Đây là đề xuất đáng chú ý của ĐBQH trong buổi thảo luận tại tại hội trường về kinh tế-xã hội của Quốc hội hôm nay (4/11).
Sắp xếp sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và đã có sự tác động sâu rộng đến các cấp ủy, chính quyền và nhân dân nhiều địa phương trên cả nước. Thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị, UBTVQH và Chính phủ, thời gian qua, các địa phương đã tích cực triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch và thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Tuy nhiên, đến nay đang có nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.
Theo Báo cáo của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, đến nay cả nước đã tiến hành sắp xếp 18 đơn vị hành chính cấp huyện, 1027 đơn vị hành chính cấp xã và giảm 6 đơn vị hành chính cấp huyện, 546 đơn vị hành chính cấp xã. Theo đó, dự kiến giảm chi lương, phụ cấp và chi hoạt động trong 5 năm tới là khoảng 1.431 tỷ đồng.
ĐB Hồ Thị Vân - Quảng Ngãi cho rằng, đây là một sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, đặc biệt là sự đồng thuận và đầy trách nhiệm của những người chịu tác động trực tiếp của chủ trương này, đó là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân ở các địa phương phải thực hiện sắp xếp, sáp nhập.
Vì vậy, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, bên cạnh việc đánh giá về số lượng đơn vị hành chính đã được sắp xếp, số lượng cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách đã được tinh giản sau khi sắp xếp cần phải đề cập và đánh giá thêm những thuận lợi, khó khăn liên quan đến đời sống người dân ở các đơn vị hành chính mới được sắp xếp, sáp nhập để từ đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Một trong những quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 37 về sắp xếp đơn vị hành chính, đó là bảo đảm phát huy hiệu quả nguồn lực của Nhà nước và xã hội cho phát triển kinh tế - xã hội trong từng địa phương và trên phạm vi toàn quốc, nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững quốc phòng, an ninh, chính trị và trật tự, an toàn xã hội, không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và cuộc sống của nhân dân.
Theo ĐB, việc sắp xếp các đơn vị hành chính đã nảy sinh một số bất cập cập trong việc thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính.
Đó là, về sắp xếp giải quyết số cán bộ dôi dư rất khó khăn. Thời gian qua, Bộ Nội vụ và các ban, ngành có liên quan đã rất tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương từng bước bố trí, sắp xếp, giải quyết số cán bộ dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính. Tuy nhiên, các quy định về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính là một nội dung chưa được đề cập một cách đầy đủ toàn diện trong các quy định hiện hành.
Vì vậy, khi giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ dôi dư theo tinh thần của Nghị định 108, Nghị định 113 của Chính phủ về tinh giản biên chế phát sinh một số điểm vướng mắc, chưa thực sự phù hợp gây khó khăn cho các địa phương. Đặc biệt là việc sắp xếp giảm số lượng cấp phó, giảm số lượng cán bộ, công chức, viên chức dôi dư là vô cùng khó khăn. Cần có thời gian, lộ trình thực hiện một cách hợp tình, hợp lý và rất khó để hoàn thành trước năm 2022 như báo cáo của Bộ Nội vụ đã nêu.
Do vậy, ĐB đề nghị đối với các đơn vị hành chính mới sắp xếp, sáp nhập, Chính phủ và các bộ ngành liên quan cần xem xét cho giãn tiến độ, thời gian thực hiện việc bố trí giảm số lượng cấp phó, giảm cán bộ, công chức viên chức và giãn lộ trình thực hiện Nghị định 34 của Chính phủ trong thời gian là 60 tháng theo đúng tinh thần Nghị quyết 653 của UBTVQH, không bắt buộc phải hoàn thành trong năm 2022.