Tư vấn pháp luật

Dấu hiệu giết người trong vụ xe nghi chở hàng cấm tông chết 3 người ở Long An

Việt An 22/04/2023 14:26

Một số luật sư có chung quan điểm cho rằng, việc tài xế lái ô tô có chở hàng cấm hay không sẽ được cơ quan Công an làm rõ trong quá trình điều tra. Tuy nhiên, người thực hiện hành vi cố ý gây ra vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu của tội "Giết người" với nhiều tình tiết định khung.

Như Báo Công lý đã đưa tin, chiều 21/4, Công an huyện Đức Hòa (Long An) phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên đoạn đường tỉnh 824 đoạn qua xã Mỹ Hạnh Nam và phát hiện một xe bán tải chạy về hướng TP. HCM có biểu hiện nghi vấn nên ra tín hiệu dừng xe.

vu-giet-nguoi-o-long-an.jpeg
Hiện trường vụ việc.

Tuy nhiên, tài xế không chấp hành mà điều khiển xe tông thẳng vào Tổ công tác rồi bỏ chạy. Sau đó, chiếc xe tiếp tục tông vào một số phương tiện giao thông trên đường và lật nghiêng.

Vụ việc đã làm Thiếu tá CSGT Nguyễn Xuân Hào và hai người dân là Huỳnh Nguyễn Chí Mẫn (SN 1994; ngụ quận 5, TP HCM) và Phan Thị Kim Thanh (SN 1973; ngụ quận 12, TP HCM) tử vong.

Liên quan đến vụ việc này, sáng 22/4, Đại tá Lâm Minh Hồng, Giám đốc Công an tỉnh Long An cho biết, đây là một chuyên án ma túy có kế hoạch, tổ chức phối hợp nhiều đơn vị cùng tham gia. Việc CSGT phối hợp với lực lượng để ngăn chặn hướng xe di chuyển của nghi phạm đều phù hợp và đúng với quy trình của chuyên án, tuy nhiên do nghi can quá manh động nên đã xảy ra vụ việc đáng tiếc.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Hà Thị Khuyên - Trưởng Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) nhìn nhận, từ thông tin ban đầu và hậu quả sự việc nêu trên, hành vi của người điều khiển phương tiện là hành vi cần kịch liệt lên án, động cơ và mục đích của tài xế sẽ được Cơ quan điều tra làm rõ.

“Cơ quan điều tra sẽ khám nghiệm hiện trường để xem xét các dấu vết để lại tại hiện trường, khám xét phương tiện mà lái xe dùng để đâm thẳng vào các nạn nhân, khám nghiệm tử thi, trích xuất camera, thu thập lời khai của người chứng kiến; đồng thời, làm rõ nhận thức, ý thức chủ quan và hành vi khách quan của tài xế, xem xét những thiệt hại, hậu quả xảy ra để có căn cứ xử lý vụ việc theo quy định pháp luật”, luật sư Khuyên cho biết.

336962172_775068510773448_148722600027514127_n.jpg
Luật sư Hà Thị Khuyên, Trưởng Văn phòng Luật sư Nhân Chính.

Luật sư Khuyên khẳng định, việc không chấp hành hiệu lệnh dừng xe và cố tình dùng phương tiện ô tô là “nguồn nguy hiểm cao độ” để đâm vào nhiều người đứng phía trước đầu xe như đoạn clip chia sẻ có dấu hiệu của hành vi giết người.

Phân tích một số tình huống có thể xảy ra, chuyên gia luật cho biết,  hành vi cố ý sử dụng phương tiện giao thông để đâm vào người khác với mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra là hành vi giết người; hành vi không có mục đích giết người, không nhận thức được hành vi của mình có thể dẫn đến hậu quả chết người thì tài xế sẽ bị xử lý hình sự về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ".

Trong trường hợp này, nếu tài xế có ý thức về hậu quả vụ tai nạn giao thông, nhận thức được việc làm của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn cố ý thực hiện với mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả xảy ra thì hành vi này là giết người chứ không còn là hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Trong trường hợp hành vi của tài xế được xác định là hành vi giết người thì tài xế này sẽ bị khởi tố về tội "Giết người" được quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015, khung hình phạt cao nhất tài xế có thể phải đối mặt từ 12-20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Hậu quả khiến 3 người tử vong, nên tài xế này có thể sẽ phải đối diện với nhiều tình tiết định khung tăng nặng như: giết 2 người trở lên, giết người đang thi hành công vụ, bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người.

Ngoài ra, người thực hiện hành vi còn phải thực hiện trách nhiệm bồi thường cho gia định các nạn nhân, chi phí bồi thường được quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự năm 2015, thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật Dân sự.

Cùng nêu quan điểm pháp lý về vụ việc, luật sư Nguyễn Thị Huế, Công ty luật XTVN, (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) nhận định, hành vi của người lái xe bán tải có dấu hiệu của tội "Giết người" theo quy định tại khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 với 2 tình tiết “giết 2 người trở lên” và “giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân”.

Khi có đủ căn cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can với tội danh nêu trên, người điều khiển xe bán tải có thể phải đối mặt với khung hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

“Việc xe bán tải có chở hàng cấm hay không sẽ được Cơ quan công an làm rõ trong quá trình điều tra. Trường hợp có hàng cấm trên xe thì lái xe và những người liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm theo đúng quy định pháp luật”, luật sư Huế cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu hiệu giết người trong vụ xe nghi chở hàng cấm tông chết 3 người ở Long An