Sáng 24/3, Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã tổ chức Hội thảo “Một số định hướng cơ bản của dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi)”.
Tham dự Hội thảo có Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn, nguyên Phó Chánh án TANDTC Trần Văn Độ cùng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật hình sự. Phó Chủ nhiệm UBTP Nguyễn Công Hồng đã chủ trì Hội thảo.
Hạn chế áp dụng hình phạt tử hình
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, những định hướng cơ bản đổi mới chính sách hình sự nhằm bảo vệ, thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm khắc phục cơ bản những bất cập, hạn chế của BLHS năm 1999. Việc đổi mới chính sách hình sự theo hướng đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội; tôn trọng và đảm bảo thực thi đầy đủ các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp 2013, nâng cao tính minh bạch, khả thi và tính dự báo trong các quy định của BLHS... là điều hết sức cần thiết.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn phát biểu thảo luận
Theo PGS.TS Nguyễn Tất Viễn, Thường trực Ban chỉ đạo CCTP Trung ương, BLHS hiện hành có 22 tội danh quy định hình phạt tử hình. Việc quy định 22 tội danh có hình phạt cao nhất là tử hình như hiện nay là chiếm tỷ lệ quá cao trong tổng số các tội danh khác được quy định trong BLHS. Do đó cần giảm số lượng các tội danh có hình phạt tử hình, thu hẹp các trường hợp được phép áp dụng hình phạt tử hình. Đồng thời quy định chặt chẽ các điều kiện áp dụng hình phạt tử hình đảm bảo mang tính răn đe, trừng trị và đấu tranh phòng chống có hiệu quả các loại tội phạm.
Cụ thể, cần bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh: Tội cướp tài sản; tội Phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; tội Chống mệnh lệnh; tội Đầu hàng địch; tội Phá hoại hòa bình gây chiến tranh, xâm lược; tội Chống loài người; Tội phạm chiến tranh...
Bên cạnh đó, trước yêu cầu mới đặt ra về bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp 2013, chúng ta không bỏ hẳn mà thu hẹp, duy trì để đảm bảo tính răn đe.
Trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân
Đây là điểm mới cần bổ sung trong BLHS thu hút sự quan tâm của các đại biểu. Theo PGS.TS Trần Văn Độ, tình hình vi phạm pháp luật của pháp nhân hiện nay rất nghiêm trọng trên nhiều lĩnh vực. Trong khi thực tiễn xử lý hiệu quả không cao. Cho nên đã đến lúc cần nghiên cứu quy định TNHS của pháp nhân trong pháp luật hình sự ở nước ta. BLHS nên quy định nên quy định một hệ thống hình phạt riêng bao gồm cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung đối với pháp nhân phạm tội và trong đó chú trọng đến hình phạt về tài sản, nhất là phạt tiền. Có như vậy mới tạo khả năng cho Tòa án trên cơ sở đánh giá toàn diện các tình tiết của tội phạm và chủ thể thực hiện, quyết định loại và mức hình phạt cho phù hợp đảm bảo nguyên tắc cá thể hóa TNHS khi giải quyết từng vụ án cụ thể. Do vậy, cần bổ sung vào BLHS một chương riêng quy định đối với loại tội phạm này.
Phát biểu thảo luận, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn nhất trí với định hướng sửa đổi BLHS mà ban soạn thảo đã đề ra. Tuy nhiên, không đồng tình với quan điểm mở rộng nguồn luật theo hướng tội phạm và hình phạt có thể được quy định trong các Luật chuyên ngành khác. Tội phạm và hình phạt chỉ nên quy định trong BLHS là phù hợp với thực tế hiện nay.
Phó Chánh án Nguyễn Sơn lưu ý quy định về những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người thi hành công vụ bắt giữ đối tượng. Loại trừ trách nhiệm hình sự phải trên cơ sở có lỗi hay không của người thi hành công vụ chứ không thể quy định “cứng” như vậy, bởi rất dễ xảy ra việc tùy tiện, xâm phạm đến sức khỏe của người bị bắt tạm giữ, tạm giam.
Phó Chánh án Nguyễn Sơn cũng nhất trí với quan điểm hạn chế hình phạt tử hình và đề nghị bổ sung thêm tội cản trở hoạt động của Tòa án vào nhóm tội xâm phạm hoạt động tư pháp trong BLHS (sửa đổi).
Nguyên Phó Chánh án TANDTC Trần Văn Độ cũng đồng tình với quan điểm bổ sung trường hợp Tòa án có thể quyết định một số hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng mà không bị ràng buộc điều kiện phải trong khung liền kề nhằm khắc phục những bất cập hiện nay.
Các đại biểu cũng đề nghị cần giảm hình phạt tù, hình phạt tử hình, tăng hình phạt bổ sung ngoài tù (cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, phạt tiền...) để tăng tính răn đe, tính hướng thiện. Bởi tử hình với mục đích răn đe, thực tế đã chứng minh không hề giảm tội phạm mà để đạt được điều đó phải bắt đầu từ chính sách xã hội.
Không nên mở rộng nguồn luật Về định hướng mở rộng nguồn luật trong xây dựng BLHS (sửa đổi), PGS.TS Dương Tuyết Miên, giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội không đồng tình và cho rằng, nếu mở rộng nguồn luật thì tội phạm không chỉ được quy định trong BLHS mà còn quy định trong cả các luật chuyên ngành khác nữa. Trong khi hiện nay, chúng ta có quá nhiều luật mà ngay cả những người tiến hành tố tụng còn khó có thể nắm bắt hết được, chứ đừng nói đến người dân. |