Để có một ngành công nghiệp ô tô "cơ hội của ta không còn nhiều khi tới năm 2018 phải hoàn thành cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu về 0%. Muốn có ngành công nghiệp ô tô thì phải tăng dung lượng thị trường” - đó là ý kiến của ông Phạm Đình Thi.
Tại cuộc họp báo chuyên đề về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế Giá trị gia tăng, Thuế Tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế do Bộ Tài chính tổ chức chiều 20/10, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính cho biết, với mức thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt giảm, dòng xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống có dung tích xilanh từ 1.000 cm3 trở xuống nhỏ có lộ trình giảm thuế 15-25% so với hiện tại, giúp giá một số dòng ô tô đến năm 2019 giảm sâu nhất có thể tới 42% so với hiện tại.
Lắp ráp xe ô tô tại Việt Nam.
Theo ông Thi, trước bối cảnh cắt giảm thuế nhập khẩu về 0% đối với mặt hàng ô tô cũng như nhiều mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt khác theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, một số hiệp định song phương thì cần thiết phải sửa đổi thuế suất tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô ở mức tương đương với các nước Đông Nam Á đối với dòng xe thân thiện môi trường, dung tích xi lanh nhỏ để tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
“Chúng ta hy vọng có một ngành công nghiệp ô tô bao năm nay nhưng vẫn chưa có được, cơ hội của ta không còn nhiều khi tới năm 2018 phải hoàn thành cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu về 0%. Muốn có ngành công nghiệp ô tô thì phải tăng dung lượng thị trường”, ông Thi nói.
Theo ông Phạm Đình Thi, đối với xe ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống, loại xe có dung tích xi lanh từ 1.000 cm3 trở xuống từ ngày 1/7/2016 áp dụng thuế suất 40% (giảm 5% so với hiện hành), từ ngày 1/1/2018 áp dụng thuế suất 30% và từ ngày 1/1/2019 áp dụng thuế suất 20% (giảm 25% so với hiện hành).
Loại có dung tích xi lanh trên 1.000 cm3 đến 1.500 cm3, tới ngày 1/1/2019 áp dụng thuế suất 25%, giảm 20% so với hiện hành.
Đối với loại dung tích xi lanh trên 2.000 cm3 đến 2.500 cm3, giữ thuế suất 50% so với hiện hành.
Riêng các loại dung tích xi lanh từ trên 2.500 cm3 trở lên áp mức thuế suất từ 60% đến 150% (tăng từ 10% đến 150% so với hiện hành).
Ông cũng Thi cho biết, mức thuế với dòng xe từ 9 chỗ trở xuống có dung tích dưới 2.000cm3 của nhiều nước chỉ dao động quanh mức 15-30%. So với các nước ASEAN thì mức thuế thuế tiêu thụ đặc biệt hiện tại của Việt Nam cao hơn trung bình của 4 nước là Indonesia, Thái Lan, Singapore và Malaysia.
“Với lộ trình giảm thuế như trên có thể giúp cho những người có thu nhập trung bình và trung bình khá có thể tiếp cận mua xe ô tô”, ông Thi nói.
Trước những băn khoăn về việc liệu việc giảm thuế có ảnh hưởng tới thu ngân sách, ông Phạm Đình Thi cho rằng, nếu Việt Nam công bố rõ lộ trình giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho các dòng xe ưu tiên ít tiêu thụ nhiên liệu như trên chắc chắn sẽ thu hút được các nhà đầu tư. Với dung lượng thị trường tăng thì ngân sách vẫn sẽ tăng.
“Ta tính toán các mức thuế giảm như vậy để các nhà đầu tư tiếp cận được thị trường. Dự báo trước chính sách để các nhà đầu tư quan tâm”, ông Thi nói.
Bên cạnh việc thu hút được các nhà đầu tư, ông Thi cho rằng, Việt Nam sẽ có ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước và điều này giúp có thêm nguồn thu cho ngân sách với quy mô còn tăng lên nhiều so với hiện nay.