Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 26/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng ngắn gọn, làm nổi bật những nguyên tắc chung, ưu tiên trong quản lý tài nguyên nước, tách bạch trách nhiệm quản lý nguồn nước và quản lý về quy hoạch, xây dựng, vận hành công trình khai thác, sử dụng nước.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã bổ sung nguyên tắc cấp phép như: bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan trong khai thác nước; không gây suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước khi thực hiện việc thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước .
Góp ý vào những vấn đề cụ thể, đại biểu Khang Thị Mào - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái đề nghị ban soạn thảo rà soát bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm trong dự thảo luật.
Tại Điều 8, khoản 2 quy định cấm xả nước thải vào nguồn nước dưới đất, đại biểu cho rằng quy định như vậy còn bất cập “bởi hiện nay khu vực nông thôn chưa có công trình thu gom xử lý nước thải; quy định cấm xả nước thải vào nguồn nước dưới đất là khó khả thi”. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét chỉnh sửa cho phù hợp với quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường hiện hành và bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện.
“Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm nội dung cấm đưa các loài sinh vật thủy sinh ngoại lai nhập khẩu từ nước ngoài, các loài sinh vật mới chưa được cấp có thẩm quyền cho phép vào nuôi trồng ở các sông suối hồ kênh rạch, vào các hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật, có liên quan vào nội dung các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 8”- đại biểu Khang Thị Mào nói .
Đào hồ, đào ao phải đăng ký
Theo đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã hướng tới cách tiếp cận quản lý tài nguyên nước theo xu hướng hiện đại của thế giới là quản lý quản trị tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số thông qua hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia. Tuy nhiên, kết quả thực hiện còn nhiều hạn chế, trong đó nguyên nhân là thiếu nguồn lực thực hiện.
“Để giải quyết tình trạng này cần thiết đầu tư hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước tập trung trên phạm vi toàn quốc. Trong dự thảo luật chưa quy định rõ ràng về thời hạn lộ trình xây dựng hoàn thiện hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia, vì vậy đại biểu đề nghị bổ sung quy định về thời hạn lộ trình hoàn thành việc xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia, nhằm phục vụ cho công tác quản lý quản trị tài nguyên nước theo công nghệ số của trung ương và địa phương” Đại biểu Hương nói.
Góp ý vào Điều 52, dự thảo luật quy định các trường hợp phải kê khai đăng ký hoặc phải cấp phép tùy theo quy mô khai thác mức độ tác động vào nguồn nước. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng “quy định như vậy chưa rõ đối tượng thực hiện hoạt động sau khi Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) có hiệu lực mới phải đăng ký hay cả những trường hợp đã thực hiện hoạt động đào hồ ao sông suối kênh mương rạch để tạo không gian lưu trữ nước tạo cảnh quan trước ngày luật có hiệu lực cũng phải thực hiện việc đăng ký. Nếu có đăng ký đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ lộ trình, trong điều khoản chuyển tiếp”, đại biểu Hương đề nghị .
Cho rằng hiện nay nhiều dòng sông, suối, kênh, rạch là nguồn cấp nước chính cho sinh hoạt, sản xuất, tạo cảnh quan sinh thái, bảo vệ sức khỏe cho người dân đang bị ô nhiễm, nguy cơ bị ô nhiễm, cạn kiệt nghiêm trọng và trở thành các dòng sông chết.... Đại biểu Cầm Thị Mẫn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị phải đưa vào luật nhiều giải pháp, có sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương và tổ chức, cá nhân.
Trước tiên phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ các nguồn nước thải trước khi xả ra các dòng sông; nghiêm cấm các hoạt động xả rác thải và các chất thải xuống dòng sông. Đồng thời quan tâm xây dựng, nâng cấp, cải tạo đồng thời quan tâm xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình như cống, trạm bơm, hệ thống kênh dẫn để tiếp nước, khơi thông dòng chảy, tạo cho các dòng sông có các dòng chảy thường xuyên, liên tục, tránh tình trạng ứ đọng để trả lại cho các con sông khả năng tự làm sạch các chất ô nhiễm.
Đại biểu bày tỏ thống nhất với tên gọi tại Chương III dự thảo Luật, trong đó bổ sung các quy định về chức năng nguồn nước, hành lang bảo vệ nguồn nước, dòng chảy tối thiểu, bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt, bảo vệ nguồn nước liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và các nguồn nước có giá trị cao về đa dạng sinh học, bảo tồn văn hóa; Đặc biệt, sửa đổi, bổ sung quy định về phục hồi nguồn nước.