Văn hóa - Du lịch

Đền Trần Hưng Đạo - Miếu Vua Bà thu hút người dân dịp đầu năm

Hoàng Hà 16/02/2025 - 12:58

Đền Trần Hưng Đạo và Miếu Vua Bà (phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh), nằm bên dòng sông Bạch Đằng lịch sử, là điểm đến tâm linh thu hút đông đảo người dân và du khách.

Trong những ngày đầu năm mới, Đền Trần Hưng Đạo và Miếu Vua Bà (phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) có nhiều người dân thập phương đến dâng hương, cầu an.

Đây chính là nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt của cha ông ta trước quân xâm lược trên dòng sông Bạch Đằng huyền thoại.

mieuba.jpg
Đầu năm mới, người dân hội tụ về Đền Trần Hưng Đạo, Miếu Vua Bà để cầu xin một năm mới an lành, hạnh phúc.

Miếu Vua Bà, cùng với đền thờ Trần Hưng Đạo và các di tích khác trong quần thể Bạch Đằng, đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.

Theo truyền thuyết, vào khoảng đầu năm Mậu Tý năm 1288, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã đến bến đò này nghiên cứu địa hình, chuẩn bị thế trận tiêu diệt đạo thủy binh quân xâm lược Nguyên – Mông.

z6322431870009_e13f1d98002930dde5d28d2ea459b32b.jpg
Miếu Vua Bà - nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt của cha ông ta. Ảnh: BH

Tại đây, Hưng Đạo Vương đã được cụ bà bán hàng quà vặt thưa tỉ mỉ, chính xác lịch con nước và địa thế dòng sông, giúp bố trí trận địa cọc và chọn thời điểm quyết chiến.

Chiến trận Bạch Đằng đại thắng, Hưng Đạo Vương trở lại bến đò tìm bà để tạ ơn, nhưng không thấy, chỉ thấy đống mối đùn lên rất to nơi bà ngồi.

Cảm kích trước tấm lòng yêu nước của bà, Hưng Đạo Vương đã tâu với vua Trần phong bà làm “Vua Bà” và cho lập miếu thờ tại nơi bà bán hàng bên gốc cây quếch.

bachdang.jpg
Lễ hội Truyền thống Bạch Đằng. Ảnh: TL

Trước đây, Miếu Vua Bà có quy mô rất nhỏ. Sau này, được xây dựng lại khang trang to đẹp hơn.

Đền Trần Hưng Đạo trước đây được xây dựng ở khu hậu đồng, cách đền ngày nay gần 1.000m về hướng đông, sau mới chuyển về cạnh Miếu Vua Bà tọa lạc trên một roi đất rộng có tổng diện tích trên 5.000m2.

z6322431871159_a08c1f5cb64a5658b36e5b8cb4d175f9.jpg
Cổng đền Trần Hưng Đạo. Ảnh: BH

Cổng đền có 4 trụ tạo thành 3 lối đi rộng thay cho tam quan, mỗi trụ có câu đối chữ Hán đắp tượng Long giao - Nghê trầu, sân đền lát đá rộng rãi có thể chứa hàng nghìn người mỗi dịp lễ hội.

Đền Trần Hưng Đạo có kiến trúc theo kiểu chữ Đinh gồm 3 gian tiền đường, hai gian bái đường và một gian hậu cung.

Hiện nay trong đền còn lưu giữ được nhiều đạo sắc phong của các vua triều Nguyễn phong cho Trần Hưng Đạo và một số câu đối ca ngợi công lao to lớn của Ngài.

Cây quếch cổ có 2/3 thân cây là nằm dưới lòng sông, sau rất nhiều lần tôn tạo và bồi đất thì phần đất đã lên rất cao, là một trong những cây có giá trị rất là linh thiêng đối với mảnh đất và con người Quảng Yên.

Hàng năm, lễ hội Truyền thống Bạch Đằng được tổ chức từ ngày mùng 6 đến ngày mùng 8 tháng 3 Âm lịch, thu hút hàng vạn du khách đến thăm viếng.

Những hoạt động tại Đền Trần Hưng Đạo, Miếu Vua Bà và các sự kiện văn hóa trong mỗi dịp Tết đã góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời mang đến cho người dân và du khách những trải nghiệm đáng nhớ trong những ngày đầu xuân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đền Trần Hưng Đạo - Miếu Vua Bà thu hút người dân dịp đầu năm