Bất động sản

ĐBQH: Chủ đầu tư phải coi người bị thu hồi đất là ân nhân để đối xử tốt

Nguyên Thảo - Duy Tuấn 03/11/2023 - 13:17

Ngày 3/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các đại biểu Quốc hội bày tỏ kỳ vọng về việc thông qua dự án Luật này có chất lượng, giải quyết những điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực đất đai, tiếp thêm động lực cho thị trường bất động sản.

Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ với nhiều luật khác. Chính vì thế, đây cũng là đạo luật được nhiều tầng lớp nhân dân và đại biểu Quốc hội kỳ vọng sẽ được thông qua, để có thể thay đổi căn bản, khơi thông các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.

Bên hành lang Quốc hội, phóng viên Báo Công lý đã ghi nhận ý kiến các đại biểu Quốc hội về nội dung này.

hoanganhcong.jpeg
Đại biểu Hoàng Anh Công - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên

Đại biểu Hoàng Anh Công - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cho rằng, thời gian vừa qua, các dự án về tái định cư, bồi thường hỗ trợ tái định cư, nhất là các dự án tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi không đáp ứng được yêu cầu.

"Chúng ta yêu cầu ít ra phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ nhưng thực tế ra thì chưa đáp ứng được yêu cầu đó", đại biểu Hoàng Anh Công thẳng thắn.

Một trong những lý do được đại biểu nêu ra đó là sự chuẩn bị chưa kỹ, vội vàng trong việc triển khai dự án mà không tính đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

"Khi có đất bị thu hồi, họ chính là người đóng góp đất để cho dự án thành công nhưng họ chính là người bị thiệt hại nhất", đại biểu Công nêu thực tế.

Theo đại biểu tỉnh Thái Nguyên, trong Luật Đất đai sửa đổi lần này đã đưa ra quy định rất cụ thể, đối với những dự án có đất bị thu hồi mà cần phải tái định cư thì phải tái định cư trước, đáp ứng được đời sống người dân xong mới thu hồi đất. Thứ 2, có phương án nữa là những dự án thu hồi đất tái định cư trước để đảm bảo cho đời sống người dân ổn định.

"Yên dân là cái quan trọng đầu tiên, dự án có thành công hay không, có đem lại hiệu quả cho xã hội không, cho đất nước hay không là phải yên dân đã. Những người dân đóng góp đất đai, hy sinh vào đất đai của mình để cho dự án thì các chủ đầu tư các dự án phải coi đó là những ân nhân của mình để quan hệ thật tốt, làm thật tốt cho người ta chứ bây giờ thì quan điểm hiện nay của các chủ đầu tư cũng chưa đúng. Thu hồi đất tùy tiện dẫn đến chuyện người dân oán thán khiếu nại, tố cáo kéo dài. Điều này cần phải chấn chỉnh", đại biểu Hoàng Anh Công nhấn mạnh.

hoangvancuogn.jpeg
Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội

Liên quan tới dự án nào được coi là dự án vì lợi ích quốc gia, công cộng, đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, một dự án đã triển khai để thực hiện quy hoạch được nhà nước phê duyệt phát triển kinh tế xã hội nói chung và dự án đấy lại được một cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp nhận đầu tư thì dự án này sẽ mang lại lợi ích chung chứ không phải mang lại lợi ích cho một cá nhân. Như vậy, đó là dự án được đưa vào đối tượng thu hồi đất.

"Tuy nhiên, thu hồi đất không có nghĩa là chúng ta đã tước đoạt quyền lợi của người có đất vì thu hồi đất luôn luôn đi kèm theo đó là bồi thường, hỗ trợ tái định cư, bù đắp lại những thiệt hại của những người có đất bị thu hồi. Ngoài phần bồi thường đó, phải hỗ trợ thêm để người ta có được nơi tái định cư tốt hơn. Khi thực hiện thu hồi đất, phải mang lại lợi ích của những người bị thu hồi đất đảm bảo hơn so với chủ đầu tư tự thoả thuận, bởi chủ đầu tư tự thoả thuận chỉ đền bù ngang với giá trị thiệt hại do người có đất bị thu hồi", đại biểu Cường phân tích.

