Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu- Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Quốc hội tăng số lượng Thẩm phán và Kiểm sát viên trong nguồn biên chế phân bổ hiện có nhằm đáp ứng được yêu cầu giải quyết tình trạng tội phạm và tranh chấp đang gia tăng và phức tạp...
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8, sáng 26/11, Quốc hội thảo luận về Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024; Báo cáo công tác của TAND năm 2024.
Đã xử lý nghiêm minh, nhân văn nhiều vụ án tham nhũng
Theo đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu- Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh, qua nghiên cứu các báo cáo cho thấy, tình hình tội phạm tiếp tục có diễn biến phức tạp. Điều này đòi hỏi nhiều giải pháp kìm chế sự gia tăng của tội phạm.
Chính phủ, Bộ Công an, TANDTC , VKSNDTC đã triển khai nhiều biện pháp đột phá, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật; chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng do phạm tội mà có.
Kết quả năm 2024 đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra; Đã xử lý nghiêm minh, nhân văn nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế, nhiều bị cáo gây ra hậu quả đặc biệt lớn... góp phần đấu tranh có hiệu quả với tham nhũng, lãng phí.
Theo Đại biểu, nhiều vụ án tranh chấp dân sự, hành chính được các cấp Tòa án hòa giải, đối thoại thành, góp phần ổn định đời sống nhân dân để thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Đặc biệt, các cơ quan đã triển khai các nghị quyết của Đảng, Quốc hội về cải cách tư pháp; tích cực xây dựng các đề án nâng cao hiệu quả công tác xét xử, tư pháp rút gọn, xây dựng các đề án về thu hồi tài sản ...; Trình Quốc hội thông qua nhiều dự án luật giải quyết các vấn đề bức xúc của cuộc sống như Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Tổ chức TAND, Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản...; Tích cực xây dựng án lệ, ban hành nhiều nghị quyết hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật.
Đề nghị UBTVQH sớm thông qua các nghị quyết về ngạch bậc, số lượng, cơ cấu, tỷ lệ Thẩm phán
Cho rằng thời gian tới, tội phạm và tranh chấp tiếp tục có diễn biến phức tạp; đặc biệt tội phạm gia tăng cả về tính chất và số lượng, xu hướng người dân chọn giải quyết tranh chấp nhiều, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu đề nghị Quốc hội tăng số lượng Thẩm phán và Kiểm sát viên trong nguồn biên chế hiện có của các cơ quan được phân bổ.
"Với số lượng vụ việc được giao giải quyết như hiện nay, trong đó, nhiều vụ án quy mô lớn, tính chất phức tạp, hậu quả nghiêm trọng phải triệu tập, xét xử hàng nghìn người... đòi hỏi Hội đồng xét xử phải có 2 Thẩm phán để tham gia xét xử liên tục.
Với số lượng Thẩm phán hiện có không đáp ứng yêu cầu. Đề nghị UBTVQH sớm thông qua các nghị quyết về ngạch bậc, số lượng, cơ cấu, tỷ lệ Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân đã được sửa đổi bổ sung trong luật và các nghị quyết về chế độ tiền lương, phụ cấp chức vụ, chức danh tư pháp TAND, để TANDTC triển khai thi hành Luật tổ chức TAND trên thực tế"- đại biểu Thu đề nghị.
Đại biểu cũng đề nghị tiếp tục đầu tư, trang thiết bị để đảm bảo chuyển đổi số, xây dựng Tòa án điện tử, đáp ứng yêu cầu xét xử trực tuyến; Tiếp tục cải tạo, nâng cấp các trụ sở Tòa án các cấp địa phương, đặc biệt là cấp huyện, đảm bảo có phòng xét xử, hòa giải và các phòng chức năng khác theo đúng tinh thần cải cách tư pháp đề ra.
Ngoài ra, cùng với dự báo tình hình, cần đề xuất các giải pháp đột phá về phòng ngừa, xử lý hiệu quả vi phạm pháp luật. Đặc biệt, với vi phạm về đất đai, tài chính, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức hành nghề; tội phạm có tổ chức, quy mô lớn; tội phạm trên không gian mạng, tội phạm có yếu tố nước ngoài; vi phạm trong hoạt động đấu giá, đấu thầu, đầu tư ...
Tăng cường khuyến khích người dân lựa chọn hòa giải, đối thoại các vụ việc dân sự, hành chính, hạn chế các tranh chấp khởi kiện phải giải quyết bằng con đường tố tụng, cũng là hạn chế số lượng các vụ việc giải quyết của Tòa án phải thụ lý, giải quyết.