Đi ngoài ra máu tưởng mắc bệnh trĩ, vào viện phát hiện ung thư tiêu hóa

Chí Tâm| 21/06/2022 16:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Người phụ nữ bị đi ngoài ra máu nhiều năm nhưng chủ quan nghĩ là bệnh trĩ, đến khi nhập viện mới biết mình mắc ung thư.

Nhiều năm nay, bà N.L. (67 tuổi, ở Ứng Hòa, Hà Nội) khó chịu vùng bụng, đi ngoài ra máu những cứ nghĩ là dấu hiệu bệnh trĩ nên không tới cơ sở y tế thăm khám.

Khi các dấu hiệu này ngày càng thường xuyên hơn, đau thắt vùng bụng, chán ăn, hiện tượng đi ngoài ra máu không thuyên giảm thì bà mới đi kiểm tra.

thamkham.jpeg

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật

Tiếp nhận bệnh nhân, BSCKI Nguyễn Mạnh Tuấn - Khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, bệnh nhân L. vào viện trong đêm với thể trạng gầy, da xanh. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, tiểu đường, hen phế quản và bị rối loạn đại tiện thường xuyên. Tình trạng đại tiện ra máu kéo dài nhiều năm.

Tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã tiến hành hồi sức, chỉ định chụp chiếu và làm các xét nghiệm cho kết quả bệnh nhân L. bị ung thư trực tràng 1/3 giữa T3N1Mo. Sau khi bệnh nhân được điều trị hồi sức nâng cao thể trạng, bác sĩ chỉ định cắt đoạn u trực tràng bằng phương pháp nội soi. Tổn thương trong mổ khối u trực tràng lớn đã xâm lấn vào vùng xương cùng cụt.

Với bệnh nhân cao tuổi, nhiều thách thức được đặt ra trong quá trình phẫu thuật. Ca mổ kéo dài 4 giờ, khối u xâm lấn xung quanh gây chảy máu nhiều.

Nhận thấy tình trạng người bệnh vô cùng nguy kịch, kíp trực cấp cứu đã tiến hành hồi sức tích cực, đồng thời kích hoạt báo động đỏ nội viện xin ý kiến hội chẩn của Ban Giám đốc, nhanh chóng huy động lực lượng bác sĩ thuộc các chuyên khoa để cứu sống bệnh nhân.

Các bác sĩ tiến hành thắt động mạch chậu hai bên, chèn gạt cầm máu và truyền 39 đơn vị máu cho bệnh nhân, đồng thời hội chẩn trực tuyến cùng các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức.

Kíp phẫu thuật đã phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ để chuẩn bị tốt nhất cho ca phẫu thuật. Các bác sĩ đã thực hiện kỹ thuật phẫu thuật nội soi cắt đoạn trực tràng, nạo vét hạch cho bệnh nhân L. Bệnh nhân hồi phục tốt và đã ra viện sau 10 ngày điều trị.

Cũng theo BS Tuấn, nhiều gia đình có người thân tuổi cao mà phát hiện bệnh ung thư thì thường lo ngại, thậm chí có tâm lý buông xuôi, không điều trị.

"Tuổi là một trong những vấn đề cần cân nhắc khi tiến hành điều trị ung thư, nhưng không nên vì thế mà vội từ bỏ. Nếu trong điều kiện cho phép và bảo đảm kỹ thuật thì vẫn nên tiến hành phẫu thuật, giúp nâng cao chất lượng sống cho người bệnh", BS Tuấn cho hay.

Để phòng ngừa ung thư đường tiêu hóa, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên hạn chế ăn nhiều thịt, chất béo có nguồn gốc từ đạm động vật; bổ sung đầy đủ chất xơ từ lúa mạch, trái cây, rau tươi, các vitamin E, C, và A; duy trì chế độ sinh hoạt năng động, luyện tập thể dục thường xuyên.

Những người có tiền sử viêm đại tràng, dạ dày mạn tính, trong gia đình có người thân từng mắc ung thư đường tiêu hóa (thực quản, dạ dày, đại trực tràng), hoặc khi có triệu chứng sụt cân không rõ lý do, táo bón, đầy bụng, đi tiểu và đại tiện ra máu, ói ra máu… thì nên đi khám ngay để tầm soát, phát hiện và điều trị kịp thời.

Ngay cả khi phát hiện ung thư ở bệnh nhân tuổi cao vẫn nên quyết tâm phối hợp với các bác sĩ chuyên khoa để không bỏ lỡ cơ hội chữa bệnh tốt nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đi ngoài ra máu tưởng mắc bệnh trĩ, vào viện phát hiện ung thư tiêu hóa