Đầu tư trên 1,5 tỷ đồng cho Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ

Ngọc Thành - Chí Thiện| 02/06/2018 06:41
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

UBND tỉnh Kiên Giang vừa phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ giai đoạn 2018 – 2020” với kinh phí trên 1,5 tỷ đồng.

Nhằm góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị Đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành Quyết định số 1125/QĐ – UBND về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ tỉnh Kiên Giang, giai đoạn 2018 – 2020”.

Đề án đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, xây dựng cơ sở dữ liệu và đề xuất xây dựng các mô hình mới hoạt động hiệu quả hơn. Nâng cao chất lượng và số lượng các câu lạc bộ, nghệ nhân Đờn ca tài tử. Đẩy mạnh các mặt: tuyên truyền, sáng tác, thực hành Đờn ca tài tử; xây dựng môi trường tốt cho hoạt động Đờn ca tài tử thông qua các hình thức liên hoan, hội nghị, hội diễn. Huy động các nguồn lực xã hội bên cạnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước để nâng cao chất lượng phong trào. Chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, quảng bá Đờn ca tài tử nhằm nâng cao năng lực nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nhân dân trong việc tham gia bảo tồn và phát huy giá trị Đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Đầu tư trên 1,5 tỷ đồng cho Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ

Một buổi sinh hoạt đờn ca tài tử Nam Bộ. Ảnh: Hà Huy

Với tổng kinh phí dự kiến 1,532 tỷ đồng cho việc triển khai thực hiện dự án này được lấy từ nguồn ngân sách tỉnh phân bổ cho Sở Văn hóa và Thể thao hàng năm và nguồn vận động xã hội hóa.

Bên cạnh việc thực hiện Đề án, các cơ quan ban ngành như: Mặt trận Tổ quốc, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng tiến hành xây dựng kế hoạch và chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động trong các tổ chức hội, đoàn thể. Tỉnh đoàn phát động đoàn viên, thanh niên tích cực tập luyện và cổ vũ các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử; hàng năm, tổ chức “Sân chơi Đờn ca tài tử thanh niên”.

Ngoài ra, hàng năm, tổ chức xét tặng các danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” và “Nghệ nhân nhân dân”; xét tặng giấy chứng nhận và bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh cho câu lạc bộ Đờn ca tài tử tiêu biểu, xuất sắc; giấy chứng nhận và bằng khen “Nghệ nhân có công truyền dạy, phổ biến nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ”; giấy chứng nhận “Nghệ nhân có công tham gia thực hành di sản nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ” cho những người hoạt động Đờn ca tài tử được 15 năm trở lên nhưng chưa được Nhà nước xét tặng, công nhận các danh hiệu.

Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ ra đời vào cuối thế kỷ 19, xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng, phản ánh suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của những người dân mở đất phương nam. Với lối sống cần cù, phóng khoáng, cởi mở, bình dị mà nghĩa hiệp, can trường, hoạt động văn hóa dân gian đặc trưng của vùng đất sông nước miệt vườn này đã trở thành cốt cách của người Nam Bộ.

Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ được xem là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Nam Bộ, luôn hiện diện tại các hoạt động lễ hội, liên hoan, giao lưu, vui chơi giải trí…, làm thỏa mãn nhu cầu sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật của bản thân các tài tử và người dân hâm mộ từ xưa đến nay.

Để góp phần quảng bá loại hình nghệ thuật đặc sắc này, đồng thời phục vụ du khách thập phương, đờn ca tài tử còn được biểu diễn trên các sân khấu hay các điểm đến du lịch. Điều kiện để truyền dạy, học và chơi đờn ca tài tử cũng dễ dàng thuận lợi nên đội ngũ người chơi không ngừng phát triển. Trải qua bao tháng năm thăng trầm của lịch sử, đờn ca tài tử vẫn tồn tại và phát triển, gắn bó mật thiết trong đời sống người dân Nam Bộ nói chung cả nước nói riêng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư trên 1,5 tỷ đồng cho Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