Để ngăn chặn dịch rất cần ý thức và sự đồng thuận của người dân

T. Thủy| 29/07/2021 17:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đã 6 ngày Hà Nội thực hiện Chỉ thị 17 của UBND TP về việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đây được coi là biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, chấp nhận thiệt hại nhiều mặt để ngăn chặn dịch bệnh. Tuy nhiên, trong những ngày giãn cách, vẫn còn một bộ phận người dân cố tình phớt lờ các chỉ thị, vi phạm các quy định phòng, chống dịch và điều này có thể sẽ dẫn đến hậu quả khó lường.

Từ 6 giờ sáng 24/7/2021, toàn TP Hà Nội bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 với nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; Thành phố cách ly với tỉnh; … và người dân chỉ được ra đường trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác. Điều đó có nghĩa, người dân hãy ở yên trong nhà và không ra đường khi không có việc cần thiết.

xu-phat.jpg
Không phải người dân nào cũng tuân thủ giãn cách xã hội, họ vẫn tìm mọi cách để ra đường. Ảnh Nam Nguyễn

Vậy nhưng không phải người dân nào cũng thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội, một bộ phận người dân vẫn tìm mọi lý do để ra khỏi nhà. Nếu đi tập thể dục buổi sáng lộ liễu quá thì nhiều người dậy từ lúc 3 – 4 giờ sáng để tránh lực lượng chức năng; Có người thì trèo rào vào công viên tập thể dục một lát rồi về.

Muôn kiểu chống đối của người dân, chỉ để được ra đường và tất nhiên nếu bị lực lượng phát hiện thì cách tốt nhất là… bỏ chạy. Và cái giá của việc ra khỏi nhà không lý do chính đáng là biên bản xử phạt hành chính số tiền phạt từ 1-3 triệu đồng, căn cứ vào từng hành vi.

Cầm sẵn thẻ ATM trên tay, một người đàn ông khi được lực lượng chức năng phát hiện ra đường lúc 7 giờ sáng trình bày lý do là đi rút tiền. Thế nhưng điều đáng nói, khi nhà ở đầu phố Kim Mã và ngay cạnh cây ATM thế nhưng ông lại chọn đi từ hướng cuối phố Kim Mã quay về. Và khi bị nhắc nhở, xử phạt, ông chống chế: “Tôi chỉ đi một lúc thôi”.

Một trường hợp khác ra lại đường với lý do rất khôi hài là “xem giãn cách xã hội như thế nào”? Và cái giá phải trả cho sự tò mò ấy là biên bản xử phạt 2 triệu đồng theo quy định.

Theo thống kê, trong 5 ngày đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội, lực lượng chức năng thành phố Hà Nội đã xử phạt hành chính số tiền gần 5 tỷ đồng các trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch. Riêng trong ngày thứ 5 Thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17, lực lượng chức năng phát hiện, lập hồ sơ đề nghị UBND các cấp xử phạt hành chính 898 trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch Covid-19 với số tiền hơn 1,6 tỷ đồng.

Nhìn vào các con số này có thể thấy, rõ ràng người dân đang quá chủ quan và phớt lờ chỉ thị của thành phố, và tương ứng với số tiền phạt này thì chắc chắn số trường hợp vi phạm không phải là hiếm.

Trung tá Nguyễn Đức Quý, Trưởng Công an phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình, TP Hà Nội) cho biết, người dân đưa ra rất nhiều lý do. Khi bị kiểm tra thì rẽ đường khác để tránh lực lượng chức năng. Theo Trung tá Quý, người dân nếu không tuân thủ, cố tình vi phạm quy định giãn cách thì lực lượng chức năng cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Bị xử lý hành chính là một chuyện, thế nhưng việc ra đường không cần thiết vào lúc này còn mang lại hậu quả nghiêm trọng hơn, đó chính là nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh, và có thể chọc thủng tấm khiên bảo vệ thủ đô trước đại dịch, mà Hà Nội đang nỗ lực xây lên.

xu-phat2.jpg
Các mức xử phạt vi phạm Chỉ thị 16. Ảnh Nam Nguyễn

Từ khi dịch bùng phát lần thứ 4 đến nay, HN ghi nhận gần 1000 ca mắc, trong đó gần 600 ca ghi nhận trong cộng đồng. Và đến thời điểm hiện tại, mỗi ngày vẫn có hàng chục ca mắc mới, nhiều F0 không có triệu chứng và không rõ nguồn lây. Việc ban hành chỉ thị giãn cách cho thấy Hà Nội vô cùng ráo riết, quyết liệt trong vấn đề phòng chống dịch bệnh. 22 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ ra vào thủ đô; Hơn 1600 chốt kiểm tra người dân ra đường không lý do. Hàng nghìn giường bệnh, trang thiết bị được chuẩn bị sẵn tại các bệnh viện dã chiến, lực lượng y tế luôn đặt mình trong trạng thái động, sẵn sàng cho kịch bản xấu nhất. Toàn thành phố đang căng mình chống dịch mỗi ngày. Thế nhưng, trong cuộc chiến ấy, nếu không có sự đồng thuận của người dân, mọi nỗ lực, đều có thể trở thành vô nghĩa.

Thiếu tá Phạm Tất Hoàng, Phó Trưởng Công an phường Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) chia sẻ: "Chúng tôi hy vọng người dân tin tưởng vào các quyết sách của Ban chỉ đạo, yên tâm và mong người dân hạn chế ra đường lúc này".

Các biện pháp, quy định của các cơ quan chức năng, Nhà nước đề ra đều dựa trên cơ sở khoa học chuyên ngành và thực tiễn tình hình, điều kiện của từng địa phương. Nhưng để thành công thì quyết định đưa ra phải được đồng thuận thực hiện. Mỗi người dân cũng chính là một chiến sĩ. Toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, các lực lượng phơi sương dãi nắng cắm chốt, tuần tra suốt ngày đêm, có những y bác sĩ đã gần 2 tháng không được về nhà vì trước mắt họ trận chiến này đang rất cam go. Tin tưởng và thực hiện, người dân hãy ở nhà, để họ cũng được trở về nhà. Tuân thủ không phải chỉ vì mỗi người, mà còn là vì cả cộng đồng, cả đất nước và để ngày chiến thắng sẽ không còn xa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để ngăn chặn dịch rất cần ý thức và sự đồng thuận của người dân