ĐBQH và những phát ngôn làm trăn trở nghị trường

Mộc Miên| 29/10/2022 13:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, trong 2 ngày 27 và 28/10 Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về tình hình KT-XH và NSNN. Phiên họp khắc hoạ bức tranh về kết quả kinh tế-xã hội năm 2022 cùng những khó khăn thách thức năm tới. Ấn tượng trong đó là những phát ngôn thẳng thắn, sắc sảo, đầy tâm huyết của nhiều ĐBQH khiến chúng ta không thể không lưu tâm.

nhung-phat-ngon-lam-tran-tro-nghi-truong.jpeg
Hình ảnh về các đại biểu tham gia phiên thảo luận tại hội trường ngày 27 và 28/10. Ảnh. Quốc hôi

ĐBQH Nguyễn Huy Thái (đoàn Bạc Liêu): "Cử tri đang rất lo lắng về tình trạng lương chưa tăng mà giá cả đã "nhanh chân mà chạy trước". Rồi, câu chuyện giá - lương - tiền, cái nào đứng trước cái nào để có lợi nhất cho người lao động luôn là câu chuyện người lao động tha thiết quan tâm. Lương bổng luôn bị rớt lại phía sau trong cuộc đua với giá cả thị trường, giá xăng tăng, giá thực phẩm tăng, phí dịch vụ tăng, phí đại học tăng… tất cả đã dồn gánh nặng lên đôi vai người lao động, chen chân vào và chi phối từng bữa cơm hằng ngày của mỗi gia đình".

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP. Hồ Chí Minh): "Xin lưu ý mức sống tối thiểu ngày nay không chỉ là ngày 3 bữa cơm và một 1 năm 2 bộ quần áo như thời bao cấp. Trước mắt để nguồn lực không bị quá tải, những đối tượng thu nhập thấp nhất không đủ cho mức sống tối thiểu cần được tăng lương ngay lập tức kể từ 1/1/2023 và đề nghị ưu tiên quan tâm đến 2 ngành y tế, giáo dục và những người hưởng lương hưu hay trợ cấp thu nhập thấp".

ĐBQH Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định): “Chúng ta làm vị trí việc làm nhưng "gọt chân cho vừa giày", cho nên dẫn đến việc khi chúng ta tinh giản đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thì có giảm nhưng bộ máy không tinh dẫn đến năng lực của bộ máy không được nâng lên”.

ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cho biết, có cán bộ tâm sự "thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử". Nguyên nhân là hệ thống pháp luật chưa đồng bộ. Cùng một vấn đề, áp dụng luật này thì đúng, nhưng khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra áp dụng luật khác thì thành sai; thời điểm này thì có thể đúng, khi kiểm tra ở thời điểm khác lại sai.

ĐBQH Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình): "Cơn sốt đất cũng đã tràn cả về nông thôn, giá đất tăng cao nên cơ hội cho việc tích tụ và tập trung đất đai lại càng khó khăn hơn nữa.… Cử tri và Nhân dân đang rất trông đợi Quốc hội, Chính phủ để giúp cho những người nông dân không phải vật lộn với cái khó, cái nghèo, không phải đau đáu trước sự lựa chọn có nên tiếp tục duy trì nghề nông nữa hay không và cũng không còn phải trăn trở với câu hỏi: Ở lại hay ra đi khỏi làng?"

ĐBQH Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai): "GDP Việt Nam tăng thì thế giới lại giảm, khi thế giới tăng thì Việt Nam lại thấp. Năm 2020 GDP Việt Nam đạt 2,91% thì thế giới âm 3,1%. Năm 2021 thế giới tăng 5,9% thì Việt Nam giảm còn 2,58%. Năm 2022 Việt Nam tăng đạt 8,0% thì thế giới giảm còn 2,4 đến 3,2%. Việt Nam có nền kinh tế rất mở nhưng ta lại ngược độ tăng trưởng GDP với thế giới. Nếu chúng ta xác định đi một mình để đi nhanh thì cũng cần phân tích, rút ra kinh nghiệm để chỉ đạo, điều hành bảo đảm tăng trưởng cao nhưng bền vững".

