ĐBQH Huỳnh Ngọc Ánh: Quy định về Thẩm phán và Hội thẩm cần phù hợp với Hiến pháp

Tống Toàn (ghi)| 30/07/2014 12:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hiến pháp 2013 quy định, Tòa án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, đó là một điểm mới rất quan trọng trong lịch sử lập hiến.

Sự thay đổi này đòi hỏi phải có sự thay đổi thiết kế về vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn và địa vị pháp lý của Thẩm phán được cụ thể hóa trong điều luật. Đó là ý kiến của ông Huỳnh Ngọc Ánh, đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Phó Chánh án TAND TP. Hồ Chí Minh.

Nên quy định nhiệm kỳ Thẩm phán là 10 năm

Là người công tác lâu năm trong hệ thống Tòa án, ông Ánh cho rằng, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ và thực tiễn công việc, quyền tư pháp là một trong những chế định hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc đảm bảo tính độc lập của Thẩm phán. Ông Ánh cho biết thêm, chế định Thẩm phán do Hội đồng nhân dân bầu trước đây, nhiệm kỳ là hai năm, đến Hiến pháp 1992 sửa đổi, Thẩm phán do Chủ tịch nước bổ nhiệm với nhiệm kỳ là 5 năm. Đến năm 2002, Hiến pháp sửa đổi, bổ sung, Chủ tịch nước chỉ bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC, còn Thẩm phán khác do Chánh án TANDTC bổ nhiệm với nhiệm kỳ là 5 năm.

ĐBQH Huỳnh Ngọc Ánh: Quy định về Thẩm phán và Hội thẩm cần phù hợp với Hiến pháp

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Ngọc Ánh

Qua quá trình thay đổi như vậy, bản thân ông Ánh đã trải qua 5 lần tái bổ nhiệm mà mỗi lần làm thủ tục tái bổ nhiệm phải trải qua nhiều khâu, nhiều thủ tục, nhiều cơ quan, đoàn thể có ý kiến. Sau đó, phải qua Hội đồng tuyển chọn rồi trình lên Chánh án TANDTC ra quyết định. Điều đó tạo nên tâm ý không yên tâm, thậm chí, nhiều trường hợp còn có tâm lý e ngại trước những tác động của những cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xem xét, đánh giá tuyển chọn đề nghị tái bổ nhiệm, nhất là thời gian đề nghị tái bổ nhiệm sắp đến gần. “Đây là một trong những nguyên nhân làm nguyên tắc độc lập của Thẩm phán bị ảnh hưởng ít nhiều”, ông Ánh thẳng thắn.

Tuy quy trình phức tạp như vậy nhưng bản thân ông Ánh cũng như phần lớn các Thẩm phán trên toàn quốc đều được tái bổ nhiệm mà không cần phải trải qua bất kỳ kỳ sát hạch hay kiểm tra kiến thức, năng lực gì; chỉ có một số ít Thẩm phán vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp bị kỷ luật hoặc một số Thẩm phán có tỉ lệ án hủy, sửa cao, bị ngưng tái nhiệm từ 6 tháng đến 1 năm hoặc 2 năm rồi cũng được tái bổ nhiệm lại. “Như vậy, thực tiễn cho thấy, việc quy định nhiệm kỳ Thẩm phán là 5 năm cũng không có ý nghĩa gì lớn mà chỉ mang lại tâm lý lo lắng, e ngại, không yên tâm làm việc, việc này gây tốn kém về thời gian, vật chất cho công tác tái bổ nhiệm”, ông Ánh khẳng định.

Vừa qua, Hiến pháp mới quy định, Thẩm phán do Chủ tịch nước bổ nhiệm thì thời gian dành cho việc này tương đối lớn, có khả năng sẽ không kịp thời, ảnh hưởng đến việc xét xử của Thẩm phán, của các đơn vị. Do vậy, ông Ánh đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán không kỳ hạn, nếu thời điểm bây giờ chưa đáp ứng được yêu cầu thì ít nhất phải là 10 năm như Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), như vậy cũng thể chế hóa được tinh thần Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị.

