Đề xuất phát triển 'doanh nghiệp xanh' để duy trì sản xuất

Trang Nhi| 19/08/2021 10:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mô hình “doanh nghiệp xanh” được Ban IV đề xuất để hỗ trợ, khắc phục khó khăn, giúp doanh nghiệp duy trì ổn định sản xuất trong bối cảnh dịch COVID-19.

Khái niệm về “doanh nghiệp xanh” có đặc thù rất riêng là hướng tới trở thành mô hình doanh nghiệp hoạt động an toàn trong điều kiện dịch COVID-19 còn kéo dài. “Doanh nghiệp xanh” được đại diện Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đề xuất trước mắt gồm “Doanh nghiệp sản xuất xanh” và “Doanh nghiệp vận tải/logistics xanh”, trong đó, cần phải đảm bảo được các yếu tố cơ bản cho doanh nghiệp hoạt động xanh - an toàn và hiệu quả.

dn-xanh-1.jpg
Đề xuất phát triển 'doanh nghiệp xanh' để duy trì sản xuất. Ảnh: Báo Chính phủ

Trong đó, doanh nghiệp sản xuất xanh là doanh nghiệp có toàn bộ nhân viên, người lao động được tiêm đủ vắc-xin. Mọi hoạt động sản xuất, vận hành trong khu vực trụ sở doanh nghiệp được đưa về trạng thái bình thường kết hợp duy trì 5K trong quá trình giao tiếp với các nhóm chủ thể ngoài doanh nghiệp; Quy trình ứng xử với COVID-19 tại đây áp dụng như với cúm mùa thông thường để tập trung tối đa nguồn lực cho sản xuất.

Doanh nghiệp vận tải/logistics xanh là doanh nghiệp có lái xe, nhân viên logistics làm việc tại hiện trường (kho, bãi, cảng...) được tiêm đủ vắc-xin, được cấp QR code về tình trạng tiêm chủng kèm tuân thủ quy định 5K để đi lại, giao tiếp, thực hiện dịch vụ, thúc đẩy vận chuyển, lưu thông hàng hóa phục vụ tiêu dùng, xuất khẩu, nhập khẩu.

Việc hình thành các loại hình doanh nghiệp sản xuất xanh, vận tải, logsitics xanh là nền tảng quan trọng để tới đây tiếp tục phát triển doanh nghiệp du lịch xanh, doanh nghiệp hàng không xanh, các trang trại xanh...

Tuy nhiên, theo ông Trương Gia Bình, Trưởng ban IV, để có thể thiết lập và đưa vào triển khai được chiến dịch phát triển “doanh nghiệp xanh”, việc đưa ra được các chính sách hỗ trợ phù hợp là vấn đề quan trọng nhất đặt ra hiện nay. 

Trước mắt, các chuyên gia Ban IV đề xuất Chính phủ giao chỉ tiêu và trách nhiệm cho các địa phương về tỉ lệ doanh nghiệp xanh trên tổng số doanh nghiệp tại địa bàn. Trên cơ sở đó, chính quyền các tỉnh sẽ chủ động hơn trong việc tính toán, sắp xếp thứ tự ưu tiên, sử dụng hiệu quả nguồn lực vắc xin để tổ chức tiêm cho người lao động ở các nhà máy, nhóm lái xe, nhân lực logistics tại các công ty vận tải, dịch vụ xuất nhập khẩu..., nhằm tạo lập và phát triển các doanh nghiệp xanh. 

Theo các chuyên gia, nên trao quyền cho các địa phương được quyết sách chủ động việc tổ chức tiêm tại chính các nhà máy, thay vì chỉ ở trung tâm y tế; hay việc cho phép doanh nghiệp tư nhân phối hợp với chính quyền tổ chức tiêm nếu đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn y tế, dưới sự giám sát và tập huấn của Sở y tế tỉnh, thành...

Một giải pháp khác là các bộ, ngành nên rà soát khẩn trương và tháo gỡ các quy định đang không phù hợp với “khó khăn thời dịch” để tạo nền tảng tốt nhất cho các doanh nghiệp vận hành hoạt động, song song với việc phấn đấu trở thành “doanh nghiệp xanh”, như quy định “phải quyết toán thuế TNDN 2020 để được nhận hỗ trợ vay trả lương”; quy định về thời gian làm thêm trong tuần, trong ngày; hay yêu cầu người lao động “phải không còn đóng BHXH mới được nhận hỗ trợ ngừng việc của nhà nước”...

Việc thiết lập các “doanh nghiệp xanh” tiến tới hình thành các “vùng xanh” tại Việt Nam không chỉ có tác dụng duy trì sản xuất kinh doanh trong nước, mà sẽ đặc biệt hiệu quả để truyền thông và gia tăng niềm tin từ các đối tác quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất phát triển 'doanh nghiệp xanh' để duy trì sản xuất