ĐBQH lo lắng về nợ công tăng cao, áp lực trả nợ lớn

Mai Thoa| 04/11/2020 12:19
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hôm nay 4/11 là ngày làm việc thứ hai Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế-xã hội năm 2020 và định hướng 2021 và một số nội dung liên quan đến giáo dục, y tế... Các nhóm vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế và những “rào cản” được các ĐB “ưu tiên” thảo luận nhiều so với các nội dung khác.

Nợ công tăng cao, áp lực trả nợ lớn

Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến đại biểu nhất trí với Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. Về cơ bản, các báo cáo đã phản ánh đầy đủ, nhận định thẳng thắn, khách quan về những kết quả đạt được, những khó khăn, thách thức và đưa ra các giải pháp, chủ trương phục hồi kinh tế.

202011031519117548_nguyen-minh-son-doan-dbqh-tinh-tien-giang-1-.jpg
ĐB Nguyễn Minh Sơn- Tiền Giang phát biểu thảo luận

Năm 2020 có nhiều thách thức như dịch COVID-19, thiên tai liên tục xảy ra như hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, bão lũ xảy ra tại miền Trung trong thời gian gần đây nhưng đất nước vẫn đạt được những kết quả tích cực và là một trong số ít các nước đạt mức tăng trưởng dương. Các đại biểu cũng đánh giá cao công tác điều hành, quản lý nhà nước của Chính phủ trong thực hiện mục tiêu vừa chống dịch COVID-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế; do đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện.

ĐB Nguyễn Minh Sơn - Tiền Giang cho rằng, năm 2020, tăng trưởng kinh tế của chúng ta đứng thứ 2 châu Á, thứ 5 thế giới và cũng là 1 năm với nhiều biến động, với những thành tựu quan trọng đạt được đan xen với những thách thức, khó khăn, tạo nên một bức tranh với nhiều gam màu sáng, tối. Nhưng điểm sáng vẫn là nổi trội, đó là kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kịp thời hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp phải đóng cửa tạm dừng hoạt động, chờ giải thể tăng, đời sống của một bộ phận người lao động, người dân nghèo, người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, người hưởng lương hưu gặp nhiều khó khăn, túi tiền bị sụt giảm. Đây là những vấn đề cần phải được quan tâm, đánh giá sâu, kỹ lưỡng hơn.

Vì vậy, ĐB kiến nghị Chính phủ, quan tâm chỉ đạo trong thời gian tới cần hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ về xây dựng Chính phủ điện tử, bổ sung quy định cụ thể về xác thực cá nhân, tổ chức trong các giao dịch điện tử. Mặt khác, cần quan tâm việc bảo đảm an toàn, an ninh cho hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước. Quy định chặt chẽ về bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo đảm quyền riêng tư của cá nhân; đầu tư công nghệ thông tin với băng thông rộng trên phạm vi cả nước…

ĐB cũng cho rằng, nợ công năm 2020 dự kiến sẽ vượt 3,6 triệu tỷ đồng, nghĩa vụ trả nợ gốc lẫn lãi khoảng 360.000 tỷ đồng. Năm 2021 nợ công sẽ vượt mốc 4 triệu tỷ đồng, với nghĩa vụ trả nợ ngày càng lớn, dù dự báo đến cuối năm 2021 nợ công khoảng 46,1% GDP đánh giá lại và khoảng 58,6% GDP chưa đánh giá lại. Mặc dù chưa vượt trần, nhưng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách có thể vượt mức 27,4%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Với tốc độ tăng như vậy, rủi ro thanh khoản và rủi ro lãi suất đều cao hơn. Một mặt làm giảm mạnh dư địa cho nhiệm vụ chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên của ngân sách. Mặt khác, tiềm ẩn rủi ro đối với an ninh tài chính quốc gia, có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến hệ số tín nhiệm quốc gia. Đặc biệt, trong bối cảnh dư địa tăng thu ngân sách giai đoạn tới gặp khó khăn.

Do đó, cần phải có giải pháp đặc biệt quyết liệt, hiệu quả, tiết kiệm hơn trong việc sử dụng đồng vốn này.

Vẫn câu hỏi “Vì sao’?

Thảo luận vấn đề này, ĐB Vũ Tiến Lộc – Thái Bình cho rằng: Về định hướng phát triển kinh tế 5 năm tới và thúc đẩy tăng trưởng mức cao, trong khi vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô thì giải pháp của mọi giải pháp vẫn là tiếp tục cải cách thể chế, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và khơi thông các luồng vốn đầu tư. Tôi đề nghị phải quyết tâm thực hiện cho được trong nhiệm kỳ này mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm 3, 4 nền kinh tế có môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh tốt nhất trong ASEAN.

202011031552127871_vu-tien-loc-doan-dbqh-tinh-thai-binh-2-.jpg
ĐB Vũ Tiến Lộc- Thái Bình 

"Chương trình rà soát, dỡ bỏ các quy định chồng chéo, bất cập trong hệ thống pháp luật kinh doanh đã được Chính phủ khởi động, cần được triển khai khẩn trương và quyết liệt. Tôi cũng đề nghị Chính phủ có chương trình phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ nhằm đạt tới mục tiêu ít nhất có 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2025. Bên cạnh đó, thì cần có khung pháp lý và chính sách thúc đẩy sự minh bạch hóa và nâng cấp 5,4 triệu hộ kinh doanh cá thể, nơi sinh kế của hàng chục triệu đồng bào ta. Đừng để khu vực này bị bỏ lại phía sau", ĐB nói.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng - Bến Tre nhận định, qua nghiên cứu các báo cáo của Chính phủ và tiếp xúc cử tri cho thấy, đằng sau những nỗ lực của Chính phủ trong chỉ đạo điều hành và kết quả đạt được của nền kinh tế nước ta thời gian qua thì vẫn còn nhiều câu hỏi cần tìm lời giải đáp, đó là:

Vì sao Chính phủ đã căng ra để thực hiện cải cách hành chính, cắt giảm hàng chục nghìn thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, cải thiện tính liên thông,... nhưng người dân và doanh nghiệp vẫn kêu ca, phàn nàn về sự nhiêu khê, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức và các cơ quan nhà nước, vẫn phải bôi trơn cho guồng máy thủ tục;

Vì sao có rất nhiều việc Thủ tướng, Phó Thủ tướng chỉ đạo nhiều lần mà cấp dưới không nghe, không làm, không chuyển, vẫn tồn tại tình trạng trên nóng, dưới nóng, giữa lạnh băng; Vì sau tình trạng "rùa bò" trong giải ngân vốn đầu tư, mặc dù Thủ tướng chỉ đạo rất quyết liệt, vẫn không được cải thiện...

Từ đó, ĐB đề nghị Chính phủ cần ban hành Nghị quyết về một số giải pháp cấp bách khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra ở một số tỉnh miền Trung, trong đó đánh giá toàn diện các vấn đề, giải pháp huy động, phân bổ nguồn lực công bằng và xử lý tốt các vấn đề phát sinh, tránh vi phạm nếu có.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBQH lo lắng về nợ công tăng cao, áp lực trả nợ lớn