Chính trị

Đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo vụ việc thi hành án hành chính

Duy Tuấn- Hữu Tuấn 26/11/2024 - 22:02

Trước tình trạng án hành chính chậm được thi hành, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, Bộ sẽ phối hợp với TANDTC tập trung tổng kết và đề xuất sớm sửa Luật Tố tụng hành chính để khắc phục những hạn chế về thể chế; tăng cường kiểm tra, giám sát các địa phương có nhiều án hành chính tồn đọng, kiên quyết kiến nghị và theo dõi thực hiện kiến nghị về việc xử lý trách nhiệm đối với trường hợp không thi hành hoặc chậm thi hành.

Nhiều văn bản, quyết định hành chính sai trái, vi phạm bị Tòa tuyên hủy

Thảo luận về Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2024, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho biết, tình hình giải quyết các vụ án hành chính gia tăng qua các năm. Năm 2024, các tòa án đã thụ lý 13.009 vụ, tăng 847 vụ; xét xử 10.006 vụ đạt 76,92%, vượt 16,92% so với Nghị quyết Quốc hội giao.

thang.jpg
Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng phát biểu thảo luận

Tuy nhiên, kỷ luật, kỷ cương trong thi hành án hành chính chưa nghiêm, kết quả thi hành án xong đạt 45,41%, số bản án hành chính còn tồn đọng qua các năm có xu hướng gia tăng; số bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính chưa được thi hành xong còn lớn (tăng 73,7% so với năm 2023). Nhiều trường hợp người phải thi hành án là người trong các cơ quan nhà nước đã không tự nguyện thi hành án làm cho vụ việc tồn đọng, kéo dài. Như vậy thì kỷ cương, phép nước, tinh thần thượng tôn pháp luật khó có được.

Theo Đại biểu Hoàng Đức Thắng, nhiều văn bản, quyết định hành chính sai trái, vi phạm pháp luật được tòa án xét xử tuyên hủy; nhiều vụ việc được xử lý thỏa đáng, mang lại niềm tin cho người dân.

Các vụ án hành chính là biểu hiện của sự xung đột, dồn nén lợi ích, nếu không được nhìn nhận, đánh giá, xử lý đầy đủ, lâu dần sẽ gây hệ lụy phức tạp tình hình, ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ, hình ảnh Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Khi xét xử các vụ án hành chính, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa thường có vị trí chính trị thấp hơn người bị kiện nên cũng là áp lực lớn về tâm lý

Từ những vấn đề trên đây, Đại biểu đề nghị cần quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực án hành chính vì đây là vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh, niềm tin của nhân dân với chính quyền, niềm tin với Đảng, Nhà nước và chế độ. Vụ án hành chính cũng là để củng cố niềm tin, mối quan hệ giữa Nhà nước với nhân dân nên rất cần được quan tâm đầy đủ và kịp thời.

Cùng với đó, cần tổng kiểm tra, rà soát toàn diện tình hình giải quyết các vụ việc, xét xử, thi hành án hành chính, từ đó có các giải pháp quyết liệt, tích cực tập trung giải quyết các vụ việc, vụ án tồn đọng, kéo dài. Đặc biệt quan tâm vai trò quan trọng của việc hòa giải, đối thoại tại tòa án các cấp trong xử lý vụ việc. Hiện nay, có địa phương còn nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng rất nhiều năm chính quyền địa phương, người có thẩm quyền không thi hành án. Nhiều phiên tòa rất khó khăn, trở ngại khi người bị kiện không có mặt để tranh tụng

Do vậy, cần phải xem xét nghiêm túc việc thi hành các bản án có hiệu lực pháp luật tồn đọng nhiều năm, kiên quyết khắc phục căn bệnh, tình trạng dây dưa, vắng mặt trong tham gia tố tụng tại các phiên tòa hành chính và việc thiếu trách nhiệm trong thi hành các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong các cơ quan nhà nước.

