VCCI tiếp tục đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng do đây không phải là mặt hàng xa xỉ.
Tại góp ý gửi Bộ Tài chính, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, xăng đang phải chịu cùng lúc hai loại thuế có tính chất hạn chế tiêu dùng là Thuế tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường.
Theo cơ quan này, xăng không phải mặt hàng xa xỉ nên việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này cũng là bảo vệ môi trường. Do đó, họ đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ thuế này với nhiên liệu trong nước.
"Trường hợp cần thiết, nhà chức trách có thể điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp với mục tiêu của loại thuế này", VCCI góp ý.
Hiện thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng với xăng là 10%, xăng E5 8% và xăng E10 7%; dầu không phải chịu loại thuế này. Xăng RON 95-III hiện ở mức 22.880 đồng, dầu diesel 20.320 đồng. Như vậy, trong mỗi lít xăng hiện có hơn 2.000 đồng là thuế tiêu thụ đặc biệt (giá tính trước thuế VAT).
Đồng thời, mỗi lít xăng bán ra cũng đang phải chịu thuế bảo vệ môi trường 2.000 đồng, E5 là 1.900 đồng và dầu diesel 1.000 đồng.
Trước đó, VCCI từng nhiều lần đưa ra quan điểm này khi góp ý sửa Luật thuế tiêu thụ đặc biệt. Năm ngoái, nêu quan điểm về vấn đề này, Bộ Tài chính lại cho rằng thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng là phù hợp, chưa thể bỏ trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu, cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào 2050.
Cơ quan quản lý tài chính lập luận tiêu thụ đặc biệt là loại thuế được thu vào các hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng, hoặc cần tiêu dùng tiết kiệm, điều tiết thu nhập. Xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo, cần sử dụng tiết kiệm, nên hầu hết quốc gia đều thu thuế này.
Cũng tại góp ý lần này, VCCI đề nghị bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa nhiệt độ. Họ cho rằng mặt hàng này hiện đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong công việc, cuộc sống của người dân. Việc duy trì nhiệt độ phòng phù hợp còn có tác dụng nâng cao năng suất lao động, nên bỏ thuế sẽ giúp định hướng phát triển kinh tế tri thức.
Ngoài ra, cơ quan này cũng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu lộ trình tăng thuế phù hợp hơn với bia, rượu và thuốc lá; cân nhắc về tác động khi đưa nước giải khát vào đối tượng chịu thuế 10%. Việc này nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực tới các doanh nghiệp trong ngành đồ uống, thuốc lá trong bối cảnh còn nhiều khó khăn.