Sức Khỏe

Dịch chuyển Covid-19 sang nhóm B: Những thay đổi đáng chú ý

Nguyên Thảo 20/10/2023 - 19:00

Sau khi Covid-19 chuyển từ nhóm A sang nhóm B, sẽ phát sinh những vấn đề liên quan tới bảo hiểm y tế, chi phí điều trị, vaccine Covid-19...

Từ ngày 20/10, Việt Nam chính thức chuyển Covid-19 từ dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B. Chiều cùng ngày, Bộ Y tế đã họp báo để trả lời hàng loạt câu hỏi liên quan như chi phí, điều trị, tiêm vaccine…

img_1155.jpg
Đại diện các Cục, Vụ của Bộ Y tế chủ trì buổi họp báo chiều 20/10

Tại buổi họp báo, GS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Đối với Covid-19, trong năm 2023 số ca mắc đã giảm 82 lần so với năm 2022. Bên cạnh đó, tỷ lệ ca tử vong/ca mắc là 0,022, tức là giảm 100 lần so với năm 2021. Tác nhân gây bệnh Covid-19 cũng đã được xác định là virus SARS-CoV-2.

"Từ các yếu tố như vậy thì Covid-19 hiện nay phù hợp để chuyển từ nhóm A sang nhóm B", GS Lân cho hay.

Cũng theo ông Lân, dù Bộ Y tế chính thức có quyết định chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B từ hôm nay, song Bộ Y tế vẫn tiếp tục duy trì hệ thống giám sát bệnh này.

"Do virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi nên Việt Nam sẽ tiến hành giám sát lồng ghép Covid-19 cùng các bệnh truyền nhiễm khác và giám sát các đặc điểm di truyền", Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng nói.

Về việc đeo khẩu trang, Bộ Y tế vẫn khuyến cáo người dân đeo ở nơi công cộng, không chỉ phòng Covid-19 mà còn các bệnh khác. Với người mắc Covid-19, người chăm sóc người bệnh cũng cần đeo khẩu trang trong vòng 10 ngày kể từ khi phát hiện bệnh.

Về vaccine phòng Covid-19, theo ông Phan Trọng Lân, năm 2023, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch tiêm vaccine, trong đó khuyến cáo những người chưa tiêm đủ các mũi vaccine Covid-19, ưu tiên với người có nguy cơ cao mắc bệnh, người cao tuổi, người có bệnh nền chưa tiêm đủ 4 mũi. Việc tiêm vaccine vẫn là miễn phí trong năm 2023.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện còn phải tiếp tục đánh giá về vaccine Covid-19 trong bối cảnh các biến chủng vẫn có thể thay đổi. Tới nay, WHO chưa có khuyến cáo tiêm nhắc lại Covid-19 hàng năm nhưng thời gian tới, cách tiếp cận có thể thay đổi dựa vào tình hình biến chủng của virus SARS-CoV-2.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu dựa trên các căn cứ khoa học và khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, để có khuyến cáo tiêm chủng vaccine Covid-19 phù hợp. Cần tính toán kỹ phương án nào tốt nhất cho người dân", ông Lân nhấn mạnh.

Liên quan tới các bệnh viện dã chiến Covid-19, ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay, cơ sở của Bệnh viện Y Hà Nội đang có đề nghị chuyển đổi thành cơ sở khám chữa bệnh. Bộ Y tế đã có đoàn đánh giá xem xét đề nghị này vì điều kiện trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất của bệnh viện dã chiến sẽ khác so với cơ sở khám chữa bệnh thông thường. Với Bệnh viện dã chiến số 13 (TP.HCM), Sở Y tế TP.HCM cũng đang đang có ý kiến để giải thể cơ sở này sau khi đánh giá tình hình Covid-19 trên địa bàn.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Trọng Khoa nhấn mạnh, dù chuyển sang nhóm B nhưng không có nghĩa Covid-19 nhẹ đi mà vẫn có các ca bệnh nặng, vì vậy, phác đồ điều trị vẫn tiếp tục được tuân thủ như bình thường. Các cơ sở điều trị nên duy trì việc đeo khẩu trang để phòng chống cả các bệnh truyền nhiễm.

Về chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân Covid-19, ông Phan Văn Toàn - Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết, từ ngày hôm nay, bệnh nhân đi khám chữa bệnh Covid-19 sẽ được quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán theo quy định. Tức, bệnh nhân tham gia BHYT được đồng chi trả, bệnh nhân không tham gia sẽ không được chi trả.

Bệnh nhân trái tuyến sẽ được mức chi trả thấp hơn, thậm chí, quỹ BHYT không chi trả, khác với quy định trước đây là được chi trả toàn bộ trong cả các trường hợp trái tuyến. Trong thời điểm chuyển tiếp, bệnh nhân nhập viện trước ngày 20/10, quỹ BHYT vẫn chi trả như bệnh nhóm A.

Về phụ cấp với người tham gia chống dịch sau khi Covid-19 thành nhóm B, ông Lê Thành Công - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, từ ngày 20/10 thực hiện theo đúng quy định của nhóm B, có nghĩa là không thực hiện chi trả chế độ phòng chống dịch với người tham gia chống dịch.

Việt Nam đã tiêm hơn 266,53 triệu liều vaccine Covid-19. Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt dịch, ghi nhận hơn 11,6 triệu ca mắc Covid-19, đứng thứ 13/231 quốc gia trên thế giới. Tổng số 10,64 triệu ca được điều trị khỏi.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.206 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dịch chuyển Covid-19 sang nhóm B: Những thay đổi đáng chú ý