Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam kiến nghị Thủ tướng nhanh chóng ưu tiên cho đội ngũ giao hàng (shipper) tiêm vaccine Covid-19.
Hiện mới có TP HCM tiêm vaccine lần 1 cho shipper, nhưng tiến độ và số lượng chưa nhiều. Trong văn bản ngày 30/7, Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) kiến nghị Thủ tướng Phạm Minh Chính quan tâm, chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh, ưu tiên "ở mức độ cao".
Hiệp hội này lý giải, là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hoá song vai trò của shipper chưa được đánh giá đầy đủ, khiến cung ứng hàng tới tay người tiêu dùng cuối cùng có thời điểm bị gián đoạn.
"Nếu số đông shipper nghỉ việc, doanh nghiệp liên quan ngừng hoạt động sẽ dẫn tới khủng hoảng trong chuỗi cung ứng cho cuộc sống người dân tại các địa phương đang giãn cách xã hội ở mức cao", Hiệp hội Thương mại điện tử đánh giá.
Hôm qua, Bộ Công Thương cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 cho đội ngũ lái xe, phụ xe ngành vận tải, logistics, nhằm tránh gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hoá, sản xuất.
Thực tế, việc TP HCM siết kiểm soát shipper hay Hà Nội cấm shipper công nghệ hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội, khiến lưu chuyển hàng hoá ở kênh thương mại điện tử, siêu thị khó khăn hơn. Lượng lớn shipper tắt ứng dụng, nghỉ việc khiến các siêu thị, sàn thương mại điện tử và chính doanh nghiệp vận tải thêm khó khăn. Đơn hàng đặt mua online tăng vọt, song nhiều siêu thị cho biết họ rất khó khăn trong tìm đủ đội ngũ shipper để giao hàng cho khách, kéo theo thời gian giao hàng chậm.
Bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, TP HCM, Hà Nội và một số địa phương khác đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 hoặc ở mức cao hơn, nhu cầu của người dân rất đa dạng chủng loại hàng hoá, chứ không giới hạn ở các mặt hàng thực phẩm, thuốc men.
Nhưng do các quy định, cách hiểu khác nhau về hàng hóa thiết yếu, khiến các shipper gặp khó khăn khi giao hàng và việc đơn hàng giao thành công hay không phụ thuộc phần lớn vào quyết định chủ quan của từng chốt. Kết quả, theo VECOM, số lượng đơn hàng bị huỷ, không được giao của các sàn thương mại điện tử tăng vọt thời gian qua.
Vì thế, hiệp hội kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho phép lưu thông hàng hoá như trong điều kiện bình thường, với điều kiện bảo đảm phòng, chống Covid-19. Tức là không phân biệt danh mục hàng hoá thiết yếu hay không thiết yếu, miễn là hàng không trong danh mục cấm sản xuất, kinh doanh là được lưu thông.
Cách đây 4 ngày, Bộ Công Thương cũng đề nghị Thủ tướng xem xét, ban hành danh mục hàng cấm lưu thông trong thời gian giãn cách xã hội, thay vì danh mục hàng hoá thiết yếu. Việc này nhằm thống nhất cách hiểu, áp dụng giữa các địa phương, tránh tình trạng mỗi địa phương hiểu khác nhau về "hàng hoá thiết yếu trong thời gian giãn cách xã hội".
Phó thủ tướng Lê Văn Thành sau đó đã có chỉ đạo, yêu cầu các địa phương không kiểm tra với xe chở các loại hàng hóa (trừ hàng cấm kinh doanh) có mã QRCode còn hạn sử dụng.
Dù vậy, vẫn cần một văn bản của cấp có thẩm quyền nêu rõ ràng hơn về quy định này, nhằm tránh mỗi địa phương một cách hiểu, gây khó cho doanh nghiệp vận tải, shipper, logistics...