ĐHĐCĐ DZM: Vì sao thất bại nhà máy phát điện tại Campuchia?

28/02/2014 17:41
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau một thời gian đầu tư và đưa vào hoạt động dự án nhà máy điện sinh khối Tonle Bet tại Campuchia, Chủ tịch HĐQT CTCP Chế Tạo Máy Dzĩ An (HNX: DZM) thừa nhận công ty đã thất bại!

ĐHĐCĐ DZM: Vì sao thất bại nhà máy phát điện tại Campuchia?

ĐHĐCĐ thường niên 2014 của DZM tổ chức ngày 28/02.

Không biết vì sao thất bại???

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2014 sáng 28/02 của DZM, HĐQT thừa nhận tình hình nhà máy điện sinh khối Tonle Bet tại Campuchia đã thất bại về chiến lược đầu tư, công nghệ và cả tài chính. HĐQT cho biết ban đầu mục tiêu hoạt động của nhà máy này là tự cân bằng chi phí, tuy nhiên trên thực tế đã phát sinh những hư hỏng mà công ty không thể khắc phục trong điều kiện không có nguồn tài chính và nhân lực. Vì thế đến tháng 8/2013, HĐQT đã quyết định tạm dừng hoạt động để tránh phát sinh lỗ, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh máy phát điện.

Theo kế hoạch được ĐHĐCĐ thường niên 2010 phê duyệt, Dzima sẽ đầu tư xây dựng Nhà máy điện sinh khối Tonle Bet (gọi tắt là TBBP: Tonle Bet Biomass Power Plant) tại Campuchia với công suất là 3,200kW, sử dụng nhiên liệu là vỏ trấu. Tới tháng 3/2011, TBBP đã chính thức đi vào hoạt động giai đoạn 1 đạt công suất thương mại 1,400kW và đã bắt đầu có doanh thu. Nguồn vốn đầu tư cho giai đoạn 1 đạt khoảng 3.06 triệu USD.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, HĐQT DZM tuyên bố chính thức thất bại hoàn toàn tại dự án nhà máy phát điện này.

Một số cổ đông lớn có mặt tại Đại hội đã tỏ ra bức xúc về vấn đề này khi chưa được HĐQT giải thích chi tiết nguyên nhân thất bại và phương án khắc phục. Ngoài ra, nếu tạm dừng thì chi phí khấu hao, bảo dưỡng mỗi năm là bao nhiêu?

Ông Đặng Đình Hưng, Chủ tịch HĐQT DZM cho biết ngay cả bản thân ông cho đến thời điểm này không biết rõ vì sao lại thất bại? Theo đánh giá của ông, nguyên nhân trực tiếp là do công nghệ đòi hỏi tay nghề cao, mà điều này thì công ty chưa đáp ứng được.

Còn nguyên nhân sâu xa có thể do chúng tôi kém và nếu được làm lại thì chúng tôi sẽ không thực hiện dự án này”, ông Hưng cho biết.

Về phương án giải quyết, Chủ tịch DZM phân tích: “Nếu tạm dừng thì sẽ phải chịu chi phí khấu hao, bảo dưỡng (điều này rất khó vì nguồn tài chính công ty đã hết); cho phá sản thì không mất tiền nhưng sẽ mất uy tín, điều này có nghĩa DZM sẽ mất đi cơ hội kinh doanh trên thị trường máy phát điện và cho đóng cửa bán lại thì cũng cần chi phí”.

Giải pháp nào cũng phải tốn kém, vì thế để duy trì hoạt động của công ty vào thời điểm này, ông Hưng cho biết chỉ còn cách xử lý theo tình huống. Có nghĩa sẽ tạm ngưng hoạt động, không tập trung bất kỳ thêm nguồn lực tài chính cả về nhân sự vào dự án, nếu tìm được đối tác thì sẽ chuyển giao để mang lại lợi ích tối đa cho cổ đông.

Chủ tịch DZM cũng cho biết, chính vì “sẩy chân” tại dự án nhà máy điện sinh khối Tonle Bet tại Campuchia mà mảng hoạt động chính của công ty – máy phát điện cũng bị thua lỗ liên tục. Theo đó, khi đầu tư vào dự án trên đất Campuchia, công ty đã tập trung toàn bộ nguồn lực, dẫn đến lơ là ở mảng hoạt động chính, các thị phần máy phát điện của công ty dần bị đối thủ cạnh tranh chiếm hết (đơn cử như thị phần tại Hà Nội).

Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường trong những năm gần đây liên tục sụt giảm do tác động chung của nền kinh tế và ban quản trị công ty cũng không dự báo được những tình huống biến động của thị trường nên dẫn đến thua lỗ.

Trao đổi với nhiều cổ đông lâu năm của công ty (trong đó có ông Nguyễn Xuân Thành – Thành viên HĐQT DZM), các cổ đông cho biết tham gia dự án này ban đầu còn có một quỹ đầu tư đến từ Đan Mạch. Tuy nhiên sau một thời gian “tìm hiểu” thì quỹ này đã rút toàn bộ vốn ra khỏi dự án.

Ngoài ra, theo như lời của ông Thành thì công nghệ của nhà máy điện này được chuyển giao từ Trung Quốc. Khi đó, đích thân ông Hưng đã đi khảo sát hoạt động của những máy móc này trước khi quyết định đầu tư.

Ông Hưng chia sẻ thêm: “Khó khăn lớn nhất của công ty lúc này là thiếu nguồn tài chính trong ngắn hạn để phát triển lại mảng hoạt động chính.”

Sau phần trình bày của Chủ tịch DZM, cổ đông đã thông qua kết quả kinh doanh hợp nhất 2013 với doanh thu 159.63 tỷ đồng, giảm 29% so với năm trước và lỗ 2.45 tỷ đồng, ghi nhận năm thứ hai liên tiếp thua lỗ. Năm 2013, DZM đã chia cổ tức 5% bằng tiền.

Đại hội cũng thông qua kết hoạch sản xuất kinh doanh 2014 với doanh thu 260 tỷ đồng và lãi ròng 14 tỷ đồng. Chia cổ tức ở mức 10% trong trường hợp có đủ lợi nhuận. Thông qua phương pháp giải quyết đối với nhà máy điện tại Campuchia mà Chủ tịch HĐQT đã đưa ra.

Phó TGĐ Sovico tham gia vào HĐQT

Theo tờ trình, Đại hội dự kiến bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT (1 thay thế và 1 mới) và 1 thành viên cho BKS trong nhiệm kỳ IV (2010- 2015). Tuy nhiên, cổ đông chỉ thông qua việc bầu thêm 2 thành viên HĐQT để nâng lên 7 thành viên, còn BKS sẽ được giữ nguyên là 3 thành viên vì cho rằng không cần thiết phải có 4 thành viên.

Cụ thể, ông Nguyễn Quang Trung – Phó TGĐ CTCP Sovico, đồng thời cũng là TGĐ CTCP Chứng khoán Phú Gia đã trúng cử vào thành viên HĐQT của DZM trong nhiệm kỳ IV.

Thành viên thứ hai trúng cử là ông Lê Tấn Mười Anh (chức vụ hiện tại là Phó GĐ Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng TMCP Việt Á).

Như vậy sau khi bầu cử, số lượng thành viên HĐQT của DZM gồm:

  1. Chủ tịch HĐQT Đặng Đình Hưng
  2. Thành viên HĐQT Nguyễn Đức Cường
  3. Thành viên HĐQT Nguyễn Xuân Thành
  4. Thành viên HĐQT Phamo Vá Hoang Anh
  5. Thành viên HĐQT Võ Anh Thụy
  6. Thành viên HĐQT Nguyễn Quang Trung (mới trúng cử)
  7. Thành viên HĐQT Lê Tấn Mười Anh (mới trúng cử)

Ban kiểm soát DZM vẫn là những thành viên cũ:

  1. Trưởng BKS Vũ Ngọc Thành
  2. Thành viên BKS Khổng Thị Kim Nga
  3. Thành viên BKS Nguyễn Đức Vinh

Cuối cùng, Đại hội cũng thông qua các tờ trình còn lại về chọn công ty kiểm toán và thù lao HĐQT và BKS năm 2014.

Phương Châu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐHĐCĐ DZM: Vì sao thất bại nhà máy phát điện tại Campuchia?