Mới đây, một nhóm nghiên cứu độc lập đã đưa ra bảng công bố bảng danh sách xếp hạng các trường đại học. Điều bất ngờ là trường ĐH dân lập Tôn Đức Thắng xếp thứ 2 trong 49 trường, còn ĐH Bách khoa Hà Nội – ngôi trường có gần trăm năm tuổi chỉ xếp thứ 7.
Ngay khi bảng xếp hạng vừa công bố đã nổ ra nhiều cuộc tranh cãi gay gắt. Người ta thấy vô lí khi những trường có tuổi đời rất trẻ thì như ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Duy Tân lọt top 10. Còn những trường danh tiếng như ĐH Ngoại Thương, ĐH Kinh tế Quốc dân lại xếp ở phía sau. Trong khi những trường này có điểm đầu vào lúc nào cũng nằm top đầu.
Để góp một phép tính vào giải “bài toán bảng xếp hạng”, PV đã thực hiện buổi test phụ huynh và sinh viên câu hỏi: “Giữa ĐH Tôn Đức Thắng (xếp thứ 2, theo như kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu độc lập mới công bố) và ĐH Bách khoa Hà Nội (xếp thứ 7), họ sẽ chọn vào học trường nào?”.
Hiện nay, bảng xếp hạng các trường ĐH đang gây nhiều tranh cãi. Ảnh minh họa, Ngô Chuyên.
Gần 99% câu trả lời PV nhận được là chọn vào trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Lý giải về sự lựa chọn đó của mình, chị Nguyễn Thị Quế (Vĩnh Tuy, Hà Nội) khẳng định: “Mình cũng từng học đại học, mình cũng từng mong muốn được vào ĐH Bách khoa học thế nhưng do mình không đủ khả năng thi vào ngành công nghệ thông tin nên đành phải chuyển hướng sang trường khác. Theo mình, ĐH Bách khoa Hà Nội đào tạo rất tốt về các ngành liên quan đến kỹ thuật, tự động hóa, công nghệ thông tin…. Sinh viên ra trường có tay nghề khá tốt, đồng thời là trường có kinh nghiệm lâu năm trong đào tạo”.
“Nếu con mình đủ năng lực, thì tôi vẫn định hướng con chọn ĐH Bách khoa Hà Nội đứng vị trí thứ 7 chứ không chọn ĐH Tôn Đức Thắng, dẫu trường đó xếp thứ 2 trong bảng xếp hạng”, chị Quế chia sẻ thêm.
Cũng có suy nghĩ như chị Quế, anh Nguyễn Đức Liên (Hà Tĩnh), có em trai tốt nghiệp Khoa tự động hóa một trường kỹ thuật, thế nhưng để hỗ trợ cho tay nghề sau khi tốt nghiệp anh đã tìm đến một số giảng viên của ĐH Bách khoa để nhờ giảng dạy cho em trai mình về kỹ thuật PLC trong tự động hóa.
Anh Liên chia sẻ: “Khi có bảng xếp hạng các trường đại học thì rất tốt, để các trường có thể soi vào đó mà biết vị trí của mình. Tuy nhiên, bảng xếp hạng này, tôi thấy không công bằng bởi tôi nghĩ nếu đào tạo sinh viên các ngành kỹ thuật như: tự động hóa, công nghệ thông tin… thì ít trường “qua tay” được ĐH Bách Khoa Hà Nội và ĐH Bách khoa TP. HCM”.
“Riêng cái điểm chuẩn đầu vào của trường này cũng đã có sự chênh lệch chưa nói là đến các tiêu chí khác. Nên tôi thấy, bảng xếp hạng tốt nhưng có lẽ nên điều chỉnh lại các tiêu chí và đi sát hơn vào các trường. Tôi vẫn thích đặt tiêu chí sinh viên ra trường có việc làm như thế nào cao hơn là tiêu chí xếp hạng thứ tự của các trường”, anh Liên nhấn mạnh.
Là phụ huynh có con đang học đại học, ông Trần Viết Minh (quận Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ: “Tôi khá bất ngờ khi trường dân lập xếp trong top 5, trong khi đó các trường đình đám như Bách khoa, Ngoại thương lại không nằm trong số đó. Tuy nhiên, nếu cho con học, tôi vẫn cho học Bách khoa hoặc Ngoại thương không cho học Tôn Đức Thắng. Vì những ngành kỹ thuật mà tốt nghiệp Bách khoa đi xin việc vẫn được ưa chuộng hơn nhiều”.
Nhiều chuyên gia giáo dục bất ngờ khi biết bảng xếp hạng này. Ảnh Hải Nam
Tiếp nối những quan điểm trên, một giáo viên về hưu chia sẻ: “Hiện nay, Bộ GD-ĐT cắt giảm các cuộc thi nhằm giảm áp lực cho học sinh, hạn chế tiêu cực trong ngành giáo dục. Thế nhưng, nếu có thêm bảng xếp hạng này thì vô hình chung nó đang làm cho các trường ĐH chạy theo thành tích mà quên đi nhiệm vụ giáo dục của mình. Chúng ta đang nghĩ cái hào nhoáng mà chưa nghĩ đến cái lâu dài, sâu xa”.
Cựu giáo viên cũng nhấn mạnh thêm: “Thậm chí, để lọt vào top 5, top 10, các trường có thể sử dụng những chiêu trò, tiêu cực về thành tích ảo để có tên trong bảng xếp hạng. Như vậy, vô hình chung bảng xếp hạng – một cái đẹp đẽ trở thành con dao không lưỡi tiếp sức cho bệnh thành tích”.
Cũng khá bất ngờ với bảng xếp hạng trên, GS.TS Phạm Tất Dong - Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho biết: “Để đánh giá trường nào tốt, thì trước tiên trường này phải có uy tín trong nước, chương trình đào tạo phải hiện đại, được thế giới công nhận, bằng cấp được sử dụng và nhất thiết phải có công bố về nghiên cứu khoa học”.
“Tiếp theo phải xem những vấn đề tiên tiến nhất của giáo dục, các trường có thực hiện được không, như giáo dục STEM chẳng hạn. Ngoài ra, phải có sinh viên nước ngoài học mới chứng tỏ thế giới họ biết đến uy tín của trường”, GS Phạm Tất Dong nói thêm.