Đề thi THPT quốc gia 2019 môn Địa lý: Thí sinh cần phải lưu ý gì với ma trận đề?

Đặng Hà| 27/12/2018 14:59
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cần có một chiến lược học từ đầu, không học theo kiểu học thuộc là lời khuyên của nhiều giáo viên môn Địa lý của Hệ thống HOCMAI dựa trên ma trận đề thi tham khảo môn Địa lý.

Theo như đề thi tham khảo, đề gồm 40 câu hỏi, thời gian làm bài 50 phút. Nội dung đề thi nằm trong chương trình Địa lý lớp 11 và lớp 12. Tỉ lệ câu hỏi lớp 11 là 10% (2 câu lí thuyết + 2 câu thực hành) và 90% câu hỏi lớp 12 (23 câu lí thuyết + 13 câu thực hành).

Đề thi THPT quốc gia 2019 môn Địa lý: Thí sinh cần phải lưu ý gì với ma trận đề?

- Sự phân bổ câu hỏi trong các chuyên đề lớp 11 và lớp 12 thể hiện trong đề thi năm 2018, đề tham khảo năm 2019 thể hiện cụ thể như sau:

Chuyên đề

Đề 2018

Đề tham khảo 2019

Khái quát nền kinh tế - xã hội thế giới

0

0

Địa lí Khu vực và Quốc gia

6

2

Địa lí tự nhiên

2

5

Địa lí dân cư

1

2

Địa lí các ngành kinh tế

8

6

Địa lí các vùng kinh tế

8

10

Các kĩ năng địa lí

15

15

Đề thi tham khảo 2019 có mức độ dễ hơn so với đề thi 2018, những câu hỏi khó tập trung vào hai chuyên đề : Địa lí các ngành kinh tế và Địa lí vùng kinh tế. Đề thi đảm bảo 70% câu hỏi dễ và trung bình để học sinh xét tốt nghiệp.

Câu hỏi trong đề thi trải đều ở tất cả các chuyên đề lớp 12. Đối với chương trình lớp 11, các câu hỏi chỉ nằm trong chuyên đề Địa lí Khu vực và Quốc gia với 4 câu hỏi (2 câu lí thuyết + 2 câu thực hành) cụ thể là Khu vực Đông Nam Á, ít hơn so với đề thi năm 2018 có 6 câu hỏi.

Địa lí Khu vực và Quốc gia: Có 2 câu hỏi hỏi ứng với 0,5 điểm thuộc chuyên đề này, cả hai câu đều thuộc cấp độ thông hiểu.

Đây là chuyên đề trọng tâm của phần Địa lí lớp 11, và là chuyên đề duy nhất của lớp 11 xuất hiện trong đề thi.

 Nội dung chủ yếu được nhắc đến trong đề thi là về Đông Nam Á, không có những câu hỏi về các nội dung khác như Hoa Kì, Liên bang Nga, Tây Âu. Những nội dung này khá gần gũi với địa lí Việt Nam, tạo thuận lợi cho học sinh trong quá trình học tập.

Địa lí tự nhiên: Có 5 câu hỏi hỏi ứng với 1,25 điểm thuộc chuyên đề này. Trong đó, có 3 câu nhận biết, 2 câu thông hiểu, không có câu vận dụng và vận dụng cao.

So với đề thi năm 2018, số lượng câu hỏi thuộc chuyên đề này tăng từ 2 câu lên 5 câu. Nội dung câu hỏi tập trung vào vấn đề vị trí địa lý, đặc điểm địa hình và bảo vệ đất ở đồng bằng.

Đề thi THPT quốc gia 2019 môn Địa lý: Thí sinh cần phải lưu ý gì với ma trận đề?

Ảnh minh họa.

Địa lí dân cư: Có 2 câu hỏi nhận biết ứng với 0,5 điểm thuộc chuyên đề này. Câu hỏi tập trung vào vấn đề dân cư và đô thị hóa ở nước ta. Đây hai là chuyên đề ngắn nên số lượng câu hỏi luôn ít hơn những chuyên đề còn lại, so với đề thi năm 2018, lượng câu hỏi tăng từ 1 lên 2 câu. Không có câu hỏi về nội dung nguồn lao động và vấn đề việc làm.

Địa lí ngành kinh tế: Có từ 6 câu hỏi ứng với 1,5 điểm thuộc chuyên đề này. Ở chuyên đề này các câu hỏi trải đều từ cấp độ nhận thức đến vận dụng cao. So với đề thi năm 2018, số lượng câu hỏi thuộc chuyên đề giảm từ 8 xuống 6 câu.

Đây là một trong hai chuyên đề lí thuyết có số lượng câu hỏi lớn nhất của đề thi. Được xem là một chuyên đề trọng tâm nên số lượng câu hỏi giảm không đáng kể so với đề thi năm 2018. Các câu hỏi phân bổ đều vào các chuyên đề ngành nông nghiệp, thuỷ sản, du lịch, giao thông vận tải, biển đảo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ... Những vấn đề được hỏi trong đề thi đều là những vấn đề thời sự, đáng quan tâm.

Địa lí vùng kinh tế: Có 10 câu hỏi ứng với 2,5 điểm thuộc chuyên đề này. Các câu hỏi ở chuyên đề này trải đều từ cấp độ nhận thức đến vận dụng cao, không có câu hỏi nhận biết.

Cùng với chuyên đề Địa lí các ngành kinh tế, đây là chuyên đề có số lượng câu hỏi lí thuyết lớn nhất và số lượng câu hỏi vận dụng nhiều nhất. Các câu hỏi trải đều ở các nội dung, các vùng kinh tế của cả nước và cả vấn đề vùng kinh tế trọng điểm. Không có sự tập trung đặc biệt vào vùng kinh tế nào. Đề thi không xuất hiện dạng bài so sánh giữa các vùng mà tập trung vào các đặc điểm nổi bật, đặc trưng của từng vùng kinh tế.

Đối với phần câu hỏi thực hành các kĩ năng Địa lí: Có 15 câu ứng với 3,75 điểm thuộc chuyên đề này.

Các câu hỏi trải đều từ cấp độ nhận biết đến vận dụng cao.

Đây là chuyên đề có số lượng câu hỏi cao nhất trong đề thi, so với đề thi năm 2018, số lượng câu hỏi vẫn giữ nguyên, tỉ lệ phân bố câu hỏi Atlat với câu hỏi bảng số liệu, biểu đồ là 11 - 4.

Như vậy, nếu học sinh khai thác tốt Atlat thì đây được coi như phần cứu cánh giúp các em thoát điểm liệt. Những câu hỏi thực hành bao gồm cả Atlat và biểu đồ, bảng số liệu đều thuộc dạng nhận xét.

Nội dung kiến thức 11 đưa vào đề thi đảm bảo tỉ lệ như Bộ Giáo dục – Đào tạo đã công bố trước đó (kiến thức lớp 12 là chủ yếu), chiếm 10% nằm hoàn toàn trong chuyên đề : Địa lí Khu vực và Quốc gia.

Đề thi không có câu hỏi kiểm tra số liệu hay đi vào quá chi tiết, mà chủ yếu là kiểm tra đặc trưng của các đối tượng địa lí.

Thí sinh cũng lưu ý, học từ sớm vì khối lượng kiến thức lớn hơn nhiều. Không học thuộc lòng mà cần hiểu bản chất vấn đề.

Chú trọng việc rèn luyện sử dụng Atlat, nhận xét biểu đồ, bảng số liệu và nhận dạng biểu đồ. Không chỉ học qua sách vở, còn cần đối chiếu các kiến thức đã học với thực tế để ghi nhớ kiến thức lâu hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề thi THPT quốc gia 2019 môn Địa lý: Thí sinh cần phải lưu ý gì với ma trận đề?