Đời sống

Thanh Hóa: Tích cực tháo dỡ bè, mảng nuôi trồng thủy sản trái phép

Thanh Phương 25/04/2025 - 22:17

Cơ quan chức năng thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) đang tích cực tuyên truyền, tháo dỡ bè, mảng nuôi trồng thủy sản trái phép, trả lại đường ra vào của tàu, thuyền.

Tình trạng các hộ dân trên địa bàn thị xã Nghi Sơn lấn chiếm mặt biển, đường ra vào khu neo đậu, tránh trú làm bè, mảng nuôi hàu, vẹm, ảnh hưởng đến môi trường, tuyến đường di chuyển của ngư dân đã kéo dài nhiều năm.

bemang.jpg
Bè, mảng nuôi hải sản tự phát ở Nghi Sơn

Chính quyền địa phương đã nhiều lần tuyên truyền, nhắc nhở, yêu cầu hộ dân ký cam kết, lập biên bản xử lý. Tuy nhiên, do lợi nhuận lớn nên việc xử lý chỉ như “đá ném ao bèo”, được một thời gian thì tình trạng trên lại tái diễn.

Việc nuôi hải sản không theo quy hoạch, mạnh ai nấy làm đã khiến cho tình trạng ô nhiễm ngày một gia tăng. Không chỉ vậy, khi tàu, thuyền di chuyển qua đây hay xảy ra va chạm dẫn tới cự cãi, xô xát.

duongvao.jpg
Cản trở đường ra vào của tàu, thuyền

Ngoài ra, do nguồn thủy sản bị cạn kiệt, ngư dân đánh bắt gần bờ thu nhập bấp bênh dần từ bỏ việc đi biển. Trong khi các khu du lịch, nhà hàng, khách sạn tại Nghi Sơn phát triển mạnh, nhu cầu hải sản tăng cao. Người này cạnh tranh với người kia, đầu tư, phát triển tràn lan dẫn tới phá vỡ quy hoạch.

Để giải quyết triệt để vấn đề trên, thị xã Nghi Sơn đã chỉ đạo các xã phường, phối hợp với các phòng ban, lực lượng công an để tập trung triển khai đồng bộ quyết liệt công tác tuyên truyền cho các cán bộ quản lý dân và việc nuôi cá lồng, hàu, vẹm tự phát nhận thức đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về công tác bảo vệ môi trường, an toàn giao thông đường thủy, chấp hành tốt các quy định của pháp luật về nuôi trồng thủy sản.

lanchiem.jpg
Hệ lụy khó lường từ việc nuôi trồng hải sản tự phát

Đồng thời, tuyên truyền, vận động các hộ nuôi cá lồng, nuôi hàu, vẹm trái phép tự tháo dỡ các công trình vi phạm, đến nay các hộ dân trên địa bàn đã tự tháo dỡ, trả lại khu neo đậu và ra vào của tàu thuyền trú bão. Bên cạnh đó, huyện phối hợp với các đơn vị liên quan giám sát không để phát sinh thủy sản tự phát và chấm dứt việc nuôi cá lồng, hàu, vẹm theo kế hoạch, lộ trình cụ thể.

Thị xã Nghi Sơn đang phát động đợt thi đua cao điểm xử lý việc nuôi trồng thuỷ sản tự phát trên địa bàn thị xã từ ngày 15/2 đến ngày 31/3; phấn đấu hoàn thành việc xử lý số ô lồng, bè còn lại trước ngày 30/4 và xử lý các trường hợp nuôi tôm tự phát trước ngày 30/6/2025.

thaodo.jpg
Cơ quan chức năng cần quyết liệt xử lý

Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn Nguyễn Thế Anh cho biết: Sau 8 tháng tổ chức triển khai thực hiện, đến nay đơn vị Hải Châu đã xử lý hoàn thành 100% số ô, lồng nuôi tự phát; các đơn vị Hải Bình, Hải Hà, Bình Minh đã xử lý hoàn thành 100% số bè nuôi hàu, nuôi vẹm.

Các phường xử lý được 71 ô, lồng nuôi cá và 5 hộ nuôi tôm. Hiện, số lồng, bè nuôi tự phát tại 7 xã, phường là 4.596 (2.673 lồng và 1.923 bè). Số lồng, bè còn lại phải xử lý là 1.291 (1.274 lồng, 17 bè) của 60 hộ.

tranhtru.jpg
Khu tránh, trú của tàu, thuyền

Đã có 330/351 hộ thực hiện ký cam kết giải bản lồng, bè và dừng nuôi tôm, đạt 94%. Các đơn vị đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 222 hộ. UBND thị xã Nghi Sơn đã ban hành quyết định khắc phục hậu quả đối với 156 trường hợp (phường Bình Minh 30, Xuân Lâm 53, Hải Bình 39, Hải Thanh 3, Hải Hà 31). Các phương là 14 hộ.

Tại khu vực Âu neo đậu tàu thuyền Lạch Bạng còn lại 73 ô lồng/7 hộ (địa bàn phường Bình Minh 37 ô, lồng/05 hộ; địa bàn phường Hải Thanh 36 ô, lồng/2 hộ). Theo đánh giá, một số xã, phường chưa quyết tâm, quyết liệt trong triển khai thực hiện nên kết quả đạt thấp.

Chính quyền địa phương, các đoàn thể tiếp tục tuyên truyền các hộ nuôi trồng thủy sản tự phát tự nguyện tháo dỡ các ô, lồng, bể, công trình vi phạm nuôi cá lồng, hàu vẹm, nuôi tôm. Cương quyết không để phát sinh thêm lồng, bè mới, thả thêm con giống. Đồng thời đôn đốc các hộ dân thực hiện nghiêm túc việc cam kết thu hoạch xong lượng thủy sản thương phẩm sẽ chấm dứt việc nuôi tự phát.

Cấp ủy, chính quyền các xã, phường cần xem nhiệm vụ xử lý lồng, bè và các trường hợp nuôi tôm tự phát còn lại là rất quan trọng và cấp bách đặt ra yêu cầu với quyết tâm chính trị cao, bằng các biện pháp cương quyết, kiên trì trong tổ chức thực hiện.

Do vậy phải xây dựng kế hoạch cụ thể, đề ra mục tiêu, giải pháp quyết tâm xử lý hoàn thành 100% số lồng, bè và các trường hợp nuôi tôm tự phát tại các xã, phường theo chỉ đạo. Nếu địa phương nào còn để xảy ra tình trạng này thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Tích cực tháo dỡ bè, mảng nuôi trồng thủy sản trái phép