Văn hóa - Du lịch

Để du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long cất cánh

Phú Khởi 19/09/2024 - 10:07

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có hệ sinh thái đa dạng với nhiều tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch văn hóa cộng đồng..., tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, ngành du lịch vùng này đang phát triển dưới tiềm năng; thiếu nhà đầu tư chiến lược, tầm cỡ tham gia đầu tư kinh doanh trên lĩnh vực này.

Dư địa lớn

Theo Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 509/QĐ-TTg ngày 13/6/2024, vùng ĐBSCL sẽ tập trung phát triển các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác thế mạnh từ hệ sinh thái sông nước, cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên du lịch biển, đảo, di tích lịch sử văn hóa cùng các giá trị văn hóa truyền thống đa dạng.

Ưu tiên phát triển các sản phẩm mang đặc trưng riêng của vùng: du lịch sông nước miệt vườn; tìm hiểu di sản văn hóa; du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, vui chơi giải trí. Trong đó, TP Cần Thơ và TP Phú Quốc (Kiên Giang) được xác định là 2 trong số 11 trung tâm phát triển du lịch của cả nước.

a1.jpg
Du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái miệt vườn là thế mạnh của vùng ĐBSCL

Các địa phương còn lại phát triển theo mô hình liên kết cụm: An Giang - Đồng Tháp - Long An; Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng; Kiên Giang - Cà Mau.

Khu vực động lực phát triển du lịch Cần Thơ - Kiên Giang - Cà Mau, thúc đẩy phát triển du lịch toàn bộ vùng ĐBSCL, gắn kết phát triển du lịch với hành lang kinh tế ven biển thuộc hành lang kinh tế phía Nam.

Liên kết với vùng ĐBSCL với vùng Đông Nam Bộ theo các hành lang du lịch Bắc - Nam, phía Đông và phía Tây, với Campuchia, Thái Lan theo hành lang ven biển phía Nam (Hà Tiên - Rạch Giá - Cà Mau).

Theo TS Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, vùng ĐBSCL sở hữu tài nguyên du lịch tự nhiên khá đa dạng, phong phú, với 4 vùng sinh thái đặc trưng là: khu vực ngập nước Đồng Tháp Mười; khu vực ven biển hạ lưu sông Tiền, sông Hậu với hệ thống cồn, cù lao; khu vực tứ giác Long Xuyên trù phú gồm An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ và khu vực bán đảo Cà Mau đặc sắc với rừng ngập mặn ven biển.

Tài nguyên du lịch biển, đảo của vùng ĐBSCL tập trung chủ yếu ở Kiên Giang với trọng tâm là thành phố đảo Phú Quốc cùng với các đảo, quần đảo ven bờ của huyện Kiên Hải, TP. Hà Tiên và Mũi Cà Mau.

Tài nguyên du lịch núi, rừng: Vùng ĐBSCL có 3 khu dự trữ sinh quyển, 5 vườn quốc gia, 3 khu bảo tồn tự nhiên, 3 khu bảo tồn loài, 7 khu bảo vệ sinh cảnh và 1 khu rừng nghiên cứu thực nghiệm khoa học.

Tài nguyên du lịch tự nhiên nổi bật nhất tạo nên giá trị đặc thù, khác biệt của vùng ĐBSCL so với các vùng khác trong cả nước là cảnh quan sông nước - miệt vườn gắn với hạ lưu sông Mekong với 9 nhánh cửa sông đổ ra biển và hệ thống kênh rạch chằng chịt, các cồn, cù lao, miệt vườn, đồng ruộng và vườn cây ăn trái tại các vùng ven sông, cù lao.

a2.jpg
Du khách trải nghiệm du lịch tại ĐBSCL

Tài nguyên du lịch văn hóa vùng ĐBSCL cũng khá độc đáo, đặc biệt là văn hóa truyền thống của người dân Nam bộ gắn với đời sống sinh hoạt, sản xuất miền sông nước. ĐBSCL là nơi giao thoa giữa các nền văn hóa Kinh – Hoa – Khmer - Chăm. Đây là yếu tố hết sức quan trọng tạo nên những giá trị văn hóa đặc sắc, đa dạng tại vùng này.

