ĐBQH: Việt Nam cần công bố hết dịch COVID-19 trong nước với 3 tiêu chí

Ngọc Mai| 15/06/2020 10:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại phiên thảo luận Quốc hột sáng nay (15/6), ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành uỷ TPHCM cho rằng, Việt Nam cần công bố hết dịch ở trong nước với 3 tiêu chí: tỷ lệ người nhiễm, tỷ lệ người đang điều trị và không có người chết.

Sáng nay, Quốc hội tiếp tục ngày thứ 2 thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước.

Cần công bố hết dịch trong nước với 3 tiêu chí

ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP Hồ Chí Minh) trình bày trước Quốc hội với chủ đề Việt Nam có thể và cần lập trình quá trình mở lại nền kinh tế, chủ động bảo vệ năng lực sản xuất kinh doanh trong nước, phát huy động lực kép và sức mạnh Việt Nam để phát triển kinh tế, ổn định xã hội.

ĐBQH: Việt Nam cần công bố hết dịch COVID-19 trong nước với 3 tiêu chí

ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP Hồ Chí Minh): Chúng ta cần công bố hết dịch ở trong nước với 3 tiêu chí

Đại biểu đoàn TP Hồ Chí Minh trình bày 2 nội dung chính, đó là nhận thức về lây nhiễm về dịch COVID-19 sau 6 tháng dịch trên thế giới và những việc Việt Nam cần làm.

Về nhận thức đại biểu cho biết, ngày 11/1/2020 người nhiễm đầu tiên chết ở Trung Quốc; ngày 25/1 có 10 0000 nhiễm ở Trung Quốc; ngày 28/1 có 100 người chết. Lúc đó thế giới chưa biết đặt tên virus là gì. Đến ngày 1/2, Trung Quốc có 12.000 người nhiễm, 1000 người chết. WHO công bố virus corona là nguy cơ dịch toàn cầu nhưng khuyến cáo chưa phải hạn chế đi lại giữa các quốc gia.

Đến tháng 3, các nước EU, Singapore vẫn tranh luận có cần đeo khẩu trang hay không thì cho rằng chưa cần đeo. Ngày 11/3, WHO công bố dịch toàn cầu, lúc đó có 117 nước có ca nhiễm với 118.000 người nhiễm, 4.240 người chết. Tức bình quân 1 nước có 1000 người nhiễm vào thời điểm dịch toàn cầu và có 37 người chết. Thời điểm này, Tổng thống Mỹ cũng coi dịch không phải là vấn đề quan trọng với Mỹ.

Sau 3 tháng đầu năm 2020 thế giới đã trải qua một giai đoạn 1 chưa và 3 không (chưa biết đặt tên virus; không cần đeo khẩu trang, không hạn chế đi lại giữa các nước, không hạn chế chế tiếp xúc đóng cửa các trường học tại mỗi quốc gia. Kết quả là dịch đã bùng phát tại Trung Quốc tháng 1,2,3; ở châu Âu tháng 3,4,5; Bắc Mỹ tháng 4,5,6; Nam Mỹ đang diễn ra và châu Phi chưa biết bao giờ có dịch lớn. 

Từ những phản ánh trên đại biểu đoàn TP Hồ Chí Minh cho rằng sau 6 tháng dịch toàn cầu, có thể rút ra 4 nhận thức về quy luật lây nhiễm và phát triển dịch là phải đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc, rửa tay sát trùng, thực hiện cách ly triệt để.

4 giai đoạn lây nhiễm ở các nước là: “Giai đoạn 1 lây nhiễm tăng chậm, 30 ngày mới có 100 người nhiễm, các quốc gia không sợ; giai đoạn 2 từ 100 ca đến 1000 ca cần 10 ngày lây nhiễm, nhiều quốc gia bắt đầu sợ; từ 1000 đến 32.000 người nhiễm chỉ cần trong 15- 30 ngày, các quốc gia sợ.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết thêm, hiện nay thế giới có 4 nhóm nước trong trạng thái nhiễm và có dịch: Nhóm 1 là các nước ở giai đoạn 2 tăng tốc lây nhiễm và như Mỹ, Nga, Brazil, Ấn Độ... và chưa chuyển giai đoạn. Nhóm 2 là các nước ở giai  đoạn 3, tức có ca nhiễm tăng cao đạt đỉnh và giảm dần như Đức, Pháp, Ý... nhưng chưa an toàn. Nhóm 3 là các nước đạt an toàn, bình quân dưới 10 người nhiễm trên 1 triệu dân như Lào, Campuchia. Nhóm 4 là những nước chưa bao giờ đạt ngưỡng 1000 ca nhiễm/1 triệu dân, thực tế là an toàn từ đầu như Việt Nam, Myanmar.

Cũng theo đại biểu, hôm nay khi đang nói những điều này, thế giới có 8 triệu người nhiễm virus, tức là thế giới đang tiếp tục ở giai đoạn tăng trưởng không hề suy giảm, chưa đạt đỉnh. Việt Nam ngay từ tháng 1/2020, Đảng và Chính phủ đã chỉ đạo từ bài học của phòng, chống SART và dịch SART, phải giám sát chặt chẽ quá trình diễn ra dịch ở Trung Quốc để có các biện pháp kịp thời... Việt Nam cũng đã thảo luận các vấn đề "Có đi học lại hay không?", "Cách ly những người lây nhiễm như thế nào?"; "Có đeo khẩu trang hay không?"...  Việt Nam do những chỉ đạo và triển khai từ sớm nên đã kiểm soát dịch tốt. Tổng số người nhiễm chưa bao giờ đạt 1000 người (thực tế đến nay là 332 người, thấp hơn nhiều so với ngưỡng 1000 người khi thế giới công bố dịch).