Đại biểu Thắng cũng đề nghị nghiên cứu, tổng kết sớm để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Tố tụng hành chính năm 2015 cho phù hợp với thực tiễn. Hằng năm, Chính phủ, VKSNDTC, TANDTC cần tiếp tục đánh giá đầy đủ, toàn diện, sâu sắc hơn nữa về tình hình vụ việc, tình hình án và thi hành án hành chính để Quốc hội biết và giám sát.

tqp.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phần thảo luận

Liên quan đến cơ quan xét xử, Đại biểu đề nghị tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho TAND các cấp, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ngành, nhất là đội ngũ thẩm phán ngang tầm nhiệm vụ, đủ bản lĩnh để giải quyết tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ khá phức tạp và nhạy cảm này.

Tăng cường kiểm tra, giám sát các địa phương có nhiều án hành chính tồn đọng

Giải trình, làm rõ một số vấn đề Đại biểu Quốc hội đề cập, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, số lượng án hành chính thi hành xong hàng năm tăng cao nhưng số án hành chính tồn đọng qua các năm vẫn tăng.

hai-ninh.jpg
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh giải trình, làm rõ một số vấn đề Đại biểu Quốc hội nêu

Trước tình hình đó, Bộ Tư pháp đã phối hợp với TANDTC tiến hành tổng kết Luật Tố tụng hành chính, tham mưu với Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 chỉ thị để chỉ đạo công tác thi hành án hành chính, ban hành 7 văn bản để chỉ đạo; tổ chức theo dõi đối với 100% bản án quyết định về hành chính có nội dung thi hành; tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành trung ương về thi hành án hành chính đối với 7 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; chỉ đạo làm việc với UBND của 7 tỉnh về thi hành án hành chính; ban hành 175 kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án hành chính, thi hành không đúng và không thi hành án hành chính.

Tuy có nhiều cố gắng nhưng tính đến hết tháng 9/2024 tỷ lệ thi hành án hành chính xong mới đạt 45,41%.

Số lượng bản án hành chính chưa được thi hành có nguyên nhân từ ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải thi hành án và vấn đề kỷ cương, kỷ luật trong công tác thi hành án. Ở một số địa phương, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước là bên phải thi hành trình độ, năng lực còn hạn chế, chưa dành sự quan tâm đúng mức và đầy đủ trong công tác thi hành án hành chính trên địa bàn. Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của một số cơ quan, người phải thi hành án chưa quyết liệt trong việc đôn đốc, kiểm tra cũng như xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án thuộc thẩm quyền quản lý.

Về nguyên nhân khách quan, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh đánh giá, thi hành án hành chính phải thực hiện trình tự thủ tục mất nhiều thời gian. Việc cưỡng chế thi hành án hành chính chưa được đặt ra trong quy định pháp luật hiện tại. Do đó, thi hành án hành chính là cơ chế tự thi hành phụ thuộc nhiều vào ý thức, trách nhiệm và tính tự giác của cơ quan, người phải thi hành án.

Việc xử lý trách nhiệm theo quy định phải chứng minh được lỗi cố ý không chấp hành. Nhưng có vụ việc, người phải thi hành có chỉ đạo và tổ chức thi hành án nhưng do có khó khăn, vướng mắc nhất định dẫn đến chưa thi hành xong.

Hầu hết các vụ việc khiếu kiện hành chính được tòa án đưa ra xét xử đều có nội dung phức tạp, không thể hòa giải thành, nên khi tổ chức thi hành án cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Về xử lý trách nhiệm, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cho biết, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với TANDTC tập trung tổng kết và đề xuất sớm sửa Luật Tố tụng hành chính và các văn bản có liên quan để khắc phục những hạn chế về mặt thể chế; tăng cường kiểm tra, giám sát các địa phương có nhiều án hành chính tồn đọng, kiên quyết kiến nghị và theo dõi thực hiện kiến nghị về việc xử lý trách nhiệm đối với trường hợp không thi hành hoặc chậm thi hành. Đồng thời, tiếp tục tham mưu, triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị 26, trong đó có việc đề nghị xử lý nghiêm trách nhiệm của người phải thi hành vi phạm nghĩa vụ thi hành án hành chính

Bộ Tư pháp sẽ chú trọng làm việc trực tiếp với Ban Thường vụ cấp tỉnh ủy, thành ủy để quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi hành án nói chung và án hành chính nói riêng tại địa bàn. Đề nghị đưa vào diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo đối với những vụ việc thi hành án hành chính trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo vụ việc thi hành án hành chính