Nhiều điểm nghẽn được tháo gỡ

Khó tiếp cận đất đai, hạ tầng giao thông kết nối còn hạn chế và thiếu nguồn nhân lực qua đào tạo chính là 3 điểm nghẽn lớn nhất trong phát triển du lịch tại vùng ĐBSCL. Những điểm nghẽn này đã dẫn đến hệ lụy, thời gian qua khu vực này thiếu vắng nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào du lịch, vì thế mà thiếu sản phẩm du lịch mới; sản phẩm du lịch còn đơn điệu, trùng lắp, chưa hấp dẫn du khách.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại theo các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, các điểm nghẽn trên đang lần lượt được Chính phủ, bộ, ngành và các địa phương tập trung để khơi thông, tạo tiền đề cho ngành du lịch của vùng “cất cánh”.

Theo ông Đặng Quốc Khởi, Chánh án TAND tỉnh Bạc Liêu, nhiều điểm du lịch tại ĐBSCL được đầu tư xây dựng trên đất nông nghiệp, đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ nên dẫn đến việc sử dụng đất sai mục đích. Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2024 đã cho phép sử dụng đất kết hợp đa mục đích. Trong đó cho phép đất nông nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, đây là cơ sở pháp lý mở ra cơ hội để người dân xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, phát triển mạnh mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái để cải thiện thu nhập.

a3.jpg
Du lịch ĐBSCL sẽ khởi sắc với những dự án du lịch “tỷ đô” được đầu tư tại đây

Về điểm nghẽn nguồn nhân lực: Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, hiện nay cả nước có trên 1,3 triệu lao động du lịch, chiếm khoảng 2,5% tổng lao động cả nước và chỉ 42% được đào tạo về du lịch, 38% được đào tạo từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy mà chỉ được huấn luyện tại chỗ.

Trong đó vùng ĐBSCL tổng lao động du lịch chiếm khoảng 150.000 người, với số lượng lao động đã qua đào tạo chiếm khoảng 49%, lao động có trình độ đại học và sau đại học chiếm tỷ lệ khoảng 8%. Như vậy, nguồn nhân lực du lịch qua đào tạo tại khu vực ĐBSCL đã có sự cải thiện đáng kể so với thời gian trước đây.

Về hạ tầng giao thông: Với địa hình có nhiều sông ngòi, kênh rạch, giao thông đường thủy tiếp tục là thế mạnh trong phát triển loại hình du lịch đi thuyền trên sông, tham quan các khu vườn cây ăn trái, cánh đồng lúa, trang trại nuôi cá ven sông.

Về đường hàng không: Khu vực ĐBSCL có 2 sân bay quốc tế là Phú Quốc và Cần Thơ; 2 sân bay nội địa là Cà Mau, Rạch Giá đã tương đối đáp được ứng yêu cầu phát triển du lịch trong giai đoạn hiện tại.

Về giao thông đường bộ của vùng ĐBSCL trước đây được xem là yếu nhất cả nước thì nay cũng đã có nhiều cải thiện. Đặc biệt là đường cao tốc từ TPHCM về đến Cần Thơ đã giúp sự di chuyển của du khách ở trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước về miền Tây chỉ mất hơn 2 giờ ngồi xe, đây là sự cải thiện đột phá về giao thông tại khu vực ĐBSCL.

Sắp tới các đường cao tốc trục dọc, trục ngang như: cao tốc Cần Thơ – Cà Mau; cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng được đưa vào sử dụng thì việc di chuyển trong nội bộ các tỉnh miền Tây và kết nối miền Tây với TPHCM các tỉnh miền Đông thuận lợi, nhanh chóng, đây là điều kiện tốt để vực dậy tiềm năng du lịch tại vùng đất “chín rồng”.

