Vấn đề quan tâm

Đề nghị sửa đổi quy định về mức giảm trừ gia cảnh

Trang Nhi 11/02/2025 - 10:34

Theo Bộ Tài chính, mức giảm trừ gia cảnh cụ thể cần được nghiên cứu, tính toán một cách kỹ lưỡng, đảm bảo phù hợp với sự biến động của giá cả cũng như sự gia tăng mức sống dân cư trong giai đoạn vừa qua cũng như dự báo cho thời gian tới.

Bộ Tài chính vừa có Tờ trình Chính phủ về "Đề nghị xây dựng dự án Luật thuế thu nhập cá nhân" (thay thế). Tại tờ trình, Bộ Tài chính cho rằng mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân hiện hành được áp dụng từ năm 2020 đến nay nên cũng cần thiết phải rà soát, đánh giá lại để đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung phù hợp với các điều kiện mới.

thue-tncn-giam-tru-gia-canh.jpg
Ảnh minh họa

Bộ Tài chính dẫn số liệu từ Báo cáo khảo sát mức sống dân cư năm 2023 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố thì thu nhập bình quân đầu người/tháng của Việt Nam trong năm 2023 (theo giá hiện hành) là 4,96 triệu đồng và nhóm hộ có thu nhập cao nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất - nhóm 5) có thu nhập bình quân là 10,86 triệu đồng/tháng/người.

Theo số liệu trên, mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện nay (11 triệu đồng/tháng) là tương đương hơn 2,21 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người (cao hơn nhiều so với mức phổ biến mà các nước đang áp dụng), ngang bằng thu nhập bình quân của nhóm 20% dân số giàu nhất Việt Nam.

“Với mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng như hiện nay thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay mức 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... thì hiện nay cũng chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân”, tờ trình của Bộ Tài chính nêu.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Thu nhập cá nhân số 26/2012/QH13 (áp dụng từ 01/7/2013) quy định: Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.

Nhiều ý kiến cho rằng quy định như trên là cứng nhắc. Do đó, tại Tờ trình, Bộ Tài chính đề xuất cân nhắc nghiên cứu phương án giao Chính phủ quy định mức giảm trừ gia cảnh để đảm bảo linh hoạt, chủ động điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.

Nhiều địa phương, bộ, ngành còn kiến nghị bổ sung các khoản giảm trừ hỗ trợ chi phí giáo dục, y tế, nhà ở, bảo hiểm xã hội tự nguyện và các khoản đầu tư cho sự phát triển con người. Đồng thời, quy định bổ sung các khoản giảm trừ để hỗ trợ các trường hợp đặc biệt như người lao động là cha, mẹ đơn thân, hoặc có người thân mắc bệnh hiểm nghèo…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề nghị sửa đổi quy định về mức giảm trừ gia cảnh