điều trị, trong đó có đến 95% số ca mắc sởi nhập viện do chưa tiêm phòng vắc xin.
Bộ Y tế cũng cảnh báo, tại một số nơi vùng sâu, vùng xa và những đô thị có số trẻ di biến động lớn có nhiều trẻ còn chưa được tiêm vắc xin sởi đầy đủ như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La ... nên có nguy cơ cao ghi nhận các trường hợp mắc và các ổ dịch sởi tại cộng đồng.
Tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu nhất
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây nên, là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra vào mùa đông - xuân với tốc độ lây nhiễm rất cao từ người sang người, chủ yếu qua đường hô hấp.
Bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não… có thể dẫn đến tử vong, đặc biệt ở trẻ nhỏ bị mắc sởi trong khi cơ thể đã có bệnh nền. Đối với phụ nữ bị mắc sởi khi mang thai có thể gây ra sảy thai, đẻ non.
Để phòng chống bệnh sởi, giảm số trẻ không được tiêm vắc xin qua nhiều năm, Bộ Y tế đã tổ chức 2 chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella tại 88 huyện của 19 tỉnh có nguy cơ cao và tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho trẻ 1-5 tuổi cho khoảng 4,2 triệu trẻ tại 418 huyện của 57 tỉnh, thành phố từ cuối năm 2018 đến nay, đồng thời đẩy mạnh tiêm vắc xin sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng định kỳ hàng tháng.
Người dân cần chủ động đi tiêm vắc xin để phòng chống dịch bệnh
Trong thời gian tới Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo quyết liệt và tập trung một số biện pháp trong tâm. Đặc biệt chỉ đạo phân tuyến điều trị tại các bệnh viện, tập trung các nguồn lực phục vụ thu dung, điều trị bệnh nhân, không để tình trạng chuyển tuyến các bệnh nhân trong khả năng điều trị để tránh lây nhiễm bệnh sởi và các bệnh về đường hô hấp.
Thiết lập khu vực riêng khám chữa bệnh, thực hiện khám sàng lọc, phân loại bệnh nhân, khử khuẩn buồng bệnh và thường xuyên hướng dẫn người chăm sóc bệnh nhân thực hiện các biện pháp phòng bệnh để hạn chế lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Đôn đốc các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi – rubella cho 418 huyện thuộc 57 tỉnh, thành phố vùng nguy cơ cao.
Để chủ động phòng bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ...