Đề thi tham khảo môn Ngữ văn nhìn chung đảm bảo tính khoa học, nội dung giàu tính nhân văn, kết cấu chặt chẽ, logic, tính phân cấp rõ ràng, không đánh đố học sinh”. Đó là đánh giá của TS - Nhà giáo Nguyễn Trọng Đức –giáo viên trường THPT Chuyên Hà Tĩnh.
Sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề thi tham khảo lần thứ 3 kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, PV báo Công lý đã có cuộc trao đổi với TS - Nhà giáo Nguyễn Trọng Đức, (giáo viên môn Ngữ văn - trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh). Chia sẻ về đề tham khảo, TS. Đức cho biết: “Nhìn chung về cấu trúc, đề tham khảo của Bộ GD-ĐT lần này không có gì khác so với hai lần trước. Vẫn có hai phần “đọc - hiểu” và “làm văn””.
Phần “đọc - hiểu gồm” 4 câu hỏi theo mức độ tịnh tiến từ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng (tổng điểm của phần đọc - hiểu là 3,0 điểm).
Phần làm văn gồm hai bài tập: viết đoạn văn nghị luận xã hội (2 điểm) và viết bài văn nghị luận văn học (5 điểm).
Phần nghị luận xã hội yêu cầu viết đoạn văn có dung lượng 200 chữ với đề bài: “Từ nội dung đọc hiểu anh/chị hãy viết một đoạn văn khoảng 200 từ trình bày về suy nghĩ, ý nghĩa của việc tìm ra niềm đam mê thực sự của chính mình trong cuộc sống”.
Đề thi tham khảo môn Ngữ văn. Ảnh Ngô Chuyên.
“Nội dung yêu cầu của câu hỏi này hay và đòi hỏi học sinh phải tư duy khá nhiều khi làm bài. Bài tập này vừa kiểm tra năng lực tư duy vừa kiểm tra kỹ năng tạo dựng đoạn văn. Tính phân cấp vì thế biểu hiện rõ hơn một bước so với phần đọc hiểu”, TS. Đức cho biết.
Theo đánh giá của TS Đức: “Bài tập 2 của phần làm văn trong đề lần này tuy không mới, nhưng đây là dạng bài tập không dễ”.
Phân tích sâu về yêu cầu của câu hỏi này, TS Đức nói: “Câu này yêu cầu cảm nhận về một nhân Tràng trong truyện ngắn "Vợ nhặt", trên cơ sở đó bình luận về hai ý kiến nhận định. Cái đích mà bài tập yêu cầu là “bình luận về hai ý kiến” - đây mới cũng là chỗ khó trong câu này”.
“Chính chỗ khó này sẽ phân cấp hoc sinh khá, giỏi. Nhìn chung đây là bài tập yêu cầu ở mức vận dụng cao, được đặt ở cuối đề thi. Những học sinh có năng lực trung bình trở xuống không dễ có được những bình luận mang tính khái quát, sâu sắc”, TS. Đức nhấn mạnh.
Để học sinh có thời gian làm bài tốt hơn cũng như được thể hiện hết kỹ năng viết, kỹ năng sáng tạo của mình và đặc biệt để đề văn hoàn thiện hơn TS. Đức cũng đưa ra một vài kiến nghị.
“Theo quan điểm cá nhân tôi, đề sẽ hay hơn nữa nếu như thay đổi chút xíu. Cụ thể là: nếu ngữ liệu ở phần đọc - hiểu là văn xuôi thì ngữ liệu ở bài tập 2 của phần làm văn nên chọn thơ, và ngược lại. Như thế sẽ cân đối hơn. Còn về cấu trúc đề, thời điểm này không thể thay đổi được nữa. Nếu năm sau vẫn giữ cấu trúc đề kiểu này thì thiết nghĩ nên rút ngắn dung lượng câu 1 phần làm văn xuống còn khoảng 100-150 chữ là vừa, như thế học sinh có đủ thơi gian để viết sâu hơn trong quỹ thời gian 120 phút”, TS. Đức góp ý.
Về biểu điểm, theo dự đoán của TS Đức: “Mức độ đề này, dự kiến điểm liệt sẽ rất hiếm, điểm 10 chắc cũng không nhiều. Điểm dưới 5 sẽ chiếm khoảng 25%; điểm từ 5- cận 7 chiếm khoảng 40 -45%; điểm 7 - 8 chiếm khoảng 25%; điểm 9-10 khoảng 5%. Tuy nhiên đây chỉ là dự đoán, vì để dự kiến chính xác còn phải căn cứ mức độ học sinh ở nhiều vùng miền khác nhau và nhiều yếu tố nữa”.
Có thể nói, đề thi tham khảo lần này cho thấy Bộ GD-ĐT đã có sự chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi chính thức sắp diễn ra. Cách làm này sẽ giúp các nhà trường đặc biệt là các học sinh có sự chủ động trong việc ôn luyện phục vụ kỳ thi.