Đêm kinh hoàng không hồi kết trong khách sạn ma quỷ

Minh Khang| 15/03/2022 15:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đạo diễn Kourosh Ahari “đặt bẫy” khiến cặp vợ chồng người Iran mắc kẹt trong một khách sạn kỳ bí. Cách duy nhất để họ thoát ra là tự đối mặt với những “con quỷ” ở bên trong.

THE NIGHT (ĐÊM TRÓI BUỘC) là bộ phim pha trộn giữa hai thể loại kinh dị và giật gân, xoay quanh cặp vợ chồng Babak (Shahab Hosseini, nổi tiếng với các phim “A Separation” và “The Salesman”) - Neda (Niousha Jafarian, từng đóng series “Here & Now”) và con gái mới sinh của hai người. Họ là những người Iran quyết định chuyển đến Mỹ sinh sống. Mọi chuyện tưởng chừng hết sức bình thường cho đến khi cả gia đình tình cờ tá túc tại khách sạn vắng vẻ Normandie ở Los Angeles.

Phim mở đầu với sự kiện Babak đưa vợ con tới nhà một người bạn ở Los Angeles ăn tối. Tại đây, họ cùng chơi trò “mafia” (với luật khá giống boardgame “Ma sói” tại Việt Nam). Nhà làm phim hé lộ tính cách các nhân vật qua các câu thoại trong bữa tiệc một cách khéo léo. Cặp vợ chồng bề ngoài vui vẻ, hạnh phúc nhưng bên trong ẩn chứa nhiều bí mật, rạn nứt. Babak là người đạo mạo nhưng có phần gia trưởng và xa cách gia đình. Đạo diễn cũng để lộ mong ước tìm người mới của anh này trong một vài câu thoại đùa vu vơ. Trong khi đó, Neda luôn tỏ ra không thoải mái khi người khác nhắc tới chuyện con cái và quá khứ khi còn sống ở Iran.

Sau bữa tiệc, Babak say rượu và bị cơn đau răng hành hạ. Tuy nhiên, anh nhất quyết không để vợ lái xe. Trên đường về, anh cán chết một con mèo đen trên đường. Sau khi cãi vã với vợ, Babak buộc phải đưa gia đình tới một khách sạn gần đó để tá túc qua đêm. Tại đây, họ bắt đầu gặp những nhân vật và hiện tượng kỳ lạ. Neda gặp một cậu bé lạ mắt, luôn miệng gọi cô bằng mẹ. Trong khi đó, Babak bị một cô gái trẻ ám ảnh, thường xuyên yêu cầu anh tiết lộ sự thật.

Lấy bối cảnh khách sạn, ĐÊM TRÓI BUỘC có thể khiến người xem liên tưởng tới những phim kinh dị kinh điển như “The Shining” của Stanley Kubrick hay “Psycho” của Alfred Hitchcock. Tác phẩm không lạm dụng những tình huống hù dọa jump-scare mà xây dựng không khí hồi hộp, bất ngờ bằng những thủ thuật quay phim, âm thanh và những tình tiết gợi sự tò mò. Các bí ẩn trong phim được bóc tách từng lớp một, khiến khán giả dễ dàng bị cuốn theo câu chuyện của gia đình Babak, muốn biết nguyên nhân của những sự kiện siêu nhiên xảy đến với họ.

Thay vào đó, yếu tố kinh dị chỉ là cái cớ để đạo diễn Kourosh Ahari đem tới cho khán giả một kịch bản phim tâm lý phức tạp và ẩn chứa nhiều thông điệp ý nghĩa. Ẩn phía sau câu chuyện buổi đêm tại khách sạn, ĐÊM TRÓI BUỘC khai thác mâu thuẫn giữa vợ chồng Babak. Hai người đều có những bí mật, tội lỗi đang che giấu với nửa còn lại. Những nhân vật gặp tại khách sạn tượng trưng cho chính những “con quỷ” đang sống trong tâm hồn họ. Đặc biệt, kết phim mở và bất ngờ cũng tạo nên một trải nghiệm điện ảnh thú vị cho khán giả về cả mặt thị giác và tư tưởng.

Đạo diễn Kourosh Ahari thể hiện sự tài tình trong cách kể chuyện. Các nhân vật dần hiện nguyên hình qua các câu thoại, chi tiết nhỏ, đòi hỏi khán giả tự chắp nối trong suốt bộ phim. Ông cũng táo bạo khi đưa thuyết đa vũ trụ vào tác phẩm và vẫn giữ mạch truyện rành mạch, không phi lý. Tác phẩm mở đầu với dòng chữ: “Đa vũ trụ và chỉ một vũ trụ, và một vũ trụ chân chính...!?”. Các sự kiện xảy ra trong khách sạn tồn tại ở những vũ trụ song song. Trong đó, Bakak nhìn thấy nhiều số phận khác nhau của gia đình và bản thân mình. Trong đó chỉ có một vũ trụ là thật, còn lại là ảo giác. Tuy nhiên, “vũ trụ chân chính?” được nhắc đến cùng dấu hỏi nghi vấn chính là tương lai của nhân vật, phần không được nhắc đến trong phim. Nếu muốn thoát khỏi đa vũ trụ để đến với vụ trụ chân chính, Babak và Neda cần thành thật với nhau, gạt bỏ những bị mật đang khiến tình cảm hai người rạn nứt.

Bộ phim cũng thu hút khán giả dựa trên hệ thống hình ảnh ẩn dụ dày đặc được cài cắm suốt bộ phim. Căn bệnh đau răng của Bakak tượng trưng cho nỗi khổ lương tâm của anh về những điều sai trái đang che giấu với vợ con. Hình xăm đôi của hai vợ chồng là biểu tượng cho bí mật của họ. Con gái sơ sinh của Bakak đại diện cho sự thật, sự ngây thơ. Qua cô bé, đạo diễn nhiều lần gửi đi thông điệp bảo vệ trẻ em và đừng biến chúng thành nạn nhân của những sai lầm do cha mẹ phạm phải.

Diễn xuất cũng là điểm sáng trong phim. Với kinh nghiệm dày dặn, Shahab Hosseini – người từng đoạt giải nam chính tại LHP Cannes và Berlin – không khó khăn trong việc diễn tả nội tâm của Bakak. Nhân vật luôn đặt người xem trong tâm trạng đa nghi, lo lắng suốt bộ phim, đồng thời khiến họ tò mò và phần nào cảm thông với nỗi đau, sự bất lực anh đang trải qua. Tuyến nhân vật phụ như Nade hay các nhân viên khách sạn, cảnh sát đều thể hiện tròn vai, đem tới những phân cảnh tăng kịch tính theo đúng ý đồ của đạo diễn và biên kịch.

ĐÊM TRÓI BUỘC giống như một sự kết hợp giữa “Perfect Strangers” (Tiệc trăng máu) và “The Shining”, khi đạo diễn Kourosh Ahari kết hợp nhuần nhuyễn yếu tố giật gân, kinh dị trong một kịch bản khai thác những mặt tối trong đời sống hôn nhân. Đồng thời, với hệ thống hình ảnh ẩn dụ nhiều tầng nghĩa, phim gợi mở nhiều cách hiểu cho khán giả để ta có thể rút ra những bài học riêng cho bản thân.

“THE NIGHT” (ĐÊM TRÓI BUỘC) khởi chiếu từ ngày 11.03.2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đêm kinh hoàng không hồi kết trong khách sạn ma quỷ