Cũng theo đại biểu Hoàng Văn Cường, Luật Đất đai sửa đổi và Nghị quyết 18 cũng nêu rõ đền bù, hỗ trợ tái định cư phải làm sao để cho người được đền bù có nơi ở tối thiểu phải bằng hoặc tốt hơn. Như vậy, muốn bằng và tốt hơn thì khi bồi thường phải đảm bảo bù đắp được hết các chi phí của họ.

"Trước đây, khung giá, bảng giá của Luật Đất đai cũ đã rất lạc hậu, thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường. Khi bồi thường lại dựa vào bảng giá khung giá làm cơ sở nên giá bồi thường nó thấp. Tuy nhiên, Luật Đất đai sửa đổi không còn khung giá; bảng giá phải được cập nhật hằng năm và phải sát với thị trường, khi bồi thường chúng ta lại dựa trên kịch bản để tính ra giá thực tế tại thời điểm bồi thường", đại biểu đoàn TP Hà Nội cho biết, đồng thời kỳ vọng "Chúng ta thực hiện đúng luật thì sẽ không còn chuyện là giá bồi thường cho người bị thu hồi thấp như những năm vừa qua".

quanminhcuogn.jpeg
Đại biểu Quản Minh Cường - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai

Còn đại biểu Quản Minh Cường - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai băn khoăn việc Luật Đất đai không có quy định tiếp cận đất đai đối với tổ chức, cá nhân để phát triển du lịch, dịch vụ sẽ không khuyến khích phát triển hạ tầng du lịch và điểm đến,

Theo ông Cường, trước đây, Luật Đất đai năm 2003 cũng đã có quy định các dự án phát triển du lịch, dịch vụ cũng thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất. Nghị định 84 của Chính phủ năm 2007 cũng đã luật hóa du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và đủ điều kiện được Nhà nước thu hồi đất.

Theo đó, Nhà nước thực hiện việc thu hồi đất để phát triển khu du lịch có mối liên kết về kết cấu hạ tầng, về loại hình kinh doanh; phát triển khu vui chơi giải trí ngoài trời với nhiều loại hình vui chơi, giải trí.

Tuy nhiên, theo ông Cường, đến Luật Đất đai năm 2013 thì quy định này bị loại bỏ và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng không nhắc đến đối tượng này. Trong khi đó, Nghị quyết 08/TW của Bộ Chính trị vẫn tiếp tục khẳng định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

"Đến nay, dù Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được chỉnh sửa nhiều lần nhưng các dự án du lịch vẫn không thuộc trường hợp thu hồi đất và dẫn đến không phù hợp với thực tiễn", ông Cường nêu ý kiến.

Ông Cường nhấn mạnh, việc giao cho tổ chức, cá nhân thực hiện các dự án nhà ở thương mại hoặc khu đô thị mới kết hợp với kinh doanh thương mại, dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng được coi là các dự án trọng điểm của địa phương sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển, đồng bộ hóa phát triển đô thị kết hợp với du lịch, thương mại;

Hình thành nên những khu đô thị với trung tâm tài chính, thương mại, du lịch thu hút đầu tư quốc tế và khách du lịch đến với địa phương.

Đây cũng là mô hình hiện đang được áp dụng rộng rãi tại một số quốc gia trên thế giới và khu vực như Thái Lan, Malaysia, Ả rập xê út...

Ngoài ra, đại biểu đề nghị giao Chính phủ quy định tiêu chí "dự án quan trọng do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phù hợp với điều kiện của địa phương' để tạo điều kiện cho việc triển khai sau này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBQH: Chủ đầu tư phải coi người bị thu hồi đất là ân nhân để đối xử tốt