ĐHĐCĐ PVcomBank: Ẩn số báo cáo của ban kiểm soát

26/04/2014 22:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cả tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2014 công bố đại chúng trước khi diễn ra Đại hội cũng như tài liệu dành cho cổ đông đến tham dự vào sáng 26/04 của PVcomBank đều khuyết báo cáo của ban kiểm soát.

Ngân hàng TMCP Đại Chúng (PVcomBank - sáp nhập từ PVFC và WesternBank) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2014 vào sáng ngày 26/04 tại Hà Nội với sự tham dự của các cổ đông đại diện tỷ lệ 89.08%.

Ẩn số báo cáo của ban kiểm soát

Điểm đáng chú ý, trong báo cáo được đọc tại Đại hội, Ban kiểm soát đã đưa ra những điểm lưu ý của kiểm toán bao gồm:

- Về khoản ứng trước cho vay khách hàng, PVcomBank có một số hợp đồng ủy thác đầu tư trả chậm và ứng trước ủy quyền bán đã đến hạn thanh toán nhưng các nhà đầu tư không nhận lại danh mục đầu tư và chưa hoàn trả số tiền đã nhận ứng trước là 581 tỷ đồng và phí ứng trước 116 tỷ đồng.

- Số dư cho vay các tổ chức tín dụng (TCTD) khác 765 tỷ đồng và lãi dự thu 79 tỷ đồng. Khoản cho vay này đã được gia hạn thanh toán, PVcomBank chưa thu hồi được gốc và lãi của khoản cho vay này.

- Số dư tiền gửi 340 tỷ đồng tại các TCTD khác đã quá hạn từ năm 2011 và lãi dự thu 135 tỷ đồng. PVcomBank đang thực hiện các thủ tục để nhận một khoản nợ trị giá 340 tỷ đồng của một khách hàng tại TCTD này để cấn trừ với khoản tiền gửi này.

- PVcomBank chưa tính đến ảnh hưởng của khoản dự phòng mà CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI) cần phải trích lập từ năm 2011 cho các khoản đầu tư vào cổ phiếu chưa niêm yết và các khoản ủy thác đầu tư vào cổ phiếu chưa niêm yết mà PSI nắm giữ đến cuối năm 2013.

- PVcomBank có khoản đầu tư vào một công ty con là CTCP Mỹ Khê Việt Nam với giá gốc 210 tỷ đồng và Mỹ Khê đang ghi nhận khoản lãi phải trả cho ngân hàng là 153 tỷ đồng. PVcomBank chưa tính đến ảnh hưởng của bút toán điều chỉnh cần phải thực hiện liên quan đến sai sót về hạch toán.

- Về chi phí tư vấn phát sinh trong năm 2008 liên quan việc niêm yết cổ phiếu của Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVF) trên sàn chứng khoán Singapore là 13 tỷ đồng, PVcomBank chưa hoàn thành thủ tục quyết toán với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và chưa ghi nhận chi phí vào kết quả kinh doanh.

- Khoản lãi dự thu 160 tỷ đồng chưa được thanh toán khi đến hạn.

- Dự phòng rủi ro cho vay và ứng trước đối với khoản nợ của Vinashin và Vinalines.

- Một số khách hàng vay cần được chuyển sang nhóm nợ có rủi ro cao hơn nhưng theo Đề án hợp nhất đã phê duyệt, PVcomBank giữ nguyên nhóm nợ đối với các khách hàng này và sẽ thực hiện các biện pháp xử lý nợ trong thời gian đến năm 2015.

- Số dư các hợp đồng ủy thác cho vay nhận lãi suất cố định bao gồm các hợp đồng đã được gia hạn với giá trị 2,536 tỷ đồng.

Xử lý nợ Vinashin, Vinalines

PVcomBank chính thức đi vào hoạt động từ 01/10/2013. Trong năm 2013 (giai đoạn từ 01/10-31/12/2013), PVcomBank đạt lợi nhuận trước thuế 28 tỷ đồng, tương đương 93% kế hoạch năm (30 tỷ đồng). Tuy nhiên, thu nhập lãi thuần trong giai đoạn này của ngân hàng ghi nhận âm gần 79 tỷ đồng. Tổng tài sản đến cuối năm đạt 100,656 tỷ, giảm 910 tỷ đồng so với 01/10/2013.

