Ngày 22/4 vừa qua, nước Nga kỷ niệm 145 năm ngày sinh lãnh tụ Lenin. Ngày 23/4, Quảng trường Đỏ được mở cửa để người dân vào viếng ông. Di hài của ông dường như vẫn được bảo quản nguyên vẹn, hồng hào.
Hàng ngàn năm qua con người đã sử dụng nhiều phương pháp ướp xác để bảo quản thi thể người đã khuất, nhưng không phương pháp nào sánh bằng cách các nhà khoa học Nga bảo quản di hài lãnh tụ Liên Xô Vladimir Ilyich Lenin (1870-1924), theo đánh giá của chuyên san khoa học Scientific American (Mỹ).
Vị lãnh tụ vĩ đại của nước Nga - Vladimir Ilyich Lenin
Nhiều thế hệ nhà khoa học Nga đã phát triển và cải thiện phương pháp bảo quản di hài lãnh tụ Lenin trong gần một thế kỷ qua. Họ đã phát triển những kỹ thuật thí nghiệm để duy trì thần thái cho thi hài của vị lãnh tụ cách mạng Cộng sản.
Một nhóm chuyên gia Nga, được gọi là “nhóm lăng mộ”, bao gồm các bác sĩ giải phẫu, nhà hóa sinh có nhiệm vụ bảo quản di hài Lenin. Ngoài ra, nhóm chuyên gia này còn giúp bảo quản di hài của vị lãnh đạo khác là cố Chủ tịch Hồ Chí Minh và hai vị cố lãnh đạo Triều Tiên là Kim Nhật Thành và Kim Jong-il (Kim Chính Nhật).
Theo báo cáo chi tiết của Jeremy Hsu tại Viện Khoa học Mỹ, người Nga thích bảo quản nguyên hình dạng, trọng lượng, màu sắc và tính linh hoạt của thi hài, hơn là bảo quản các mô sinh học. Với kỹ thuật ướp xác được nghiên cứu, tinh chỉnh trong gần 1 thế kỷ để bảo quản di hài di hài lãnh tụ Lenin, các nhà khoa học Nga đã tạo ra một ngành khoa học bảo quản thi thể hoàn toàn khác với những phương pháp ướp xác khác.
Vị lãnh tụ vĩ đại qua đời vào năm 1924, ở tuổi 53
Giáo sư Alexei Yurchak, chuyên ngành nhân chủng học thuộc Đại học California (Mỹ) cho hay, “Họ phải thường xuyên thay thế các bộ phận như da, thịt bằng nhựa và các chất liệu khác, điều này khác hẳn với việc ướp xác". Thông thường, phương pháp ướp xác chỉ giữ được thi thể nhưng không thể gìn giữ nguyên vẹn gương mặt và hình dạng thi thể qua thời gian, giáo sư Alexei Yurchak cho biết.
Ông cho biết, trong quá trình bảo quản di hài lãnh tụ Lenin, những vết nấm mốc xuất hiện trên má của ông từng khiến các nhà khoa học ướp xác rất lo lắng khi họ không thể xóa bỏ chúng. Nhưng giờ đây, các nhà khoa học thường dùng một chất tẩy rửa nhẹ để xử lý các vết nấm mốc đó.
Phần da di hài Lenin được kiểm tra hàng tuần bằng những công cụ đo đạc có độ chính xác cao do các nhà khoa học Nga phát triển, có thể đo độ ẩm, màu sắc da. Một vật liệu được làm từ chất paraffin, glixerin và carotin được dùng để thay thế một số phần da trên di hài Lenin.
Cứ hai năm một lần, thi hài của Lenin lại ngâm trong một bồn tắm có chứa chất glycerol và potassium acetate trong 30 ngày - một kỹ thuật mà các nhà khoa học nói có thể giúp cho cơ thể tồn tại qua nhiều thế kỷ.
Sau gần một thế kỷ, di hài lãnh tụ Lenin vẫn còn nguyên vẹn, hồng hào
Máu, chất dịch cơ thể và các cơ quan nội tạng của Lenin đã được lấy bỏ, lông mày, ria mép và chòm râu của ông vẫn được giữ nguyên. Phần lông mi cũng được thay thế bằng lông mi nhân tạo do bị hư hại trong quá trình bảo quản di hài.
Những công cụ dùng để kiểm tra da của di hài Lenin đã giúp các nhà khoa học Nga sau này phát triển ra thiết bị đo cholesterol qua da vào cuối thập niên 1980, giúp bệnh nhân dễ dàng đo cholesterol tại nhà, theo Scientific American. Bên cạnh đó, một số kỹ thuật trong việc ướp xác này đã được đưa vào ứng dụng y tế. Chẳng hạn như kỹ thuật giúp giữ cho máu lưu thông qua thận trong ca cấy ghép.
Năm 2012, Nga đã đưa ra một quyết định lịch sử là chôn cất di hài đã ướp của nhà lãnh đạo Xô Viết. Tuy nhiên, Putin liên tục hoãn quyết định chôn cất Lenin, và cho rằng Lenin vẫn là một biểu tượng trong lòng nhiều người Nga lớn tuổi.
Quảng trường Đỏ mở cửa cho người dân vào viếng Lenin ngày 23/4 vừa qua