Về việc Việt Nam cần làm hiện nay, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân phân tích chúng ta có quan hệ kinh tế với nhiều nước nhưng chỉ có 17 nước có quan hệ đối tác quan trọng nhất, quyết định 90% đầu tư nước ngoài, 80% thương mại quốc tế và 80% khách du lịch đến Việt Nam, nên đề nghị cần giám sát và lập trình mở cửa với 17 nước này theo lộ trình, thoả thuận 2 bên.

Từ tháng 5 đến tháng 8 năm nay, 10/17 nước này sẽ không còn dịch ở tiêu chí dưới 10.000 người đang điều trị trên 1 triệu dân, trong đó có: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Hồng Kông, Đức, Úc… Vì vậy, Việt Nam cần phân công cụ thể lập lộ trình mở cửa với 10 nước này. 7 nước còn lại chưa đến độ an toàn như Ấn Độ, Mỹ, Singapore… thì phải theo dõi để khi họ có điều kiện thì thiết lập ngay. 

Theo đại biểu Nhân, dự báo rất cần quan tâm là đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm nay nhiều khả năng giảm 30% so với năm ngoái, thương mại quốc tế giảm 18% và du lịch giảm 50%. Từ đó chúng ta cần có sự điều chỉnh phù hợp.

Trên tinh thần đó đại biểu Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị, với kết quả chống dịch thời gian qua của Việt Nam, chúng ta cần công bố hết dịch ở trong nước với 3 tiêu chí. Một là tỷ lệ người nhiễm trên 1 triệu dân không quá 5 người (hiện ta chỉ có 3,1 người nhiễm/1 triệu dân); hai là tỷ lệ người đang điều trị không quá 1 người trên 1 triệu dân (thực tế chỉ có 0,2 người) và thứ ba là không có người chết.

Từ những phản ánh và phân tích trên, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho biết đã đề xuất 9 nhóm giải pháp (những giải pháp này sẽ được gửi tới các đại biểu Quốc hội do thời gian có hạn không kịp trình bày). 

"Chúng ta bằng lộ trình mở cửa từng bước, có mức độ với các nước để có thể vừa khai thác thị trường đầu tư nước ngoài, đồng thời khuyến khích khai thác thị trường và đầu tư trong nước, phát huy 3 sức mạnh của Việt Nam là sức mạnh văn hoá, chính trị và kinh tế", đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Có Nghị quyết riêng về phục hội nền kinh tế

Cũng liên quan đến vấn đề phòng, chống dịch và quay trở lại trạng thái "bình thường mới" để phục hồi nền kinh tế, cho biết đã vào tâm dịch ở Bạch Mai chia sẻ với các bác sỹ; đi một số tỉnh giám sát cá nhân về công tác phòng chống dịch, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) thấy rằng, chúng ta đã hưởng ứng rất tốt lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Qua đây, nhận thấy tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của đồng bào cả nước.

ĐBQH: Việt Nam cần công bố hết dịch COVID-19 trong nước với 3 tiêu chí

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) phát biểu sáng ngày 15/6

Trên tinh thần ghi nhận thành công trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã được khẳng định, tuy nhiên theo đại biểu Nhưỡng điều quan trọng nhất là bây giờ chúng ta quay trở lại phục hồi, tạo sức bật cho nền kinh tế đã sa sút rất nghiêm trọng trong thời gian vừa qua.

Từ đó, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề xuất Quốc hội bổ sung vào kỳ họp thứ 9 một Nghị quyết riêng, hoặc một nội dung vào Nghị quyết của chương toàn bộ kỳ họp về việc phục hồi nền kinh tế để đồng hành cùng Chính phủ, Nhân dân.

Đại biểu cũng khẳng định đây là vấn đề rất quan trọng cần phải có nội dung rất rõ ràng.

Cùng với đó, đại biểu Nhưỡng cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ tối đa, nới lỏng các "dây buộc" cho các doanh nghiệp.  

Cũng liên quan đến việc phục hồi nền kinh tế, ĐBQH Nguyễn Thanh Hiền (đoàn Nghệ An) cũng cho rằng, với báo cáo của Chính phủ cũng với những thành công của Chính phủ trong phòng, chống COVID-19, thì kết quả thu ngân sách trong 4 tháng đầu năm của Việt Nam đạt 32,5% dự toán và tăng trưởng quý 1 đạt 3,82 %. Đây là mức khả quan của tình hình khu vực và thế giới. Điều quan trọng là trong khi các nước đang phải tập trung phòng chống dịch, phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn, thì những kết quả đó chính là cơ hội để chúng ta phát triển kinh tế nhanh hơn có điều kiện để rút ngắn khoảng cách so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBQH: Việt Nam cần công bố hết dịch COVID-19 trong nước với 3 tiêu chí