ĐBQH Ma Thị Thúy: Nên quy định các hành vi xâm phạm hoạt động của Thẩm phán vào một điều luật

Tống Toàn (ghi)| 31/07/2014 22:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đại biểu Ma Thị Thúy, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, nhất trí với Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp trình ra Quốc hội vừa qua.

Tuy nhiên, để góp phần hoàn thiện Dự thảo luật, điều chỉnh các mối quan hệ xã hội mới phát sinh trong quá trình phát triển xã hội, bà Thúy đề nghị bổ sung một điều mới quy định về những hành vi bị nghiêm cấm.

Bà Thúy cho rằng, Dự thảo luật quy định những điều cấm rải rác ở một số điều như: Khoản 3 Điều 5 nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân; khoản 1 Điều 6 nghiêm cấm mọi hành vi xúc phạm, xâm hại uy tín cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án; khoản 3 Điều 58 nghiêm cấm các hành vi đe dọa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của Thẩm phán và thân nhân của Thẩm phán. Bà đề nghị bổ sung một điều mới quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong Dự thảo luật để nhân dân dễ tìm hiểu, nghiên cứu và thực hiện.

ĐBQH Ma Thị Thúy: Nên quy định các hành vi xâm phạm hoạt động của Thẩm phán vào một điều luật

Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy

Góp ý về Điều 63 - biệt phái Thẩm phán, tại khoản 3 quy định: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định biệt phái Thẩm phán từ TAND, Tòa án quân sự này đến làm nhiệm vụ có thời hạn tại Tòa án quân sự khác. Theo quy định của pháp luật, hệ thống TAND là cơ quan thực hiện quyền tư pháp được tổ chức hoạt động độc lập với hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp theo nguyên tắc hoạt động, chỉ tuân theo pháp luật và chịu sự quản lý, thống nhất của Chánh án TANDTC, kể cả Thẩm phán Tòa án quân sự cũng chịu sự quản lý, thống nhất của TANDTC. Vì vậy, biệt phái Thẩm phán giữa các Tòa án quân sự không thể quy định giao cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định, ít nhất khi quyết định biệt phái Thẩm phán giữa các Tòa án quân sự thì Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phải thống nhất hoặc xin ý kiến với Chánh án TANDTC. Do đó, quy định như tại khoản 3, Điều 63 là chưa phù hợp với các quy phạm pháp luật hiện hành.

Vì lẽ đó, bà Thúy cho rằng, Ban soạn thảo cần sửa lại và bổ sung khoản 3, Điều 63 như sau: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định biệt phái Thẩm phán từ Tòa án quân sự này đến làm nhiệm vụ có thời hạn ở Tòa án quân sự khác, sau khi thống nhất với Chánh án TANDTC.

Ở Điều 64 - miễn nhiệm Thẩm phán, Thẩm phán đương nhiên được miễn nhiệm khi nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác khỏi Tòa án, Thẩm phán có thể được miễn nhiệm do sức khỏe, do hoàn cảnh gia đình hoặc vì lý do khác mà xét thấy không thể bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Quy định như vậy chưa bao quát, chưa dự báo hết các trường hợp nảy sinh trong quan hệ xã hội. Do vậy, bà Thúy đề nghị bổ sung một số trường hợp miễn nhiệm Thẩm phán và đề nghị bổ sung tại điều này như sau: Thẩm phán đương nhiên được miễn nhiệm khi nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác khỏi Tòa án, chết, mất năng lực hành vi, kỷ luật do vi phạm pháp luật, Thẩm phán có thể được miễn nhiệm do sức khỏe, do hoàn cảnh gia đình hoặc vì lý do khác mà xét thấy không thể bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao khi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp và bổ sung một khoản là Chánh án TANDTC quy định chi tiết điều này.

Điều 68 - tiêu chuẩn Hội thẩm, bà Ma Thị Thúy cũng đề nghị bổ sung vào khoản 2 điều này quy định có thời gian công tác trong lĩnh vực pháp luật. Khi xây dựng tiêu chuẩn của Hội thẩm thì không chỉ là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, có phẩm chất, đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có uy tín trong cộng đồng dân cư, có tinh thần dũng cảm và kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết và trung thực, có kiến thức pháp luật, có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao mà còn phải có thời gian nhất định công tác trong lĩnh vực pháp luật. Như vậy, bà Thúy đề nghị khoản 2, Điều 68 quy định lại như sau: Có kiến thức pháp luật, có thời gian công tác trong lĩnh vực pháp luật.

Về Điều 69, thủ tục bầu cử miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm, tại khoản 2 quy định: Hội đồng nhân dân miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm nhân dân theo đề nghị của Chánh án TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, sau khi thống nhất với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp. Tuy nhiên, bà Thúy cho rằng, theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và việc đang tổ chức thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại một số địa phương, như vậy hiện nay một số quận, huyện sẽ không có Hội đồng nhân dân. Vậy ai, cơ quan nào sẽ miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm nhân dân? Chính vì vậy, bà đề nghị bổ sung khoản 2, Điều 69 như sau: Hội đồng nhân dân miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm nhân dân theo đề nghị của Chánh án TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, sau khi thống nhất với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, những nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân thì Hội đồng nhân dân cấp trên trực tiếp miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm nhân dân theo đề nghị của Chánh án TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau khi thống nhất với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBQH Ma Thị Thúy: Nên quy định các hành vi xâm phạm hoạt động của Thẩm phán vào một điều luật