Tâm điểm dư luận

Để người thu nhập thấp có nhà ở

Trung Nguyễn 29/08/2023 08:56

Nhà ở xã hội là ước mơ của nhiều người dân có thu nhập thấp. Tuy nhiên, để sở hữu một căn nhà ở xã hội lại không hề đơn giản bởi ngoài những thủ tục phức tạp, giá bán nhà ở xã hội hiện nay tại nhiều khu vực được cho là quá cao so với tài chính của người có thu nhập thấp.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc quy định mức giá trần nhà ở xã hội sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng đầu cơ, nhằm đảm bảo người dân có điều kiện mua nhà với giá hợp lý. Các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương xem xét để đưa ra mức giá trần phù hợp với từng khu vực và đề xuất lên Bộ Xây dựng phê duyệt.

Nhiều chuyên gia kỳ vọng rằng sẽ có sự điều chỉnh khi Quốc hội tiếp tục đóng góp vào dự án Luật Nhà ở xã hội (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6 tới.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, mức giá bán thực tế nhà ở xã hội đã lên đến gần 30.000.000 đồng/m2. Tại Hà Nội, theo văn bản số 126/SXD-KTXD ngày 06/01/2023 của Sở Xây dựng Hà Nội về việc kết quả xác định giá bán và giá thuê nhà ở xã hội, giá bán là 19.523.116 đồng/m2 (đã bao gồm thuế VAT và chưa có chi phí bảo trì). Thế nhưng trong thực tế, ví dụ như dự án nhà ở xã hội tại đường Tố Hữu (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), giá bán gần 20.000.000 đồng/m2 là một trong những dự án nhà ở xã hội có giá bán cao nhất trên địa bàn Thủ đô từ trước đến nay.

Hiện tại, Luật Nhà ở chỉ quy định cách tính giá bán nhà ở xã hội đối với trong từng trường hợp nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư xây dựng hoặc không phải do Nhà nước đầu tư xây dựng kèm theo công thức tính, nhưng thực tế tình trạng trên vẫn xảy ra trong rất nhiều năm nay. Trong khi đó, một trong những mục tiêu quan trọng của việc xây dựng nhà ở xã hội là kéo mức giá nhà xuống mức thấp nhất có thể. Do đó, cần thiết phải đặt ra mức giá trần cho nhà ở xã hội.

Việc quy định mức giá trần nhà ở xã hội sẽ giúp ngăn chặn tình trạng đầu cơ lạm phát giá nhà, đảm bảo tính công bằng trong việc phân phối nhà ở cho người dân, đảm bảo tính khả thi của chính sách nhà ở xã hội, giúp người dân có điều kiện mua nhà với giá hợp lý; đồng thời ngăn chặn tình trạng các chủ đầu tư tăng giá nhà ở xã hội để kiếm lợi nhuận cao hơn.

Vì vậy, cần bổ sung vào Mục 2: Phát triển nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua, Chương VI: Chính sách về nhà ở xã hội của dự thảo Luật một điều khoản mới quy định về nội dung mức giá trần cho nhà ở xã hội. Theo đó, hàng năm, các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương (Uỷ ban nhân dân, Hội đồng nhân dân,…) xem xét để đưa ra mức giá trần nhà ở xã hội phù hợp với từng khu vực và đề xuất lên Bộ Xây dựng phê duyệt mức giá này.

Về xác định giá bán, giá thuê mua, giá thuê nhà ở xã hội không phải do Nhà nước đầu tư xây dựng (Điều 84 dự thảo Luật), Khoản 2 Điều 84 của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội xây dựng phương án giá bán, cho thuê mua nhà ở xã hội đảm bảo nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều này và trình cơ quan chuyên môn của tỉnh thẩm định tại thời điểm nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua nhà ở theo quy định của pháp luật nhà ở.

Theo các chuyên gia, việc xác định giá bán nhà trong dự thảo Luật đã cho phép tính đủ các chi phí để thu hồi vốn, các chi phí hợp lý hợp lệ... Tuy nhiên, việc xác định giá thuê mua, giá bán nhà ở xã hội tại thời điểm nhà ở đủ điều kiện đề bán là không sát với thực tế tại thời điểm lập hồ sơ hoàn công và quyết toán công trình đưa dự án vào khai thác vận hành.

Do vậy, đề xuất cho phép các nhà đầu tư tự quyết định giá thuê mua, giá bán nhà ở xã hội. Nhà nước thực hiện tổ chức hậu kiểm theo giá tại thời điểm lập hồ sơ hoàn công và quyết toán công trình đưa dự án vào khai thác vận hành để nhà đầu tư có thể sớm huy động vốn hoặc cho phép áp dụng giá trần.

Các chuyên gia hy vọng, việc xác định giá nhà ở xã hội sẽ khách quan, vừa khuyến khích cho các nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, vừa tạo điều kiện thuận cho người có thu nhập thấp tiếp cận được một căn nhà để ở và cũng góp phần ngăn chặn tình trạng đầu cơ, lạm phát giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để người thu nhập thấp có nhà ở