Tín hiệu khởi sắc

Theo đánh giá của Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, thời gian qua, hoạt động du lịch ĐBSCL đã có những chuyển biến tích cực; các dịch vụ du lịch, sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng có chất lượng hơn. Trong 6 tháng đầu năm 2024, hoạt động kinh doanh du lịch của khu vực ĐBSCL đã có bước tiến triển khá tốt. Cụ thể tổng số lượt khách đến ĐBSCL là gần 30 triệu lượt, tăng 11,20% so với cùng kỳ 2023; tăng 33,56% so với cùng kỳ 2019 (thời điểm chưa bị ảnh hưởng của dịch COVID-19).

Đáng chú ý, khách quốc tế đến vùng này trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt trên 1,3 triệu lượt, tăng gần 40% so với cùng kỳ; khách nội địa đạt gần 29 triệu lượt, tăng trên 10% so với cùng kỳ; tổng thu từ hoạt động du lịch đạt gần 35.000 tỷ đồng, tăng hơn 33% so với cùng kỳ 2023. Qua đó cho thấy, toàn ngành du lịch ĐBSCL đã có sự hồi phục và phát triển mạnh mẽ sau dịch COVID-19.

Ông Phan Đình Huê, Chủ tịch Công ty Dịch vụ Du lịch Vòng tròn Việt cho rằng, khu vực ĐBSCL có tiềm năng lớn nhất là du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái. Thời gian gần đây, loại hình du lịch này đang phát triển mạnh, tạo nên sắc thái riêng cho du lịch vùng ĐBSCL.

Đồng tình với quan điểm đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cho biết, Hậu Giang tuy là một tỉnh thuần nông nhưng cũng đã xác định du lịch là một trong 4 trụ cột phát triển của địa phương và du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch xanh là định hướng mà địa phương đang tập trung khai thác.

a4.jpg
Du lịch ĐBSCL có nhiều tiềm năng, lợi thế

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư do địa phương tổ chức, tỉnh Hậu Giang và Tập đoàn SunGroup đã ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư khai thác du lịch tại khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng với diện tích 2.800ha.

“Hiện nay, Tập đoàn SunGroup đang phối hợp cùng với địa phương nghiên cứu, đề xuất dự án. Khi dự án khu du lịch sinh thái quy mô lớn này được đưa vào khai thác khu vực ĐBSCL sẽ có thêm một khu du lịch có tầm cỡ để thu hút khách du lịch về với vùng đất này ngày càng nhiều hơn”, người đứng đầu chính quyền tỉnh Hậu Giang kỳ vọng.

Cũng tại tỉnh Hậu Giang, mới đây Tập đoàn Vingroup đã đến địa phương để tìm hiểu môi trường đầu tư, đề xuất tiếp cận dự án thành phố du lịch nghỉ dưỡng Mekong, tại huyện Châu Thành với diện tích 3.000ha, tổng mức đầu tư dự kiến lên đến 6 tỷ USD.

Thời gian qua, ngành du lịch ĐBSCL đã nỗ lực phấn đấu vươn lên và đã đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ, nhưng tốc độ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, trong đó có những hạn chế và khó khăn nhất định về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và thực thi pháp luật về du lịch.

Nhằm lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, các nhà quản lý; các chuyên gia, các viện, trường đại học, cao đẳng du lịch và các tổ chức kinh doanh du lịch tại ĐBSCL trong việc đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thực thi pháp luật về du lịch tại ĐBSCL, ngày 20/9 tới đây, tại TP Cần Thơ xinh đẹp và giàu lòng mến khách, Báo Công lý - Cơ quan ngôn luận của TANDTC phối hợp với Hiệp hội Du lịch ĐBSCL tổ chức Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực và nâng cao thực thi pháp luật về du lịch tại ĐBSCL”.

Hội thảo sẽ lắng nghe nhiều tham luận của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học.... các ý kiến trao đổi của các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch; các công ty, đơn vị lữ hành; các khu du lịch, điểm du lịch.

Hội thảo có sự đồng hành của các đơn vị:
1. Công ty TNHH Thẩm mỹ Linh Anh Sai Gon
2. Tập đoàn Vingroup-Công ty CP
3. Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Kim Thủy Lâm
4. Công ty CP Dược phẩm FPT Long Châu
5. Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long cất cánh