ĐBQH: Việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung không được kéo dài

Ngọc Mai| 30/10/2018 17:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Quan điểm của Uỷ ban Tư pháp là phải chấp hành đúng Nghị quyết của Quốc hội, việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung không được kéo dài, ĐBQH Lê Thị Nga nêu rõ khi tranh luận lại giải trình của Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí.

ĐBQH: Việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung không được kéo dài

ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm

"Cái gì chưa đúng, chưa hợp lý thì phải sửa cho dân nhờ"

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Đoàn Hà Nội): Còn 11.714 tội phạm truy nã đang trốn ngoài vòng pháp luật. Bộ trưởng Công an cho biết giải pháp nào để giảm mối nguy hại này?

Vừa qua Công an Cần Thơ nhân vụ “mua 100 USD bị phạt 90 triệu đồng” đã khám nhà, tịch thu tài sản được cho là bất hợp pháp thì có đúng luật pháp không?

Liên quan đến số tội phạm truy nã,  Bộ trưởng Công an Tô Lâm giải trình: Số đối tượng truy nã còn trên 11.700 là số lượng lớn. Chúng tôi nhận thức rằng để như vậy sẽ gây hành vi nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng kết quả điều tra tội phạm cũng như chưa đảm bảo sự nghiêm minh.

Chúng tôi sẽ tăng cường công tác quản lý dân cư, cư trú, nắm người nắm hộ ngay từ cơ sở. Biện pháp này trong lực lượng làm rất cơ bản, vừa qua được tăng cường và đang cải cách trong quản lý giấy tờ tuỳ thân để không thể làm giả giấy tờ. Cùng với đó là tăng cường thông tin tội phạm, trước hết trong lực lượng, khi phát hiện trốn nã thì có thông báo rộng rãi.

Các lực lượng phải thực hiện truy nã tội phạm. Trước đây có lực lượng chuyên trách truy nã nhưng không thể đủ sức bao quát toàn bộ nên vừa qua có sửa đổi quy định không có lực lượng này nữa mà lực lượng nào chịu trách nhiệm về đối tượng thì truy nã tới cùng.

Lực lượng cũng phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, đặc biệt không cho trốn ra nước ngoài, như phối hợp với Biên phòng, tăng cường hợp tác quốc tế với nước xung quanh. Việc xúc tiến đẩy mạnh hợp tác dẫn độ tội phạm trong phạm vi các nước ASEAN cũng được tiến hành và đang trong đàm phán, rồi sẽ mở rộng ra nước khác trên phạm vi toàn thế giới. Cùng với đó là áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường phát động quần chúng phát hiện.

Về vụ việc “đổi 100 USD” ở Cần Thơ thì trưa 30/1, Phòng cảnh sát kinh tế bắt quả tang ông Lê Hồng Lực - Giám đốc Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực (chủ tiệm vàng ) - đang mua 100 USD của Nguyễn Cà Rê với giá 2.260.000 đồng.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, từ căn cứ trên, công an đã tiến hành khám xét nơi cất giấu tang vật... Qua khám xét đã tạm giữ trên 1000 sản phẩm và sổ sách. Ông Lợi không xuất trình được hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc sản phẩm, không có giấy phép thu mua ngoại tệ.

Công an Cần Thơ có đủ căn cứ chứng minh vi phạm và tham mưu cho UBND TP Cần Thơ ra quyết định xử phạt hành chính với doanh nghiệp. Công ty và gia đình ông Lực đã thi hành xong quyết định xử phạt, không có khiếu nại.

ĐBQH: Việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung không được kéo dài

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đưa ra ý kiến về vụ “mua 100 USD bị phạt 90 triệu đồng” 

Liên quan vụ “mua 100 USD bị phạt 90 triệu đồng” đã khám nhà, tịch thu tài sản Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đưa ra ý kiến chủ toạ: Có Nghị định xử phạt nhưng tính chất là người dân có 100 USD đi đổi. Có vi phạm nhưng NHNN cần xem xét sửa lại Nghị định.

Việc khám xét nhà phải đúng luật, đúng thời gian. Vụ việc này được báo chí và dư luận rất quan tâm. Đề nghị Bộ trưởng, Thống đốc NHNN chỉ đạo, thực hiện đúng pháp luật nhưng cái nào chưa hợp lý thì sửa cho dân nhờ.

Việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung không được kéo dài

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Đoàn Hà Nội) cũng có câu hỏi đối với Viện KSNDTC: Vụ chạy thận nhân tạo ở Hoà Bình đã 3 lần thay đổi tội danh thì chất lượng kiểm sát, điều tra ở đây thế nào?

Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí cho biết: Vụ chạy thận ở Hoà Bình là vụ án phức tạp, hậu quả nghiêm trọng khi 9 người chết. Trách nhiệm của cơ quan tố tụng là chứng minh bản chất tội phạm. Quá trình tố tụng, xác định tội danh, đánh giá chứng cứ và xác định khung hình phạt có thể thay đổi khi xuất hiện yếu tố mới.

Vụ này có những đối tượng, bị can phản cung; phát sinh, phát hiện tài liệu chứng cứ nghi vấn cần làm rõ nên việc điều chỉnh tội danh là đảm bảo đúng bản chất vụ án, đó cũng là lẽ đương nhiên với vụ án phức tạp như thế này.

Tranh luận lại với Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí về việc trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung và vụ việc bác sỹ Hoàng Công Lương đại biểu Lê Thị Nga cho rằng: Việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung là việc mà pháp luật cho phép nhưng có giới hạn, có điều kiện vì nó liên quan đến thời hạn tạm giam, thời hạn áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng như hoãn xuất cảnh, kê biên, phong toả tài khoản và một số biện pháp hạn chế quyền công dân, ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, Quốc hội mới có Nghị quyết 55 yêu cầu hạn chế đến mức thấp nhất việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.

ĐBQH: Việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung không được kéo dài

ĐBQH Lê Thị Nga: Quan điểm của Uỷ ban Tư pháp là phải chấp hành đúng Nghị quyết của Quốc hội, việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung không được kéo dài

Đại biểu Lê Thị Nga khẳng định, Viện Kiểm sát trả hồ sơ cho cơ quan điều tra nhiều chứng tỏ chất lượng điều tra còn hạn chế, toà án mà trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát nhiều chứng tỏ chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra trong giai đoạn điều tra còn hạn chế.

Báo cáo của Uỷ ban Tư pháp cho thấy số lượng vụ án Toà án trả lại Viện Kiểm sát nhiều gấp hai lần số vụ Viện kiểm sát trả hồ sơ cho cơ quan điều tra chứng tỏ chất lượng thực hành quyền công tố còn hạn chế.

Vụ bác sĩ Hoàng Công Lương, sau khi Toà án trả hồ sơ thì Viện kiểm sát phải chuyển cơ quan điều tra khởi tố thêm 2 bị can là Hoàng Đình Khiếu và Trần Văn Thắng. Điều này chứng tỏ Viện Kiểm sát trước đó trong giai đoạn truy tố đã bỏ lọt người phạm tội. Hay vụ Trần Huy Liệu, tố tụng kéo dài 7 năm, 6 lần trả hồ sơ, Toà trả 3 lần, Viện Kiểm sát trả 3 lần, thời hạn tạm giam kéo dài.

Quan điểm của Uỷ ban Tư pháp là phải chấp hành đúng Nghị quyết của Quốc hội, việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung không được kéo dài, bà Nga nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBQH: Việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung không được kéo dài