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn TP. Hà Nội): "Y tế Việt Nam đã và đang bị chao đảo, đến nay vẫn còn chưa thực sự hết chao đảo. Cán bộ y tế ồ ạt xin ra khỏi khu vực công. Thuốc men, sinh phẩm vẫn bị thiếu. Việc mua sắm trang thiết bị đồng bộ cho bệnh viện đang bị đứt gãy, đình đốn. Vấn đề tự chủ bệnh viện có nguy cơ bị đổ vỡ. Lý do, nguyên nhân thì có nhiều. Tuy nhiên dù bất cứ lý do nào mà không có thuốc để điều trị cho bệnh nhân là có lỗi nặng với Nhân dân. Bằng mọi giá chúng ta phải giải quyết để chấm dứt tình trạng này".

ĐBQH Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông): "Khi thực hiện xã hội hóa, nếu giáo viên rời khỏi khu vực công lập sang tư thục thì chuyện đó rất bình thường. Điều quan trọng nhất chúng ta cần đánh giá đúng là khi rời khu vực công, người ta có làm giáo viên nữa hay không? Nếu như họ chuyển sang khu vực tư thì hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng, mà đều là phục vụ cho nhân dân, phục vụ cho sự tăng trưởng phát triển của đất nước. Chúng ta cần đánh giá một cách thực chất nhất để có giải pháp cho phù hợp”.

ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP .Hồ Chí Minh): "Chúng ta nên có cơ chế là ở dưới nói thì trên nghe. Khi các bệnh viện có ý kiến thì làm thế nào Bộ Y tế, Chính phủ nghe, xử lý kịp thời".

ĐBQH Lê Đào An Xuân (đoàn Phú Yên): "Rừng hiện đang đối mặt với nhiều thách thức xuất phát từ cạnh tranh mục đích sử dụng đất, khai thác tài nguyên quá mức, năng lực quản trị và quản lý rừng yếu, mặc dù độ che phủ rừng nhận được duy trì ổn định, suy thoái rừng, suy giảm chất lượng rừng tự nhiên vẫn tiếp tục tăng. Cách chúng ta hiểu thuật ngữ rừng phần nhiều theo nghĩa là một trảng cây chứ chưa quan tâm đầy đủ đến bản chất yếu tố hệ sinh thái. Điều đó lý giải vì sao có rừng nhưng vẫn bị lũ ống, lũ quét, sạt lở đất xảy ra nhiều hơn và khốc liệt hơn."

ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (đoàn TP. Hà Nội): “Thực tế tư duy nhiệm kỳ là một trong những nguyên nhân gây lãng phí đất đai rất lớn, qua giám sát bên cạnh địa phương tích cực thu hồi đất hoang hoá, thì còn những địa phương sau mỗi nhiệm kỳ số dự án treo lại tăng lên”.

ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn Bến Tre): "Pháp luật Việt Nam gần như luật nào cũng có nội dung giao trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân cấp xã, nhưng nguồn lực được giao và chế độ chính sách thì chưa tương xứng, nhất là đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã là đối tượng ba không. Không giới hạn thời gian làm việc, có việc thì phải làm, không kể trong giờ hay ngoài giờ hành chính; không công tác phí, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phụ cấp thai sản, tai nạn cho dù phải thường xuyên cơ động trên địa bàn rộng và khó khăn, không được tăng lương cho dù có thâm niên bao nhiêu năm".

ĐBQH Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau): "Các cơ quan bảo vệ pháp luật đã xử lý nghiêm một số doanh nhân có vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp. Đây là vấn đề rất đúng đắn. Bên cạnh xử lý nghiêm theo pháp luật, chúng ta cần có chính sách khoan dung đối với doanh nhân ăn năn hối cải, sẵn sàng lập công chuộc tội, vì lực lượng doanh nhân chính là nòng cốt của lực lượng tạo ra của cải vật chất cho xã hội".

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam: "Tôi xin trân trọng cảm ơn tất cả các thầy giáo, các thầy thuốc. Mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng vẫn đang nỗ lực hết mình vì sự nghiệp trồng người, vì sự nghiệp bảo vệ sức khỏe của người dân. Không chỉ là các lực lượng sẵn sàng hy sinh theo đúng nghĩa đen trong chống dịch, ngay giờ phút này vẫn hàng ngày, hàng giờ để cứu chữa bệnh nhân".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBQH và những phát ngôn làm trăn trở nghị trường