Số dư cho vay của PVcomBank cũng giảm 6% xuống mức 41,119 tỷ đồng, nợ xấu giảm từ 4.29% (01/10/2013) xuống 4.15% vào cuối năm 2013. Trong năm 2013, ngân hàng tập trung thực hiện công tác thu hồi, xử lý nợ, trong đó đã thu hồi 45.6 tỷ đồng nợ Vinashin, Vinalines.

Bên cạnh đó, trả lời cổ đông vấn đề xử lý nợ tiếp theo của Vinashin và Vinalines như thế nào, ông Võ Trọng Thủy – Thành viên HĐQT ngân hàng cho biết khoản nợ này đã được Chính phủ có công văn xử lý. Trong năm vừa rồi PVcomBank đã thu thêm được 200 tỷ đồng, và lộ trình còn lại sẽ thu nợ dựa trên tài sản đảm bảo và đã thể hiện trên công văn của Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, giá trị đầu tư của PVcomBank tính đến cuối năm 2013 là 16,742 tỷ đồng, chủ yếu là đầu tư trái phiếu, tín phiếu NHNN. PVcomBank đã cơ cấu danh mục đầu tư không đạt lợi nhuận kỳ vọng để giảm chi phí và thu hồi vốn, trong quý 4/2013 ngân hàng đã chuyển nhượng 47 tỷ đồng giá trị đầu tư cổ phiếu, dự án.

Chưa tính chuyện niêm yết và tìm đối tác ngoại

Do PVcomBank là tổ chức mới thành lập sau quá trình hợp nhất nên cổ đông cũng xoay quanh khá nhiều về vấn đề niêm yết trở lại của ngân hàng. Đại diện PVcomBank chia sẻ, theo ý kiến của chuyên gia tư vấn, về định hướng chiến lược, PVcomBank nên xây dựng và củng cố năng lực nội tại của ngân hàng trước, sau đó mới nghĩ đến việc niêm yết trên sàn. Tại thời điểm này, PVcomBank chưa có kế hoạch niêm yết trên sàn, đến khi hoàn thiện xong đề án tái cơ cấu của Ngân hàng Nhà nước thì sẽ xem xét việc lên sàn. Bên cạnh đó, PVcomBank là tổ chức mới nên phải đạt các chỉ tiêu kinh doanh sau 2 năm đủ điều kiện thì sẽ trình lên các cơ quan có thẩm quyền.

Cũng với lý do theo chiến lược phát triển của ngân hàng, PVcomBank cần xây dựng năng lực nội tại, làm cho ngân hàng lành mạnh thì ngân hàng mới tìm đến đối tác chiến lược nước ngoài. Hiện PVcomBank đang thực hiện theo lộ trình tái cơ cấu và hiện chưa tính đến chuyện mời đối tác nước ngoài

Không chia cổ tức

Tại đại hội, cổ đông cũng đã thông qua kế hoạch năm 2014 với doanh thu 7,100 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 129 tỷ và lợi nhuận sau thuế 112 tỷ đồng. Trả lời thắc mắc của cổ đông về việc lợi nhuận kế hoạch khá thấp, đại diện ngân hàng cho biết do lãi suất năm 2013-2014 giảm gần một nửa so với trước, lãi suất cho vay còn 8-10% nên ngân hàng bị sụt giảm nhiều về doanh thu.

Về cổ tức năm 2014, PVcomBank cho biết khi xây dựng mới lại ngân hàng sau hợp nhất, PVcomBank cần xây dựng lại nhiều thứ để đầu tư mạng lưới, chi nhánh và các phòng giao dịch và sẽ cần chi phí lớn, phải xử lý những vấn đề tồn tại trước đây, khi ngân hàng có lãi phải ưu tiên xử lý các vấn đề này trước trong năm 2014-2015. Sau đó mới đặt vấn đề chia cổ tức cho cổ đông.

Hoàng Thắng - Minh Hằng

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐHĐCĐ PVcomBank: Ẩn số báo cáo của ban kiểm soát