Việc để xảy ra án oan sai bắt nguồn từ những thiếu sót trong hoạt động thu thập chứng cứ của giai đoạn điều tra. Tuy nhiên, trách nhiệm của Toà án cũng cần phải được xác định rõ ràng.
Bởi vì Toà án chính là chốt chặn cuối cùng để không để xảy ra oan sai cũng như không bỏ lọt tội phạm... Ông Nguyễn Anh Dũng, Chánh án TAND TP Nam Định, tỉnh Nam Định đã đề xuất những giải pháp nhằm ngăn chặn việc này.
PV: Ông đánh giá như thế nào về vai trò của Tòa án trong việc ngăn chặn án oan sai đã được luật hóa?
Ông Nguyễn Anh Dũng: Qua nghiên cứu, tìm hiểu về các vụ án bị oan sai được phản ánh trong thời gian qua có thể thấy: Hoạt động xét xử chính là trung tâm của cả quá trình tố tụng, là giai đoạn đánh giá toàn bộ các chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra và đưa ra phán quyết cuối cùng. Do vậy, nếu hoạt động xét xử tốt, đảm bảo chất lượng, tìm ra những sai sót của quá trình điều tra, các chứng cứ của vụ án được đánh giá chính xác... thì việc kết án oan sẽ rất khó xảy ra.
Để nâng cao chất lượng xét xử án hình sự, đảm bảo tính dân chủ, công khai, công bằng trong các phiên toà hình sự, Nghị quyết số 08 năm 2002 của Bộ Chính trị đã nêu “Việc phán quyết của Toà án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên toà... Các cơ quan tư pháp có trách nhiệm tạo điều kiện để luật sư tham gia vào quá trình tố tụng”. Nghị quyết số 49 năm 2005 của Bộ chính trị cũng xác định “Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp, chất lượng tranh tụng tại tất cả phiên tòa xét xử, coi đây là hoạt động đột phá của các cơ quan tư pháp...”. Sửa đổi Hiến pháp 1992, lần đầu tiên nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa đã được ghi nhận trong Hiến pháp. Gần đây nhất, Quốc hội đã ra Nghị quyết số 63 ngày 27/11/2013 trong đó có nội dung “Tòa án các cấp phải tạo điều kiện cho bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, đưa ra yêu cầu và tranh luận dân chủ trước Tòa án, không kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm”.
Ông Nguyễn Anh Dũng
PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến án oan sai?
Ông Nguyễn Anh Dũng: Tôi nhận thấy rằng trong giai đoạn xét xử, các nguyên nhân dẫn đến việc kết án oan sai bao gồm:
Thứ nhất, tư duy “bị cáo có tội” và “án tại hồ sơ” vẫn còn tồn tại khá phổ biến, trong khi suy đoán vô tội chưa được ghi nhận thành một nguyên tắc của BLTTHS. Chính vì điều này nên nếu trong hồ sơ vụ án đã có lời khai nhận tội của bị cáo thì hầu như tại phiên toà, các chứng cứ buộc tội sẽ được tập trung và coi trọng hơn. Kể cả khi lời khai của bị cáo tại phiên toà có thay đổi hoặc bị cáo không nhận tội, hoặc xuất hiện các chứng cứ gỡ tội mới thì tư duy của HĐXX vẫn có xu hướng nghiêng về việc sử dụng các chứng cứ đã được cơ quan điều tra thu thập để kết tội đối với bị cáo.
Thứ hai, các quy định của pháp luật liên quan đến việc thu thập chứng cứ chưa thực sự phù hợp. Mặc dù BLTTHS quy định về quyền được đưa ra đồ vật, tài liệu, chứng cứ của bị cáo, của người bào chữa nhưng đây chỉ là một quy định hầu như mang tính hình thức mà không thực chất. Bởi vì bị can, bị cáo nếu bị áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam sẽ không thể có điều kiện để thực hiện quyền này. Mặt khác, BLTTHS hoặc những văn bản hướng dẫn chưa quy định rõ ràng về trình tự, thủ tục thu thập tài liệu, đồ vật, chứng cứ để luật sư hoặc những người thân thích của bị can, bị cáo thực hiện mà chỉ quy định chung chung rằng “luật sư có quyền thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa” hoặc “bất cứ cá nhân nào cũng có quyền đưa ra và giao nộp đồ vật, tài liệu cho các cơ quan tiến hành tố tụng”.
Thứ ba, việc tiến hành tranh tụng tại phiên toà nhiều khi chưa thực hiện đúng tinh thần cải cách tư pháp và quy định của pháp luật hiện hành. Nhất là trong phần tranh luận, sự bình đẳng giữa luật sư với kiểm sát viên chưa được đảm bảo, quan điểm bào chữa của luật sư, ý kiến phản đối, không nhận tội của bị cáo trong một số phiên toà vẫn chưa được xem xét, coi trọng và đánh giá đúng mức.
PV: Để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng trên, ông có đề xuất gì?
Ông Nguyễn Anh Dũng: Để nâng cao chất lượng xét xử án hình sự nói chung và phòng chống oan sai trong xét xử án hình sự nói riêng, cần phải tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ, phải sửa đổi từ các quy phạm pháp luật chưa phù hợp đến thay đổi tư duy, cách làm việc của các cơ quan tiến hành tố tụng, nâng cao trình độ những người tiến hành tố tụng, tổ chức phiên toà dân chủ, công khai, việc tranh tụng tại phiên toà phải đảm bảo thực chất và bình đẳng, việc kết án của HĐXX phải dựa trên cơ sở kết quả tranh tụng... Trên một góc độ nhỏ, việc tạo điều kiện để luật sư và những người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình cũng là một giải pháp để phòng chống oan sai trong xét xử án hình sự.
Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi có một số đề xuất sau. Đầu tiên là đối với luật sư cần có những quy định cụ thể, rõ ràng để tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư tham gia vào quá trình điều tra, truy tố, xét xử. BLTTHS cũng cần quy định rõ hơn về quyền thu thập chứng cứ của luật sư, bổ sung thêm cho luật sư có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ liên quan đến hành vi bị khởi tố, truy tố và xét xử trong BLHS.
Thêm nữa, pháp luật cần quy định chế tài cụ thể đối với những hành vi cản trở luật sư thực hiện quyền và nghĩa vụ của người bào chữa. Những quan điểm bào chữa của luật sư, kể cả được chấp nhận cũng như không được chấp nhận đều phải nhận định rõ trong bản án. Đồng thời, cần sửa đổi BLTTHS theo hướng: Bị cáo có quyền yêu cầu được biết về các tài liệu, chứng cứ có tính chất buộc tội trong hồ sơ vụ án trước khi đưa ra xét xử. Quy định cụ thể về quyền thu thập và xuất trình đồ vật, tài liệu của bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác cho các cơ quan tiến hành tố tụng và tại phiên toà.
Một biện pháp nữa cũng hết sức quan trọng là tăng cường công tác đào tạo, giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của người tiến hành tố tụng trong vụ án hình sự. Luật cần quy định rõ hơn những chế tài đối với cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có hành vi gây khó khăn, cản trở sự tham gia tố tụng của luật sư và người tham gia tố tụng.
Cuối cùng, theo tôi là cần sửa đổi quy định của BLTTHS về thủ tục xét hỏi tại phiên toà theo hướng thu gọn phần xét hỏi và mở rộng phần tranh luận giữa Kiểm sát viên với người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác để Tòa án tập trung thực hiện quyền tài phán của mình.
PV: Xin cảm ơn ông!