Nên quy định hai ngạch Thẩm phán

Đóng góp ý kiến về ngạch Thẩm phán, ông Ánh cho rằng, luật hiện hành chia ra thành Thẩm phán TANDTC, Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp. Ông Ánh chia sẻ, cách phân chia như vậy là bất hợp lý, bởi vì trước đây, Hội đồng nhân dân bầu ra Thẩm phán, được gọi là Thẩm phán TAND huyện A hoặc Thẩm phán nhân dân tỉnh A rất cụ thể, không gọi là Thẩm phán cấp huyện hoặc Thẩm phán cấp tỉnh. Khi Chủ tịch nước bổ nhiệm cũng bổ nhiệm Thẩm phán TAND  huyện A hoặc Thẩm phán TAND tỉnh A cụ thể, không ghi là cấp huyện và cấp tỉnh. Từ đó, gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện, công tác tổ chức, không thể điều chuyển Thẩm phán từ huyện này qua huyện khác để xét xử hoặc từ tỉnh này qua tỉnh khác xét xử được. Cho đến khi giao về cho Chánh án TANDTC bổ nhiệm Thẩm phán thì phân ra Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp, việc khó khăn trên đã được khắc phục một phần, song còn nhiều bất cập vì số lượng mỗi ngạch Thẩm phán trung cấp hoặc Thẩm phán sơ cấp đều có quy định cụ thể theo biên chế được Quốc hội phê chuẩn, cho nên có Thẩm phán sơ cấp đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm Thẩm phán trung cấp nhưng do vướng biên chế nên không thể bổ nhiệm được. Mặt khác, phân định ra chức danh Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp tạo ra sự hiểu lầm, sai về trình độ, năng lực của Thẩm phán, ảnh hưởng đến lòng tin và sự tín nhiệm của nhân dân đối với các Thẩm phán, dẫn đến tâm lý chống án lên cấp trên để giải quyết đúng đắn hơn, ông Ánh bộc bạch.

Từ thực tiễn cho thấy, có những Thẩm phán ở cấp huyện 30 năm nay, từ khi thẩm quyền xét xử chỉ đến 2 năm tù, đến khi được tăng thẩm quyền lên 7 năm tù và bây giờ là 15 năm tù, nhưng ngạch lương và mọi quyền lợi khác vẫn không thay đổi, sự bất cập chênh lệch mức lương giữa Thẩm phán TANDTC, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp là quá lớn, trong khi việc của cấp tỉnh ngày càng giao về cho cấp huyện giải quyết. Hiện nay, Tòa án cấp huyện đã có thẩm quyền giải quyết hầu hết các loại án, số lượng án của cấp tỉnh đã giảm đáng kể nhưng mức lương của Thẩm phán huyện vẫn không thay đổi, thật bất hợp lý. Do vậy, ông đề nghị ngạch Thẩm phán chỉ có Thẩm phán TANDTC và Thẩm phán mà thôi, vì Hiến pháp cũng quy định, Chủ tịch nước bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC khi có sự phê chuẩn của Quốc hội, còn Thẩm phán khác do Chủ tịch nước bổ nhiệm mà không phân định Thẩm phán trung cấp hay Thẩm phán sơ cấp.

Cũng theo ông Ánh, Thẩm phán ở cấp nào cũng nhân danh Nhà nước, làm nhiệm vụ là ra những sản phẩm đều là những bản án và khi bản án có hiệu lực pháp luật thì mọi nơi, mọi cấp, mọi cơ quan, mọi công dân đều có nghĩa vụ chấp hành. Ngoài ra, quy định đó còn tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức của Tòa án trong việc thực hiện chủ trương của Đảng về quy hoạch cán bộ, luân chuyển, điều động cán bộ.

Hơn nữa, thực tế cho thấy, các cuộc hội thảo góp ý kiến Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), nhiều chuyên gia ngoài hệ thống Tòa án, nhiều nhà khoa học, nhiều luật gia cũng đồng tình với quan điểm của Ban soạn thảo là chỉ phân định hai cấp Thẩm phán là TANDTC và Thẩm phán. Tiếp đó, kinh nghiệm của đại đa số các nước trên thế giới cũng chỉ phân định Thẩm phán thành hai ngạch như trên.

Nói về chế định Hội thẩm nhân dân, ông Ánh đề nghị kế thừa quy định tại khoản 2, Điều 32 của Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân, giao cho TAND quản lý Hội thẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBQH Huỳnh Ngọc Ánh: Quy định về Thẩm phán và Hội thẩm cần phù hợp với Hiến pháp